Lâm Đồng: Nông dân phát triển kinh tế xanh
Sôi nổi phong trào nông dân
Ông Lê Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, gắn với các phong trào nông dân, năm 2024, hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, ra sức phấn đấu thi đua, vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ các hộ nông dân còn gặp khó khăn, vừa từng bước xây dựng nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện.
Một vườn xoài đạt chuẩn VietGAP tại Cam Lâm |
Theo thống kê của HND tỉnh, nhờ không ngừng đổi mới, nâng cao quy mô, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh, quy mô sản xuất nông nghiệp của hội viên, nông dân trên toàn tỉnh không ngừng nâng lên, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Điển hình như tại huyện Vạn Ninh có hộ nông dân Nguyễn Trung Lập (xã Vạn Thọ) sản xuất kinh doanh tôm thẻ chân trắng, giải quyết việc làm cho 30 lao động theo mùa vụ, tổng thu nhập 3 tỷ đồng/năm; hộ ông Trần Thanh Hải (xã Vạn Thắng) với cơ sở sản xuất chả cá Hải Xíu, tổng thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm. Tại thị xã Ninh Hòa, hộ ông Phan Đức Việt (xã Ninh Ích) với mô hình nuôi cá giống, nuôi cá thương phẩm trên diện tích 7.000m2, thu nhập hơn 1,7 tỷ đồng/năm; hộ ông Phạm Minh Chính (xã Ninh Trung) với mô hình trang trại tổng hợp, thu nhập hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Tại huyện Khánh Vĩnh có hộ ông Đoàn Nguyên Thanh (xã Khánh Đông) với 5ha sầu riêng; ông Hà Thông (xã Khánh Phú) có trang trại chăn nuôi bò sinh sản; hộ bà Hoàng Thị Minh với mô hình trồng cây ăn quả với hàng chục héc-ta, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động. Ở huyện Khánh Sơn có nông dân Đặng Tài Bảy (xã Sơn Lâm) sản xuất giỏi trong lĩnh vực trồng sầu riêng, doanh thu hơn 14 tỷ đồng/năm, giúp 8 hộ khác cùng vươn lên. Tại huyện Cam Lâm có mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của hội viên Văn Minh Cường (xã Cam Hải Đông) doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm…
Điểm chung của các tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đó là cùng với nâng cao quy mô sản xuất, các nông dân đã từng bước đổi thay cả về trình độ sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Những bè tôm, cá, vườn cây ăn quả đạt chuẩn VietGAP ngày càng nhiều, cung cấp cho thị trường nông sản chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, mang tính hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp xanh - bền vững của tỉnh. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi ngày càng sạch, an toàn, nhiều hoạt động làm sạch đường làng, ngõ xóm, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thu gom rác hữu cơ làm phân bón… đều được nông dân tích cực tham gia và đạt nhiều kết quả tốt.
Hướng đến nông nghiệp xanh
Theo lãnh đạo HND tỉnh, năm 2024 toàn tỉnh có hơn 103.000 hộ hội viên đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có 66.387 hộ nông dân giỏi các cấp, đạt 128,5% chỉ tiêu giao. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mô hình liên kết hợp tác ngày càng nhiều, chất lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất kinh doanh được nhân rộng. Trong số các mô hình kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều hộ nông dân ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 8 mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao… kết hợp với du dịch; phát triển các mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân để sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Song song đó, hội đã phối hợp tổ chức truyền thông về các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường cho 400 cán bộ, hội viên nông dân thuộc huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh và thị xã Ninh Hòa; tổ chức 6 chuyến tham quan các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường trong khuôn khổ thực hiện Dự án “Tuyên truyền vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tại huyện Diên Khánh, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa với 264 cán bộ, hội viên nông dân tham gia; tiếp tục duy trì các mô hình xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường đã triển khai từ các năm trước. Hội cũng đã xây dựng mới 25 mô hình bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; hơn 100.000 lượt hội viên, nông dân đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua đó, giúp nông dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, ứng dụng nông nghiệp sạch, hữu cơ để phát triển theo định hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn theo Chương trình hành động của HND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị.
Ông LÊ QUỐC TOÀN - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh: HND tỉnh đặt mục tiêu hàng năm có 100% cơ sở hội làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, xây dựng ít nhất 1 mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng năm, 100% HND các cấp tổ chức được hoạt động dạy nghề, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ nông dân có điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; phấn đấu đến năm 2030, 100% hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản phẩm… |
Nguồn: Nông dân phát triển kinh tế xanh
Hồng Đăng
baokhanhhoa.vn
-
Áo dài Huế được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia
-
Ông Đoàn Quốc Huy giữ chức Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc BIM Group
-
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại
-
Vietsovpetro - Biểu tượng của tình hữu nghị tin cậy, bền vững
-
Vinamilk: Một thương hiệu quốc gia “đặc biệt” và “khác biệt”
-
Vinamilk trao tặng hơn 8,2 tỷ đồng hỗ trợ mổ tim và mắt cho bệnh nhân nghèo
-
Xu hướng tiêu dùng của người Việt năm 2025
-
VCRIS 2024: Chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất về mật mã và an toàn thông tin
-
Hoa hậu Khánh Vân tiếp tục tung ảnh cưới 'cực slay' ở Thái Lan