‘Passion Economy’: Khi con người đi làm vì đam mê mà không phải tiền bạc

14:10 | 02/05/2023

|
Bạn đi làm vì tiền bạc hay đam mê? Bạn muốn tìm kiếm sự ổn định nhưng nhàm chán hay hạnh phúc mà đầy rủi ro? Có một khái niệm là Passion Economy, cùng Emdep tìm hiểu vấn đề này nhé!
Không có đam mê, chúng ta vẫn sống ổn?Không có đam mê, chúng ta vẫn sống ổn?
Sống có đam mê thì cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơnSống có đam mê thì cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn

Chắc hẳn bạn đọc vẫn chưa quên câu chuyện về nữ YouTuber K. gây xôn xao mạng xã hội vào tháng trước với chia sẻ của cô: “Mình sinh ra không phải để đi làm!”. Dĩ nhiên tư tưởng này của cô bị cư dân mạng kịch liệt lên án. Nhưng đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi vì sao K. có suy nghĩ như thế? Liệu có phải vì K. đi làm chỉ để kiếm tiền và việc ấy làm cô thấy mệt mỏi? Thực tế trong cuộc sống, tôi cho rằng không chỉ K. mà nếu có thể thì không ai muốn làm những công việc bản thân không yêu thích, cho dù thu nhập thấp hay cao.

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc đi làm vì đam mê chứ không phải vì tiền bạc chưa? Nếu chưa, hãy cùng Emdep tìm hiểu về Passion Economy nhé!

Passion Economy là gì?

Passion Economy (Nền kinh tế đam mê) là khi con người đi làm vì đam mê của bản thân và tạo ra thu nhập nhờ vào sở thích ấy. Bạn thích vẽ sao? Hãy trở thành họa sĩ. Hay là bạn thích viết? Vậy thì trở thành nhà văn, nhà báo, biên kịch hoặc bất kỳ công việc nào liên quan đến viết lách. Hoặc nếu bạn thích ngôn ngữ nước ngoài và sách truyện thì dịch giả cũng là một trong những lựa chọn nghề nghiệp dành cho bạn.

Nói tóm lại, Passion Economy cho phép chúng ta sống với đam mê, sống nhờ vào đam mê. Chúng ta không cần phải gạt bỏ sở thích qua một bên để lao vào công việc mà bản thân không mong muốn.

Hạnh phúc là làm những việc mình yêu thích

Một người bạn cũ của tôi, dạo gần đây tôi biết được cậu ấy đang theo học nghề đạo diễn. Điều này làm tôi hết sức ngạc nhiên, vì trong trí nhớ của tôi cậu ấy sở hữu IELTS 8.0 - vốn tiếng Anh đủ để chinh phục các nhà tuyển dụng hàng đầu cả trong và ngoài nước, kể cả cậu ấy không đi làm thuê cho người khác thì vẫn có thể về nhà “thừa kế gia sản” vì gia đình cậu ấy sở hữu công ty riêng, và bản thân cậu ấy có đủ năng lực để làm những công việc đó. Nhưng sau cùng cậu ấy bỏ lại tương lai ổn định ấy mà dấn thân vào con đường làm đạo diễn - ngành nghề có thể nói là chưa phát triển ở Việt Nam, chứa đựng vô số thách thức và nguy cơ cho những ai muốn làm.

Khi tôi hỏi về lý do, cậu ấy trả lời rằng: Vì ước mơ của mình là trở thành một đạo diễn. Đồng thời cậu ấy dẫn ra một câu nói đã mang lại nguồn cảm hứng khiến cậu quyết định theo đuổi đam mê: “Con người thường hối hận vì những gì mình chưa làm hơn là vì những gì mình đã làm.” Đi làm vì đam mê có thể khiến chúng ta thất bại, nhưng “được có cơ hội thất bại” cũng đã là một loại thành công. Còn hơn là cả đời chôn chân ở một công việc bản thân không có niềm yêu thích và hứng thú, như thế là uổng phí thời gian cuộc đời.

‘Passion Economy’: Khi con người đi làm vì đam mê mà không phải tiền bạc
Hạnh phúc là khi được làm công việc mình thích

Tôi chợt nhớ đến một câu nói được nhiều người tán thành: “Nếu bạn được làm công việc mình thích thì cả đời này bạn sẽ không phải làm việc”.

Quả thực, đi làm vì đam mê thì bạn sẽ giữ được động lực và hăng hái lao động vì bạn biết mình làm những việc này vì mục đích gì. Còn đi làm vì tiền bạc tuy có thể tìm được công việc ổn định, nhưng sẽ khiến bạn mất động lực, mục tiêu phấn đấu, không thể phát triển những kỹ năng của bản thân. Sự thật là bạn chỉ có thể hạnh phúc khi được làm những gì mình yêu thích.

Biến đam mê thành công việc là tự phá hủy đam mê?

Có người nói: Đi làm vì đam mê giống như đặt bài hát yêu thích của mình làm nhạc chuông báo thức vậy, được một thời gian là sẽ chán. Theo cách nói này, đi làm vì đam mê chẳng khác nào hành động tự phá hủy đam mê của bản thân.

Câu này không phải không có lý, vì từ dự định đến thực tiễn là cả một vấn đề lớn. Có thể trong tưởng tượng của bạn, đi làm vì đam mê có thể giúp bạn giữ được tinh thần thoải mái, có được sự tự do, không bị áp lực bởi KPI... Nhưng nếu đơn giản thế thì có lẽ người người nhà nhà đã đổ xô đi thực hiện ước mơ của mình.

‘Passion Economy’: Khi con người đi làm vì đam mê mà không phải tiền bạc
Đi làm vì đam mê không hề dễ dàng

Trong thực tế, đi làm vì đam mê chứa đựng nhiều rủi ro, mà thách thức lớn nhất chính là việc đam mê không kiếm ra tiền. Các bạn trẻ vẫn thường bảo nhau: Tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ. Thật vậy, cha mẹ đang già đi từng ngày, chỉ chờ được bạn báo hiếu nhưng bạn lại chọn một công việc với mức lương không ổn định, cốt để thỏa mãn đam mê của bản thân.

Ấy là chưa kể đến một số rủi ro khác như việc đó có thực sự là đam mê của bạn không? Có những người nghĩ rằng đam mê của mình của điều này điều nọ, nhưng đến khi bắt tay thực hiện thì lại nhận ra: Hình như mình không thích nó nhiều như tưởng tượng. Hoặc là đam mê bị sự khắc nghiệt của cuộc đời bào mòn khi bạn không thể kiếm được thu nhập tốt từ nó.

Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau

Vậy rốt cuộc chúng ta nên đi làm vì tiền bạc hay đam mê? Tìm một sự ổn định nhưng nhàm chán hay hạnh phúc mà đầy rủi ro? Đây có lẽ là câu hỏi rắc rối bậc nhất và chưa ai trên đời có thể đưa ra một câu trả lời chắc chắn. Theo tôi, điều chúng ta cần làm là xác định rõ ràng mục tiêu và cân nhắc hoàn cảnh của bản thân.

Bạn có chắc chắn mình muốn làm điều đó? Có đảm bảo đam mê ấy của bản thân sẽ kiếm ra thu nhập không? Gia đình có ủng hộ bạn không? Ví dụ đối với câu chuyện của người bạn tôi, cậu ấy đã ngồi lại tâm sự và chia sẻ với gia đình trước khi được đồng ý cho theo đuổi đam mê, đồng thời tài chính của nhà cậu ấy có thể đáp ứng điều đó.

‘Passion Economy’: Khi con người đi làm vì đam mê mà không phải tiền bạc
Mỗi người sẽ có lựa chọn và cách thực hiện khác nhau

Vậy nếu hoàn cảnh của bạn không được tốt như vậy thì sao? Bạn có thể đi làm công việc bản thân không yêu thích một thời gian để tạo dựng một nền tảng tài chính, sau đó suy xét đến việc bắt tay vào thực hiện đam mê. Tuy nói bạn không có hứng thú với công việc vì tiền nhưng dù ít dù nhiều nó vẫn có thể đem lại kinh nghiệm cuộc sống cho bạn. Không ai dám chắc những trải nghiệm ấy sẽ không có ích cho công việc vì đam mê của bạn sau này.

Bây giờ bạn có thể đang đi làm vì tiền, nhưng hãy nghĩ rằng công việc này là một trong những sự tích lũy cho công việc vì đam mê trong tương lai, bằng cách đó bạn sẽ có thêm động lực để mở mắt và rời giường mỗi buổi sáng. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Chỉ cần bạn cố gắng, chắc chắn sẽ có ngày bạn được sống như mình mong muốn, được sống vì đam mê!

Nguồn:‘Passion Economy’: Khi con người đi làm vì đam mê mà không phải tiền bạc

Vivian

emdep.vn