Thiếu thuốc, vật tư y tế: Sự sống, cái chết của người bệnh, sao không dám làm?

17:23 | 29/05/2023

|
Bên lề kỳ họp ngày 29/5, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục chia sẻ với phóng viên trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
THACO trao tặng vật tư y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCMTHACO trao tặng vật tư y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, được đề cập với rất nhiều vướng mắc phát sinh trong thời gian qua. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Qua khảo sát, đánh giá của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều rất khó khăn trong tiếp cận đấu thầu, từ hồ sơ mời thầu cho đến cách mời thầu. Khảo sát cũng cho thấy, có trên 30% phải bỏ chi phí bên ngoài.

Thiếu thuốc, vật tư y tế: Sự sống, cái chết của người bệnh, sao không dám làm?
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục

“Với việc ra đời của Nghị định 07 của Chính phủ và Nghị quyết 30 của Chính phủ thì về cơ bản việc mua sắm thuốc không còn ách tắc nữa. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra để không xảy ra thiếu thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt ở tuyến cơ sở”, GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

Tất nhiên, ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tập trung vào khâu thực hiện.

Thứ nhất, có yếu tố né tránh, sợ không dám làm. Hai là, bây giờ mời thầu người ta không vào nữa, không có nhà cung cấp. Bởi lâu nay chỉ có một số nhà cung cấp chính như vậy thôi.

Họ đã cung cấp trong một thời gian rất dài, cho nên vừa rồi mới lộ ra những tồn tại, sai phạm, nên bây giờ nếu không khéo có khi lại còn khó khăn hơn nữa.

Bên cạnh đó là yếu tố tâm lý, không chỉ là tâm lý của người làm quản lý nhà nước về đấu thầu mà tâm lý của nhà thầu cung cấp cũng vậy.

Khi nhà cầu được xem xét để cung cấp, anh phải có đủ điều kiện về năng lực, trong đó có kinh nghiệm, thời gian lâu năm trong lĩnh vực đó.

Với rất nhiều giải pháp, biện pháp vừa đưa ra vừa qua, ông thấy tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đã giảm đi nhiều chưa?

Thời gian qua, Nhà nước, Quốc hội cũng rất tích cực họp bàn, để ban hành cơ chế, hết cuộc họp bất thường này đến cuộc họp bất thường khác với mục đích kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Bộ Y tế cũng đã có những thông tư để tháo gỡ và cũng đã có chuyển động. Tuy nhiên để nói chuyển động để đáp ứng nhu cầu hiện nay chưa, thì câu trả lời là chưa. Thực tế vẫn đang thiếu thuốc và vật tư y tế. Vì vậy, cần thiết phải tiếp tục xem xét và làm rõ hơn nữa.

Vậy cần phải có giải pháp căn cơ nào, để khắc phục tối đa tình trạng này?

Để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, phải truy ra trách nhiệm của người đứng đầu.

Sức khoẻ, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất. Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm ở đâu? Đây là sự sống, cái chết của người bệnh, vậy sao không dám?

Vụ ngộ độc botulinum ở TP.HCM vừa qua và tình trạng thiếu thuốc hiếm để cứu các nạn nhân khiến chúng ta hết sức đau lòng.

Nhà nước đang xây dựng quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là ở góc độ đó. Thậm chí, trong bối cảnh cứu người còn được coi là dũng cảm. Bây giờ cái đó là một phần chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách nữa, phần nhiều phụ thuộc vào người đứng đầu.

Nếu tháo gỡ được điều này thì không chỉ ngành y tế mà tất cả các lĩnh vực khác đều có thể được khơi thông.

Cảm ơn ông !

Chia sẻ bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Tri Thức (đoàn TPHCM) đề nghị cho phép hồ sơ mời thầu được nêu yêu cầu một số điều kiện phù hợp với nhu cầu, môi trường, yếu tố địa lý gần với bên mời thầu, nhân sự thực hiện theo điều kiện của từng bệnh viện theo từng tính chất bệnh nhân, môi trường hoạt động để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đảm bảo năng lực thực hiện gói thầu, đảm bảo hoạt động chung của Bệnh viện, cụ thể đảm bảo cung cấp cho người dân dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu.

Nguồn:Thiếu thuốc, vật tư y tế: Sự sống, cái chết của người bệnh, sao không dám làm?

Luân Dũng

tienphong.vn