Thị trường thực phẩm chức năng ảnh hưởng ra sao sau bê bối Kobayashi?
Sản phẩm "beni-koji choleste-help" (đã bị thu hồi) của Công ty dược phẩm Kobayashi chứa beni-koji (gạo men đỏ). Ảnh: Japan Times |
Ngày 31/3, Bộ Y tế Nhật Bản đã tiến hành thanh tra nhà máy thứ hai của hãng dược phẩm Kobayashi, sau các báo cáo về hơn 100 người phải nhập viện sau khi sử dụng các thực phẩm bổ sung này. Theo Hãng tin Reuters, cuộc thanh tra ngày 31/3 diễn ra tại nhà máy thứ hai của hãng Kobayashi ở tỉnh Wakayama, sau cuộc thanh tra đầu tiên tại nhà máy Osaka ngày 30/3.
Hãng dược phẩm Kobayashi có trụ sở tại Osaka cho biết gạo men đỏ có thể sản sinh citrinin, một chất chuyển hóa độc hại gây bệnh thận, được phỏng đoán là nguyên nhân khiến 5 người Nhật tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng. Sản phẩm "Beni-koji choleste-help" được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 10/2023, với quảng cáo sẽ giúp người dùng giảm cholesterol. “Chúng tôi sẽ hợp tác điều tra nghiêm túc để giải quyết vấn đề sớm nhất có thể”, bà Yuko Tomiyama, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Kobayashi, cho biết trong một bài phát biểu trên đài truyền hình NHK.
Mặc dù công ty này thông báo đã thu hồi các lô sản phẩm có liên quan nhưng hãng dược phẩm Kobayashi đang phải đối mặt với những thách thức trong việc khôi phục niềm tin của công chúng sau khi không công bố kịp thời các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người dùng. Các trường hợp tử vong nghi do men gạo đỏ của Kobayashi được xem là vụ bê bối đầu tiên ở Nhật Bản liên quan tới thực phẩm chức năng. Nhật cũng thu hồi hơn 40 sản phẩm chứa beni-koji của các công ty khác, gồm tương miso, bánh quy giòn và nước sốt giấm.
Bao bì các gói thực phẩm bổ sung được sản xuất bởi Kobayashi Pharmaceutical. |
Beni-koji từ lâu đã được sử dụng làm màu thực phẩm, trong sản xuất và chế biến đồ uống lên men. Nó có nguồn gốc từ gạo đỏ ủ chung với nấm Monascus purpureus. Quá trình lên men bắt đầu với việc hấp cơm đỏ, sau đó cấy bào tử Monascus purpureus và để nơi kín đáo trong điều kiện có kiểm soát. Dù có lợi ích sức khỏe, quá trình lên men beni-koji có thể tạo ra citrinin, một chất chuyển hóa độc hại gây bệnh thận. Citrinin hình thành sau khi thu hoạch, xuất hiện chủ yếu trong ngũ cốc được bảo quản. EU từng đặt giới hạn tiêu chuẩn citrinin trong thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Phản hồi báo cáo này, Kobayashi đã kiểm tra các thành phần trong beni-koji và kết luận nó không chứa citrinin. Tuy nhiên, họ phát hiện một chất chưa xác định, có thể sản phẩm gạo men đã sản sinh ra thành phần không mong muốn khác. Theo thông tin từ Kobayashi, lô thực phẩm chức năng có vấn đề được sản xuất tại một nhà máy ở Osaka, sau đó được cung cấp cho khoảng 50 công ty khác ở Nhật Bản và hai công ty ở Đài Loan (Trung Quốc).
Theo Mainichi, một phụ nữ 70 tuổi ở Đài Loan là bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận bên ngoài nước Nhật liên quan tới bê bối Kobayashi. Người thân cho biết, nữ bệnh nhân sống ở Cao Hùng, đã dùng thực phẩm chức năng của một công ty Đài Loan chứa gạo men đỏ của Kobayashi. Bà dùng sản phẩm trong 3 - 4 năm và xuất hiện triệu chứng bất ổn vào tháng 3/2023. Sau đó, bà nhận chẩn đoán mắc bệnh suy thận cấp và phải chạy thận nhân tạo từ tháng 5/2023. Nhà sản xuất ở Đài Loan cũng đã tự nguyện thu hồi sản phẩm.
Sau khi xuất hiện bê bối của Kobayashi, nỗi quan ngại về sức khỏe đang làm rung chuyển thị trường thực phẩm chức năng Nhật Bản - phân khúc đang phát triển mạnh mẽ sau khi chính quyền nới lỏng những quy định về ghi nhãn. Nhiều công ty thực phẩm đổ xô đi kiểm tra lại các sản phẩm của mình. Nhà sản xuất kẹo Kanro cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp nguyên liệu xác minh lại độ an toàn của sản phẩm “để đề phòng”.
Chủ tịch Akihiro Kobayashi (thứ hai từ trái sang) và các giám đốc điều hành xin lỗi về những ca tử vong và nhập viện liên quan đến thực phẩm bổ sung của hãng, tại thành phố Osaka vào thứ Sáu vừa qua. |
Thị trường thực phẩm bổ sung của Nhật Bản đã ngày càng mở rộng trong vài năm qua sau khi nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng sau đại dịch. Thị trường này được dự báo sẽ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023 lên 212,3 tỷ yen (1,4 tỷ USD) cho năm tài chính 2023, kết thúc vào ngày 31/3/2024. Theo Viện nghiên cứu Yano, con số dự kiến sẽ tăng thêm 4% lên 220,8 tỷ yen trong năm tài chính 2024.
Nghiên cứu thị trường cũng cho thấy tỷ lệ thực phẩm bổ sung trên thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe đang tăng nhanh. Trong năm tài chính 2023, thực phẩm bổ sung chiếm 23,6% thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe. Công ty tư vấn kinh doanh Yano Research cho biết dự kiến tỷ lệ sản phẩm thực phẩm bổ sung sẽ tiếp tục tăng, đồng thời dự đoán thực phẩm bổ sung sẽ chiếm 24,2% thị trường thực phẩm tốt cho sức khỏe trong năm tài chính 2024.
Hiệp hội Thận Nhật Bản đã tiến hành khảo sát trực tuyến đối với 47 người đã từng sử dụng 2 loại thực phẩm chức năng của hãng Kobayashi là Beni-koji choleste-help và Naishi-help plus cholesterol trong cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 28 - 31/3 vừa qua. Khảo sát cũng cho thấy ít nhất 50% trong số 47 bệnh nhân trên cảm thấy khó chịu, chán ăn, tiểu tiện bất thường và rối loạn thận trong lần thăm khám đầu tiên đến bệnh viện.
Theo nhà máy của hãng tại Osaka, khoảng 1 triệu thùng hàng đã được bán ra trong 3 năm tài chính vừa qua. Công ty cũng bán men gạo đỏ beni-koji cho các nhà sản xuất khác và một số sản phẩm đã được xuất khẩu. Người dân có thể mua các sản phẩm thực phẩm bổ sung tại các hiệu thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong các quy định về việc sản xuất, kinh doanh cũng như mua bán thực phẩm chức năng tại thị trường này từ đây về sau.
Kobayashi Pharmaceutical đã thông báo thu hồi các sản phẩm của mình. |
Người tiêu dùng Nhật Bản hiện hy vọng nguyên nhân đằng sau vấn đề này có thể được tìm ra càng sớm càng tốt. Họ từng nghĩ rằng sản phẩm của một công ty lớn như vậy sẽ ổn và mọi người đều đang sử dụng sản phẩm ấy. "Nhưng trên thực tế, đây không thể là lý do để chúng ta mua thực phẩm bổ sung sức khỏe. Đầu tiên và quan trọng nhất, thực phẩm bổ sung phải có lợi cho sức khỏe của chúng ta," một người tiêu dùng Nhật Bản chia sẻ trên NHK.
Tại Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo liên quan đến thông tin Công ty Dược phẩm Kobayashi, trong đó có sản phẩm đang được bán tại thị trường Việt Nam. Theo đó, qua rà soát dữ liệu bản công bố sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết, đơn vị chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm/giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: "Beni-koji choleste-help"; "Naishi-help plus cholesterol"; "Natto-kinase sarasara-tsubu gold" và Kobayashi Naishi Help 30 của Công ty Dược phẩm Kobayashi, Nhật Bản.
Dù vậy, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin như nêu trên, trường hợp phát hiện các sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng.
Nguồn: Thị trường thực phẩm chức năng ảnh hưởng ra sao sau bê bối Kobayashi?
Hoài Phương
vneconomy.vn
- Hành vi của người tiêu dùng thay đổi thế nào trong năm 2025?
- Giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm
- Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025
- Các nhà bán lẻ tăng tốc chuẩn bị cho mùa mua sắm Tết Ấn Tỵ
- Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế phí trong năm 2025
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
PV Trans được dự báo có nhiều triển vọng sau khi mở rộng đội tàu mạnh mẽ