Lâm Đồng: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trái bơ Lâm Đồng

05:00 | 12/06/2024

|
Theo thống kê thu thập được trong 5 năm trở lại đây, giá bơ các loại có xu hướng giảm qua từng năm. Từ trung bình 53.000 đồng/kg năm 2019 xuống còn trung bình 15.000 đồng/kg vào năm 2023. Đặc biệt, có thời điểm chính vụ, giá bơ chỉ còn khoảng 5.000-7.000 đồng/kg, điều này đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm bơ trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm trở lại đây, giá bơ các loại có xu hướng giảm qua từng năm khiến người nông dân vô cùng lo lắng

Trong 5 năm trở lại đây, giá bơ các loại có xu hướng giảm qua từng năm khiến người nông dân vô cùng lo lắng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Lâm Đồng là vùng đất thích hợp cho cây bơ sinh trưởng phát triển. Hiện nay, tổng diện tích bơ trên địa bàn tỉnh đạt 8.067 ha; trong đó, có sự phân bố rõ ràng của các loại giống bơ và hướng trồng khác nhau.

Cụ thể, bơ 034 chiếm tỷ lệ lớn nhất với 6,557 ha (81,3%), tập trung chủ yếu ở các huyện như Di Linh (2.782 ha), Bảo Lâm (2.371 ha), Lâm Hà (440 ha), Bảo Lộc (418 ha) và Đức Trọng (390 ha); bơ booth có diện tích trồng khoảng 900 ha (11,2%), chủ yếu tập trung ở các huyện như Lâm Hà (530 ha), Đức Trọng (110 ha) và Đà Lạt (95,2 ha); các loại bơ khác chiếm 610 ha (7.5%).

Đa số diện tích trồng bơ trên địa bàn tỉnh được trồng theo hướng xen canh chiếm 87%, trong khi diện tích trồng thuần chỉ chiếm 13%. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế về năng suất và chất lượng sản phẩm do tâm lý ngại chuyển đổi của bà con Nhân dân.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh đánh giá, Lâm Đồng là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển cây bơ. Nông dân có nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật canh tác, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; sản lượng bơ chủ yếu là bơ 034, là loại bơ có chất lượng, thương hiệu, đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, thời điểm chính vụ của bơ trên địa bàn Lâm Đồng kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, với sự đa dạng các chủng loại bơ. Đây là điều kiện thuận lợi, điểm mạnh cho việc cung ứng bơ ra thị trường so với các địa phương khác trong cả nước (thời điểm chín vụ ngắn hơn, thường tháng 6 đến tháng 8).

Tuy nhiên, theo thống kê thu thập được trong 5 năm trở lại đây, giá bơ các loại có xu hướng giảm qua từng năm. Từ trung bình 53.000 đồng/kg năm 2019 xuống còn trung bình 15.000 đồng/kg vào năm 2023. Mức độ chênh lệch giá đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa ngày càng mạnh. Mặt khác, dù sản lượng bơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt mức khoảng 79,961 tấn/năm, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 công ty chuyên sơ chế và chế biến bơ là Công ty TNHH Blaofood (Bảo Lộc), Công ty CP Hikari Đà Lạt (Đức Trọng), Công ty TNHH SX TM XNK Thuận Thành (Đức Trọng) và Công ty TNHH Nông sản Văn Phương (Đức Trọng).

Trong đó, Công ty TNHH Nông sản Văn Phương có quy mô thu mua, sơ chế và chế biến đạt 600 tấn/năm, tập trung vào tiêu thụ trong các tỉnh, thành trong cả nước. Các Công ty TNHH Blaofood, Công ty CP Hikari Đà Lạt mới bước vào cấp đông bơ trong năm 2023 với sản lượng sơ chế và chế biến đạt 40 tấn/năm/đơn vị, chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm nay, dự kiến sản lượng bơ cấp đông của Công ty TNHH Blaofood đạt khoảng 1.000 - 2.000 tấn/năm và Công ty TNHH SX TM XNK Thuận Thành đạt khoảng 300 - 400 tấn/năm.

Ngoài ra, theo thống kê của các địa phương, hiện nay có 80 cơ sở thu mua nhỏ lẻ trên địa bàn các huyện, khả năng thu mua gần 13.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu thị trường nội địa, một số cơ sở thu mua xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Thái Lan và Campuchia. Số lượng bơ còn lại hầu như được tiêu thụ thông qua các thương lái tự do từ các tỉnh, thành lân cận và các hộ nông dân tự bán thông qua các kênh bán truyền thống và bán online trên các nền tảng xã hội. Bơ của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu bán trái tươi, một phần nhỏ được cấp đông, các sản phẩm khác từ trái bơ hầu như chưa được khai thác (dầu, sấy, bột bơ…).

Theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm bơ nhằm phát triển bền vững cây bơ gắn với tiêu thụ ổn định các sản phẩm bơ trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại để tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, đặc biệt là những thị trường đã biết đến trái bơ của tỉnh như Thái Lan, Campuchia, Nhật,…

Mặt khác, Sở NN&PTNT tỉnh cũng đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất theo định hướng, kế hoạch, không sản xuất tự phát nhằm ổn định diện tích sản xuất bơ để sản lượng bơ cung cấp cho thị trường ổn định hơn, tránh tình trạng sản phẩm cung vượt quá cầu ảnh hưởng đến đầu ra cũng như giá cả sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu; hình thành các vùng bơ chuyên canh, sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật, theo các quy trình quản lý chất lượng đồng bộ nhằm kiểm soát tốt sâu bệnh hại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, đồng đều, đặc biệt thu hái đúng độ tuổi, tuyệt đối không thu hái bơ non, kém chất lượng. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật kéo giãn vụ bơ, bơ trái vụ… để nâng cao giá trị trái bơ, giảm áp lực mùa vụ.

Nguồn: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trái bơ Lâm Đồng

Hoàng Sa

baolamdong.vn