Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại

07:55 | 09/11/2023

|
Đến hẹn lại lên, khung cảnh nhộn nhịp thay đá lát vỉa hè vào cuối năm lại tiếp tục tái diễn. Thế nhưng, trên nhiều tuyến phố, vỉa hè đào lên vẫn chưa được lát lại khiến người dân ngán ngẩm.
Hàng loạt ôtô đỗ trên vỉa hè Hà Nội nghi bị chọc thủng lốp trong đêmHàng loạt ôtô đỗ trên vỉa hè Hà Nội nghi bị chọc thủng lốp trong đêm
Hàng ghế đá ở phố Nguyễn Chí Thanh bị chiếm dụng thành nơi bán hàng rongHàng ghế đá ở phố Nguyễn Chí Thanh bị chiếm dụng thành nơi bán hàng rong
Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại
Đá lát vỉa hè đào lên nhưng chưa được lát lại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Ảnh: Khánh Linh

Vỉa hè thay phiên bị đào xới

Ngày 8.11, theo ghi nhận của Lao Động, một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội về cơ bản đã hoàn thành việc lát đá vỉa hè mới. Tuy nhiên, vẫn còn những tuyến phố trên địa bàn nhiều quận như phố Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch, Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Hào Nam xuất hiện tình trạng thi công dang dở.

Trên cùng một con đường, nhưng chỗ lát dở, nơi mới chỉ đổ tạm bê tông, khu vực khác lại mới được đào lên, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Chưa kể vật liệu xây dựng, rác thải chất đống trên vỉa hè, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Đặc biệt trên tuyến Trần Thái Tông và Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy).

Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại
Những công trình lát đá vỉa hè thi công nhiều tháng trời vẫn chưa xong. Ảnh: Khánh Linh

Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Phú Long - chủ một gara ôtô trên phố Phạm Văn Bạch chia sẻ: "Chỗ vỉa hè này cũng phải đào xới lên được mấy tháng nay rồi. Sau khi đào lên, đơn vị đổ một lớp bê tông rồi để đó, mãi chưa thấy thi công. Tôi có hỏi công nhân rằng khi nào sẽ lát lại vỉa hè thì họ trả lời rằng năm sau mới có đá lát. Cứ mãi như thế này thì bất tiện vô cùng".

Cũng theo chủ gara ôtô này, việc vỉa hè liên tục được đào xới, thi công trì trệ đã khiến việc kinh doanh của anh cũng như nhiều cửa hàng khác ở gần đó bị đảo lộn. Thậm chí, anh còn phải lấy xi măng đắp tạm đường để tiện việc khách hàng lên xuống mua bán và sửa xe.

Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại
Vỉa hè nhếch nhác, nham nhở khiến nhiều người phải đứng xuống lòng đường chờ xe buýt. Ảnh: Khánh Linh

Tỏ rõ sự khó chịu khi đang chờ xe buýt tại một điểm buýt trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Nguyễn Huy Quốc (sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) cho biết: "Mỗi lần đứng chờ xe buýt ở đây là một lần bất tiện bởi không có gạch lát, đừng trên nền đất thì rất bẩn, chưa kể những ngày mưa như vừa rồi. Mà đứng sâu bên trong thì không để ý được xe tới, đứng xuống lòng đường lại nguy hiểm".

Theo tìm hiểu của PV, vỉa hè đường Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch đang được cải tạo thuộc dự án cải tạo hè đường Trần Thái Tông, Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy).

Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại
Vật liệu xây dựng ngổn ngang trên khắp tuyến phố. Ảnh: Khánh Linh

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty CP tư vấn thiết kế xây dựng Lũng Lô. Ngày khởi công là 19.6.2023, thời gian thi công 180 ngày.

Đến nay, dù đã gần hết thời gian hoàn thành dự kiến, nhưng mọi thứ vẫn còn rất ngổn ngang.

Vỉa hè Hà Nội liên tục bị đào xới

Năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Sau 6 năm triển khai kế hoạch, đến cuối năm 2022, các quận nội đô thực hiện lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho biết, vỉa hè là một công trình giao thông đòi hỏi phải đảm bảo ổn định, bền chắc và đáp ứng tốt việc đi lại của người dân, đảm bảo an toàn, không có vật cản trở. Bên cạnh đó, vỉa hè cũng phải thống nhất định kỳ được sửa chữa, bảo dưỡng nhất định.

Theo TS Thủy, vỉa hè cần được sửa chữa ở những nơi cần thiết trước, đặc biệt là những tuyến đường có đông người dân sinh sống, đi lại và gạch lát vỉa hè đã cũ, hỏng.

“Mỗi lần sửa chữa, bảo dưỡng vỉa hè là một lần ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, mỗi lần sửa chữa lại vỉa hè, cơ quan chức năng có thẩm quyền cần thông báo trước và cần có sự đồng bộ về thời gian để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân” - chuyên gia giao thông này cho hay.

Nguồn:Người dân ngán ngẩm khi vỉa hè Hà Nội đào lên nhưng chưa lát lại

Khánh Linh

laodong.vn