Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

09:56 | 14/07/2022

|
Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Nhiều hung khí nguy hiểm được lực lượng Công an thu giữ trong vụ hỗn chiến giữa 2 nhóm thanh thiếu niên xảy ra vào rạng sáng ngày 10-6-2022, trên địa bàn Q. Hải Châu.

Diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng các nhóm đối tượng TTN tụ tập, sử dụng các loại hung khí đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn và gây rối trật tự công cộng trên đường phố có những thời điểm diễn biến phức tạp. Tuy không xảy ra vụ việc nào có hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có hậu quả chết người, song vẫn còn xảy ra 1 số vụ việc gây dư luận xã hội và tiềm ẩn nguy cơ cao diễn biến phức tạp, khó lường…

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS)- Công an TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ sử dụng hung khí đánh nhau giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng… do các băng, nhóm (từ 3 đối tượng trở lên) gây ra, làm 17 người bị thương (hầu hết có thương tích nhẹ). Lực lượng Công an các cấp đã làm rõ 28 nhóm với 216 đối tượng có liên quan, trong đó đã triển khai lực lượng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời 13 vụ, không để xảy ra hậu quả đánh nhau.

Từ các vụ việc như trên, lực lượng Công an đã khởi tố 2 vụ với 7 bị can về hành vi “Giết người”; 5 vụ với 41 bị can về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Ngoài ra, xử lý hành chính 81 đối tượng, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường 9 đối tượng; đưa đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng 2 đối tượng và đang tiếp tục làm rõ để xử lý 87 đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Hiện lực lượng Công an các cấp đang quản lý 312 đối tượng (tăng 140 đối tượng so với thời điểm cuối quý I-2022). Đây là đối tượng có nguy cơ trở thành nguồn của các loại tội phạm như trộm cắp, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng…

Nhìn nhận về một số vấn đề pháp lý xung quanh các vụ việc TTN chuẩn bị hung khí đánh nhau, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn- Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, cho biết: Khoản 6 Điều 134 của Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Quy định này không bắt buộc người phạm tội phải hoàn thành hành vi khách quan là gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác và cũng không bắt buộc phải có hậu quả xảy ra. Người có hành vi chuẩn bị một trong các loại công cụ, phương tiện phạm tội như: vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì đã đủ dấu hiệu về mặt hành vi khách quan để xử lý hình sự người phạm tội.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc

Theo Thượng tá Trần Quang Minh- Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Đà Nẵng, qua các vụ việc xảy ra trên địa bàn thời gian qua cho thấy, các đối tượng tham gia gây rối, đánh nhau đều còn rất trẻ, nhiều trường hợp chỉ mới 14 – 15 tuổi. Hoàn cảnh gia đình của các đối tượng này đa phần bị khiếm khuyết, cha mẹ ly hôn, ly thân hoặc đi làm ăn xa không ai quản lý, chăm sóc… Còn về nguyên nhân, thường chủ yếu xuất phát từ các mâu thuẫn nhỏ trên mạng xã hội hoặc bột phát tức thời. Và để giải quyết, các đối tượng thường hẹn nhau tại các tuyến đường lớn, vắng người qua lại, thời điểm vào ban đêm. Đáng nói, dù còn trẻ tuổi nhưng hành vi của các đối tượng rất nguy hiểm, mang theo hung khí dàn hàng ngang lao vào nhau bất chấp hậu quả.

Thời gian tới, để tiếp tục răn đe, phòng ngừa tình trạng TTN sử dụng hung khí đánh nhau, về phía lực lượng Công an, Thượng tá Minh cho hay, Phòng CSHS sẽ chỉ đạo cho các trinh sát tăng cường đi sâu, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, nhất là đối với các băng, nhóm, đối tượng có biểu hiện mâu thuẫn, nghi vấn về hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình trên không gian mạng, chú ý nhận diện, phát hiện các app, website, tài khoản mạng xã hội, fanpage, các hội nhóm, diễn đàn… lợi dụng không gian mạng để quảng cáo mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; các biểu hiện kêu gọi tụ tập đánh nhau nhằm chủ động phối hợp lực lượng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn. Về giải pháp căn cơ song hành, theo Thượng tá Minh, đó là cả hệ thống chính trị cần vào cuộc giúp đỡ tạo điều kiện học tập, học nghề, tạo việc làm, thu nhập chính đáng cho các em, qua đó phòng ngừa, ngăn chặn việc các em vi phạm pháp luật cũng như việc các đối tượng hình sự lợi dụng dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, hướng tới mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự gia tăng xu hướng trẻ hóa của tội phạm, nhất là đối với nhóm hành vi xâm hại nhân thân, xâm phạm sở hữu…

Tại phiên thảo luận chung của Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Đà Nẵng, khóa X, ngày 13-7, Đại tá Phan Văn Dũng (tổ đại biểu quận Liên Chiểu, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) cho biết, thời gian tới, Công an thành phố sẽ tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chỉ đạo, triển khai công tác giáo dục các nhóm thanh thiếu niên hư, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền đến đối tượng cá biệt, cũng như có giải pháp tuyên truyền, cảnh báo với gia đình có con em trong diện nguy cơ cao vi phạm pháp luật. Cùng với đó, Công an thành phố cũng sẽ triển khai nhiều đợt cao điểm trấn áp xử lý tội phạm, đặc biệt chú ý đến tội phạm là TTN, tập trung điều tra, xử lý các chuyên án, vụ việc liên quan đến TTN tụ tập sử dụng hung khí đánh nhau. “Công an sẽ tham mưu Thành ủy sớm ban hành chỉ thị nhằm huy động sức mạnh và quy rõ trách nhiệm của từng sở, ban, ngành, từng đơn vị, địa phương về vấn đề trên”, ông Dũng nói.

Để phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn các vụ việc, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh cần đẩy nhanh đầu tư, triển khai các dự án hiện đại hóa Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an thành phố, kết hợp hệ thống camera, phần mềm thông minh để phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự. “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát an ninh để hỗ trợ phòng ngừa, kịp thời phát hiện các loại tội phạm, nhất là tình trạng các nhóm TTN tụ tập sử dụng hung khí đánh nhau”, Đại tá Phan Văn Dũng nói.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Thị Anh Thảo cho rằng, để hạn chế tình trạng TTN giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể và sự cộng hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. “Với vai trò chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho TTN, Đoàn Thanh niên các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các trường, chú ý sàng lọc, khoanh vùng học sinh có nguy cơ bỏ học để theo dõi quản lý; đồng thời, tăng cường các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho các em trước nguy cơ vi phạm”, Phó Bí thư Thành Đoàn nhấn mạnh.

Nguồn: Ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn: Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

D.N.H

Chuyên trang Công an Đà Nẵng