Những câu chuyện kể sau dáng hình của gốm

08:15 | 09/11/2023

|
Huân hướng tới việc đi theo truyền thống, làm thủ công nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và phải chạm vào cảm xúc để mang đến giá trị tinh thần cao nhất.

Dù khi là một cậu bé hay đã trưởng thành, Bùi Văn Huân vẫn say mê những khối đất đỏ của làng gốm Phù Lãng. Chỉ khác rằng Huân ngày bé chỉ “chơi” với đất còn Huân những năm 30 tuổi có khả năng biến khối đất vô tri trở thành tác phẩm tinh tế, có giá trị cao. Anh cũng sáng lập ra thương hiệu Gốm Huân (đặt tại Phù Lãng, Bắc Ninh) với những sản phẩm độc bản, mang đậm tinh thần Việt.

Những câu chuyện kể sau dáng hình của gốm
Mỗi ngày, Huân đều cảm thấy hạnh phúc khi được sáng tạo

Mỗi dáng hình đường vân là một câu chuyện

Từ bé, Huân đã rất thích gốm và thích vẽ. Để theo đuổi đam mê, Huân thi vào chuyên ngành gốm (Khoa Mỹ thuật truyền thống) Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Anh muốn học những kiến thức căn bản nhất để hiểu kỹ về nghề, phát triển sâu rộng trong tương lai chứ không chỉ là một người thợ vuốt nặn, gia công.

Khi ra trường, Huân tiếp tục học bằng cách xin việc ở một số cơ sở khác. Năm 2020, khi cảm thấy mình đã tích lũy kha khá kinh nghiệm, anh quyết định trở về làng gốm Phù Lãng để tạo dựng dòng sản phẩm riêng mang tên mình.

Huân hướng tới việc đi theo truyền thống, làm mọi việc một cách thủ công nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và phải chạm vào cảm xúc để mang đến giá trị tinh thần cao nhất.

“Như nhiều người trong làng gốm, tôi cũng tạo ra những tác phẩm có màu vàng da lươn từ chất đất đỏ đặc trưng của Phù Lãng. Các tác phẩm được nung bằng lò củi hoàn toàn. Nhưng, điều khác biệt là tôi đưa thêm những câu chuyện vào trong từng hình dáng, đường vân, vết kẻ, họa tiết… Bất kỳ dấu vết nào trên tác phẩm thô mộc cũng mang ý nghĩa riêng” - Huân chia sẻ.

Chú trọng việc kể chuyện trên nền một kỹ thuật điêu luyện nhưng ý tưởng của những bộ sưu tập Huân tạo ra hoàn toàn ngẫu hứng. Cái gì đến trong cảm xúc, Huân sẽ đón nhận và thể hiện.

Như sau chuyến đi thăm cao nguyên đá Đồng Văn, Huân tạo ra bộ sưu tập Cao nguyên đá Đồng Văn. Từng sản phẩm đều mang nét đẹp phóng khoáng, hùng vĩ của thiên nhiên. Giữa những cao nguyên đầy đá, sự sống vẫn đâm chồi nảy lộc. Những chiếc bình chắc tay, vững chãi được tô điểm bằng những đường vân uyển chuyển, thể hiện tinh thần bất khuất và sự hồn hậu của người Việt Nam.

Với Gia đình Sen lại là nét chấm phá văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Những chiếc bình gốm có hình dáng tự nhiên, thể hiện góc nhìn về tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa. Huân không làm ra hình ảnh những bông sen nở rộ đương thời đẹp nhất mà anh tạo ra cả một đầm sen với những giai đoạn khác nhau từ khi đương nụ hay đã thành đài sen. Anh muốn nói về tình yêu của đôi lứa khi tựa vào nhau lặng yên, cùng nhau xây dựng gia đình, nuôi lớn con cái và ấp ôm nhau khi về già.

Anh cũng tạo ra Đường lên non cao, Tre Việt, Màu thời gian… với rất nhiều câu chuyện như thế. 10 năm làm nghề, Huân đã kể không biết bao nhiêu điều về phong cảnh, lịch sử, văn hóa non nước sau mỗi dáng hình sản phẩm. Với anh, những ý tưởng sáng tạo về tinh thần Việt Nam luôn dồi dào và không thể khai thác hết.

Bùi Văn Huân luôn nhận được những sự khích lệ trên con đường anh đi. Năm 2014, khi tham gia Triển lãm Mỹ thuật Ứng dụng toàn quốc tại Hà Nội, anh có 2 tác phẩm được tham gia và trưng bày trong triển lãm. Con đường sáng tác gốm chuyên nghiệp của Huân cũng bắt đầu với giải khuyến khích cho bộ tượng linh vật 12 con giáp.

Càng làm, tình yêu với gốm trong Huân càng lớn dần. “Công việc này cho tôi được sống với đam mê, thoải mái về thời gian và được tự do sáng tạo. Thật hạnh phúc khi sản phẩm làm ra đều được khách hàng đón nhận. Mọi người tìm đến, giới thiệu cho nhau và khách mua hàng lại trở thành những người bạn của tôi. Tôi chỉ cần yên tâm làm tốt công việc của mình” - Bùi Văn Huân bày tỏ.

May mắn khi tìm thấy ý nghĩa cuộc đời với gốm, Huân chưa bao giờ cho phép mình buông lơi trách nhiệm với công việc. “Tôi mong mỏi có thể góp phần biến tài nguyên của đất nước trở thành những sản phẩm mà ai nhìn vào cũng biết là gốm Việt và nhìn vào sản phẩm gốm Việt đó thì sẽ nhận ra chất men riêng của Phù Lãng, biết là gốm Huân” - Bùi Văn Huân nói về trăn trở.

Những câu chuyện kể sau dáng hình của gốm
Một số sản phẩm ấn tượng từ gốm Huân

Nếu có kỹ thuật mà không có tư duy thì chỉ biết "sao chép"

Mỗi ngày, Huân lên xưởng từ sáng đến chiều, tối. Anh tự làm tất cả các khâu, từ làm đất, chuốt gốm, trang trí hoa văn đến tráng men và nung. Vợ Huân cũng làm việc cùng, phụ giúp anh những công việc không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật và sự sáng tạo.

Trước câu hỏi mỗi ngày đều làm như vậy thì có chán hay mệt mỏi, Huân cười: “Ngược lại, tôi thấy hạnh phúc từng ngày. Cứ chầm chậm, đều đặn đi theo những ý tưởng muốn làm, không có gì phải vội vàng”.

Không chỉ … “chưa chán”, Huân còn cảm thấy may mắn khi quãng thời gian tuổi trẻ được học tập một cách bài bản về nghề. Anh cho rằng việc học giúp anh mở rộng khoảng trời sáng tạo, thực hành, không bị giới hạn bởi lũy tre làng.

Nghiên cứu kỹ thuật làm gốm của các quốc gia khác, anh càng thấy rằng không thể lấy kỹ thuật của làng nghề mình để làm chuẩn. Mỗi nơi đều có những ưu, nhược điểm riêng để mình học hỏi, rút kinh nghiệm.

“Muốn tạo ra những sản phẩm độc bản mang góc nhìn, cảm xúc của mình thì phải không ngừng nỗ lực để phát triển. Kỹ thuật chỉ là phương tiện nên nếu có kỹ thuật mà không có tư duy, ta sẽ chỉ biết bắt chước, làm theo những cái đã có.

Ngược lại, nếu có tư duy mà thiếu kỹ thuật cũng sẽ không thể tạo ra những sản phẩm đẹp, đúng ý mình” - Huân nói về lý do anh vẫn luôn chú trọng cả 2 khía cạnh khi làm nghề.

Cũng theo Huân, người làm gốm phải có kiến thức chung rất rộng. Ví dụ như cần hiểu về ngũ hành. Rồi phải biết rõ về hướng gió nhằm biết được nên xây lò theo hướng nào để quanh năm đốt ổn định…

“Người làm nghề gốm cũng phải có sức khỏe mới theo nghề lâu dài. Đơn giản nhất như việc phải canh lò đun củi 3 ngày 2 đêm sẽ có rất nhiều rủi ro. Lần nào canh lò, tôi cũng không dám ngủ vì chỉ cần ngủ quên thì sản phẩm sẽ tự vỡ” - Huân kể.

Những câu chuyện kể sau dáng hình của gốm
Tình yêu lớn trong Huân là gốm

Công việc làm gốm phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Chính những điều này cũng tạo nên sự hồi hộp, trông mong nơi người nghệ sĩ. Mỗi sản phẩm ra lò giống như một đứa con tinh thần đã trải qua biết bao gian nan, vất vả. Vậy nên ngắm nhìn tác phẩm hay chạm tay lên từng đường vân đều thấy cảm xúc ùa về.

Thời gian không ở xưởng gốm, Huân thích đọc sách, trò chuyện với những người bạn đồng điệu, ghé thăm các bảo tàng… Anh tìm hiểu kỹ về lịch sử gốm qua các thời kỳ, mỗi lần tiếp xúc lại thấy mình thấm nhuần hơn tư tưởng và kỹ thuật của cha ông.

Huân chia sẻ, anh vừa bước qua giai đoạn 3 năm gầy dựng nên thương hiệu gốm Huân. Sắp tới, anh sẽ tham gia nhiều triển lãm, sự kiện hơn trước để đẩy mạnh việc giới thiệu những bộ sưu tập độc bản của mình. Từng chút một, anh sẽ phấn đấu để mang gốm Huân - một thương hiệu gốm của người Việt Nam - bước ra thế giới.

Nguồn: Những câu chuyện kể sau dáng hình của gốm

Cát Tường

phunuonline.com.vn