Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

14:15 | 12/08/2023

|
Kiểm soát cơn giận giúp bạn giảm thiểu sai lầm và những tổn thương trong các mối quan hệ. Emdep “mách nước” cho bạn 2 phương pháp tự làm chủ cảm xúc của mình nhé.
Làm thế nào để ngừng so sánh bản thân với người khác?Làm thế nào để ngừng so sánh bản thân với người khác?
5 cách đá bay cảm giác tủi thân5 cách đá bay cảm giác tủi thân

Tức giận là một trạng thái cảm xúc mà hầu như ai cũng có, thậm chí nó còn có thể trở thành một “đặc trưng” điển hình trong tính cách của một số người cực kỳ dễ kích động. Những “cuộc chiến” căng thẳng tức thời hay dai dẳng đều gây hại cho sức khỏe và tinh thần.

Kiểm soát cơn giận đòi hỏi bạn phải kiên trì và tập luyện dần dần, đặc biệt là với người nóng tính càng phải nhẫn nại hơn. Dưới đây là 2 cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng rèn luyện để tiết chế sự giận dữ và mất kiểm soát.

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

Phương pháp 1. Tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp tức thời khi đang trong tình huống căng thẳng

Quan sát và nhận ra các dấu hiệu sinh lý cho thấy bạn đang tức giận

Cảm xúc giận dữ cũng có liên quan đến các phản ứng hóa học trong não bộ. Khi bạn tức giận, hạch hạnh nhân ở trung tâm não bộ gửi tín hiệu đến vùng đồi dưới, nơi đây sẽ tiếp tục gửi epinephrine đến hệ thần kinh, thông qua thần kinh giao cảm mà đến tuyến thượng thận.

Tuyến thượng thận giống như một máy bơm vận chuyển epinephrine đi khắp cơ thể, thúc đẩy nhịp tim tăng nhanh và kích thích các giác quan. Mục đích sinh học của quá trình này là để chuẩn bị “chiến đấu” hoặc “chạy trốn”.

Vì vậy, nếu khả năng chịu đựng phản ứng sinh lý của bạn quá thấp thì càng dễ bị chọc giận. Lúc đó các triệu chứng của cơ thể cũng dễ bộc phát hơn như tim đập nhanh, mắt đỏ ngầu, môi mím chặt, huyết áp tăng và não bộ dễ bị mất khống chế…

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

Thấu hiểu mọi cảm xúc của bạn

Nguồn gốc của giận dữ có thể bộc phát tại chỗ, cũng có thể xuất phát từ nhiều cảm xúc khác nhau mà tạo thành, ví dụ như tổn thương, buồn chán, đè nén, sợ hãi hay đau đớn… Tức giận đóng vai trò như cơ chế giúp bạn xử lý những cảm xúc này.

Bạn cần tự suy xét lại để tìm ra yếu tố nào hình thành cảm xúc “bùng nổ” của mình. Chỉ có như vậy, bạn mới có phương hướng tìm ra giải pháp thích hợp để giải tỏa căng thẳng và trạng thái tiêu cực này.

Chấp nhận sự tức giận cũng là một cảm xúc bình thường nhưng không lạm dụng

Không phải lúc nào nóng giận cũng xấu và có hại. Một số trường hợp đặc biệt như tự vệ hoặc giữ sự tôn nghiêm thì thể hiện bạn đang tức giận cũng là cách nhắc nhở đối phương biết rằng họ đang cư xử không đúng mực.

Tuy nhiên, bạn cần chú ý theo dõi để phát hiện bản thân có dấu hiệu mất kiểm soát trong tình huống hiện tại. Hành động quát mắng, nắm chặt tay thành nắm đấm hoặc làm rơi ngã đồ vật là báo động cho bạn cần bình tĩnh lại.

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

Phương pháp 2. Tích cực tạo những thói quen tích cực để kiểm soát cơn giận kinh niên

Có chế độ hoạt động thể chất phù hợp

Ngoài học cách kiểm soát cơn giận ngay tại chỗ, bạn cũng cần rèn luyện cho mình những biện pháp hỗ trợ nên giảm nguy cơ căng thẳng, nóng giận hay trầm cảm. Thói quen vận động thể chất giúp bạn tăng cường sự dẻo dai và giải phóng Endorphin xoa dịu cảm xúc.

Lựa chọn môn thể dục thể thao phù hợp với trạng thái sức khỏe của mình như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, võ thuật, khiêu vũ, yoga, thiền… Nếu bạn quá bận rộn, ít nhất cũng nên dành 30 phút để đi bộ thư giãn mỗi ngày.

Đảm bảo chất lượng giấc ngủ

Thiếu ngủ không những khiến bạn yếu ớt, dễ mắc bệnh mà còn giảm khả năng kiểm soát cảm xúc. Người trưởng thành cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm, nếu ít hơn, bạn nên bổ sung giấc ngủ ngắn vào giữa trưa.

Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

Nói chuyện với chính mình và tập thể hiện sự tức giận đúng cách

Bạn có thể viết nhật ký hoặc thì thầm với chính mình vào mỗi tối trước khi ngủ. Đây là thời điểm cơ thể dễ dàng thả lỏng, giúp bạn quay vào bên trong, kiểm điểm lại mọi thứ đã xảy ra trong ngày và tự vỗ về những cảm xúc tiêu cực.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tập thể hiện cơn giận một cách chủ động và có mức độ, bao gồm lời nói đúng mực ít gây tổn thương, hành động kiên định nhưng có tự chủ hoặc học được thói quen tạm thời tránh đi nếu cảm thấy không khí sắp mất khống chế.

Hy vọng bài viết với 2 phương pháp đơn giản sẽ giúp bạn kiểm soát cơn giận tốt hơn, tránh được những nguy cơ đáng tiếc trong cuộc sống.

Nguồn: Làm thế nào để kiểm soát cơn giận?

Thiên Khuê

emdep.vn