Lâm Đồng: Gia đình ba đời gắn bó nghề trồng hoa

05:00 | 15/02/2025

|
Đọc danh sách các tổ chức, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoa được UBND TP Đà Lạt cấp Chứng nhận nhãn hiệu“Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, tôi tò mò vì có 2 hộ gia đình ở một số nhà (74 - Lý Nam Đế, Phường 8). Đến nơi, tôi vỡ lẽ rằng, đây là một gia đình đã ba đời gắn bó nghề trồng hoa cúc truyền thống ở Đà Lạt
Lâm Đồng: Gia đình ba đời gắn bó nghề trồng hoa
Hoa cúc đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phú

TRỒNG HOA TẠO DỰNG CƠ NGHIỆP

Ông Phan Hữu Giản - Quản lý Nhà văn hóa Hà Đông, Phường 8, cho biết, tại làng hoa Đa Thiện có nhiều hộ gia đình đã 3 hoặc 4 đời gắn bó, thủy chung với nghề trồng hoa, nhất là hoa cúc. Bởi nghề trồng hoa đã giúp nhiều gia đình khá giả và góp phần làm nên “thương hiệu” làng hoa Hà Đông - một trong 5 làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt. Trong đó, gia đình ông Nguyễn Đình Phú (sinh 1951) và ông đã “truyền nghề” cho hộ con trai - Nguyễn Đình Phước (sinh 1984) nối nghiệp.

Hôm tôi đến, cả gia đình (vợ, chồng ông, con dâu, các cháu) bận vào vụ hoa mới nên ông Phú “cắt cử” con trai lớn - Nguyễn Đình Phước tiếp tôi. Trò chuyện, anh Phước cho biết, gia đình anh gốc Huế vào Đà Lạt lập nghiệp từ những năm 50 của thế kỷ trước. Cũng như các hộ dân tại Phường 8, từ thời ông bà nội - ngoại, đến đời cha mẹ Phước và bây giờ đến đời con, cháu đều sống gắn bó với nghề trồng rau, hoa. Có hơn 5 sào đất nông nghiệp ông bà nội khai khẩn, canh tác để lại tại Phường 8, từ những năm 1970 - 1997, bố mẹ anh Phước cần cù sản xuất rau, hoa sinh sống và đã nuôi mấy anh em Phước ăn học, thành đạt. Những năm đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên gia đình anh chủ yếu trồng các loại rau, củ (ngắn ngày) để có cái ăn trước mắt và trang trải trong sinh hoạt; về sau, tích lũy khá hơn, bố mẹ anh chuyển dần sang trồng hoa, chủ yếu các loại hoa cúc truyền thống vùng Đa Thiện...

Nhằm mở rộng diện tích sản xuất và để hỗ trợ đất canh tác cho các con lập nghiệp, từ năm 1998, vợ chồng ông Phú mua thêm 6,5 sào đất nông nghiệp của người dân tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương). Trên diện tích này, ông Phú chia cho anh Phước 1 sào để sản xuất, dành dụm riêng; diện tích còn lại, vợ chồng ông và các con gái cùng canh tác chung (trồng hoa cúc các loại).

Năm 2016, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (ngành Xây dựng), Nguyễn Đình Phước trở về Đà Lạt. Sẵn có đất cha mẹ cho và yêu quý nghề trồng hoa của gia đình từ nhỏ, chàng Cử nhân Kiến trúc không đi xin việc làm các cơ quan, doanh nghiệp mà quyết định ở nhà làm… nông dân! Từ đó đến nay, anh Phước vừa sản xuất, xây dựng kinh tế cho gia đình nhỏ của mình vừa phụ giúp cha mẹ làm vườn.

Chàng Cử nhân - nông dân tâm sự: “Ngày nay, nông dân cần có kiến thức về khoa học - công nghệ mới theo kịp yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; nên trí thức làm nông dân, sản xuất nông nghiệp hiện nay là rất bình thường”. Anh Phước cho biết, hiện nay, ngoài chăm lo cho gia đình mình, vợ chồng anh còn giúp cha mẹ làm vườn (ông bà đã lớn tuổi, già yếu); tranh thủ lúc nông nhàn, anh nhận hợp đồng vẽ thiết kế nhà ở, các công trình xây dựng, cũng cho thu nhập khá…

THỦY CHUNG NGHỀ TRỒNG HOA CÚC

Trả lời câu hỏi: “Sao không thử đổi các loại hoa khác mà chuyên trồng hoa cúc đã gần 30 năm qua?”, anh Phước chia sẻ, gia đình anh đã khá quen với đặc tính sinh trưởng, phát triển của hoa cúc và kỹ thuật chăm sóc cũng khá thuần thục; nếu trồng các loại hoa khác đòi hỏi phải thay đổi dụng cụ, phương tiện rất tốn kém kinh phí đầu tư. Chỉ tính riêng việc làm nhà kính, nhà lưới, lắp đặt hệ thống phun tưới, bón phân tự động… cũng tốn khoảng 200 triệu đồng/sào. Nếu chuyển sang trồng các loài hoa khác còn phải đi học thêm kiến thức, kinh nghiệm… Hơn nữa, hoa cúc thường “giữ giá”, cho thu nhập tương đối ổn định so với nhiều loài hoa khác.

Theo anh Phước, về kỹ thuật trồng hoa cúc, cứ sào đất, trồng khoảng 60.000 cây con hoa cúc các loại (đại đóa, kim cương, cúc Saphia - còn gọi cúc chén, cúc chùm…); trong đó, chủ lực là cúc đại đóa vì giống cúc này có giá bán cao nhất (từ 2 - 2,5 ngàn đồng/bông, có khi lên tới 4.000 đồng/bông) tại vườn. Với tổng diện tích 6,5 sào đất, mỗi quý xuống giống khoảng 400 ngàn cây cúc con, chăm sóc trong vòng 3 tháng thì cho thu hoạch hoa. Trung bình mỗi đợt trồng hoa cúc (3 tháng), gia đình ông Phú thu từ 300 - 400 triệu đồng; mỗi năm sản xuất thường 3 đợt, sẽ mang về mức thu hơn 1,2 tỷ đồng. Riêng vợ chồng anh Phước với 1 sào đất chuyên trồng hoa cúc, mỗi năm thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng.

Để ổn định đầu ra cho sản phẩm hoa của gia đình, không bị tư thương ép giá, nhiều năm qua, cha con ông Phú đã hợp đồng liên kết với 3 cơ sở tiêu thụ hoa tại TP Hồ Chí Minh như: Vựa hoa Đầm Sen (có 2 cửa hàng kinh doanh hoa) và 1 cửa hàng tiêu thụ hoa tại chợ Bình Điền. Đáng nói là thông qua liên kết tiêu thụ hoa, gia đình nông dân Nguyễn Đình Phú và hộ gia đình con trai Nguyễn Đình Phước đã góp phần quảng bá thương hiệu hoa cúc của làng hoa truyền thống Đa Thiện - Đà Lạt đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; qua đó, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” ngày càng lan tỏa trên thị trường hoa tươi trong và ngoài nước.

Ngoài 5 lao động chính (hai vợ chồng ông Phú, con gái và vợ chồng anh Phước) hàng ngày sản xuất trên vườn hoa của gia đình, vào các vụ chính, gia đình ông Phú còn thuê từ 10 - 15 lao động địa phương làm việc; qua đó, góp phần giải quyết cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh có việc làm, thu nhập.

Gia đình nông dân Nguyễn Đình Phú đã 3 đời gắn bó, thủy chung với nghề trồng hoa truyền thống Đà Lạt. Gia đình ông đã cùng với nhiều hộ dân ở Phường 8 làm nên thương hiệu làng hoa Hà Đông và làng hoa Đa Thiện nổi tiếng (đã được UBND tỉnh công nhận). Và, hiện nay, các thế hệ con, cháu của ông tiếp tục nối nghiệp đã và đang góp phần làm cho thương hiệu Hoa Đà Lạt vươn xa…

Nguồn: Gia đình ba đời gắn bó nghề trồng hoa

Thanh Dương Hồng

baolamdong.vn