Thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi

09:43 | 26/07/2022

|
Ngày 22/7, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức cuộc họp tham vấn (theo hình thức trực tiếp và trực tuyến) kinh nghiệm các bên nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi
Nhiều dự án điện gió ngoài khơi đã được đưa vào khai thác. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN

Ông Trương Đức Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ 21. Nhằm thực hiện kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, trong đó, phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những bước đi quan trọng nhằm thực hiện việc chuyển đổi này, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh về điện gió ngoài khơi của nước ta.

Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một ưu khác của điện gió ngoài khơi là thực tế triển khai điện gió ngoài khơi có nhiều không gian hơn, ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư so với các nguồn năng lượng khác, đồng thời các dự án điện gió ngoài khơi sử dụng diện tích đất ít hơn hẳn.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định các hồ sơ đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển. Đơn cử, nội dung quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển chưa cụ thể. Tổ chức, cá nhân khi đề nghị chấp thuận được đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển chưa rõ phải có hồ sơ, tài liệu với thành phần, số lượng... Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định việc cung cấp dữ liệu khảo sát dự án điện gió ngoài khơi cho các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, tổ chức cá nhân khảo sát phục vụ lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án điện gió ngoài khơi đều sử dụng nguồn kinh phí tự có của tổ chức cá nhân; các dữ liệu thu được liên quan đến bí mật kinh doanh. Do vậy, việc cung cấp dữ liệu đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện.

Bà Sirpa Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cho biết, Việt Nam dự kiến phát triển khoảng 7 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và 54 GW nữa tới năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện khảo sát các khu vực xa bờ nhằm xác định các vị trí khả thi có thể phát triển điện gió ngoài khơi. Cách tiếp cận của Việt Nam đối với vấn đề này là cấp giấy phép cho các đơn vị phát triển dự án thực hiện các khảo sát trên một vùng biển đủ rộng để giúp chính phủ đưa ra quyết định có cơ sở về các khu vực phù hợp nhất cho điện gió ngoài khơi.

Một cách tiếp cận ít phổ biến hơn là chính phủ cấp giấy phép cho nhà phát triển tư nhân tự thực hiện các khảo sát và cung cấp dữ liệu và kết quả khảo sát cho chính phủ theo định dạng được quy định trước. Sau đó, chính phủ có thể đánh giá kết quả khảo sát và quyết định những khu vực nào là phù hợp nhất để phát triển dự án. Trong cách tiếp cận này, có khả năng các khu vực được khảo sát chồng lấn nhau, bởi các nhà phát triển sẽ có xu hướng tập trung vào các vùng mà họ biết là có khả năng xây dựng dự án điện gió ngoài khơi tốt nhất. Ưu điểm của cách tiếp cận này là chuyên môn của nhà phát triển có thể được tận dụng để thực hiện khảo sát và họ có thể được yêu cầu thực hiện bằng chi phí của mình.

Ông Sebastian Hald Buhl, đại diện liên danh T&T và Orsted (Đan Mạch) nêu 3 nguyên tắc cơ bản trong công tác giao biển được áp dụng thành công trên thế giới. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là cần "cấp giấy phép khảo sát sớm", bởi công tác khảo sát khu vực dự án thường mất đến 3 năm trong khi các hạng mục như thiết kế chi tiết và mua sắm chỉ có thể được tiến hành sau khi hoàn thành việc khảo sát. Nguyên tắc thứ hai là "tránh chồng lấn" do chi phí phát triển một dự án điện gió ngoài khơi công suất 1 GW tiêu tốn khoảng 150 triệu USD, các nhà đầu tư thường do dự không muốn đầu tư khoản tiền lớn nếu như không được trao quyền khảo sát độc quyền với khu vực dự án. Việc cho phép nhiều bên cùng triển khai khảo sát tại cùng một khu vực sẽ dẫn đến rủi ro "nhân đôi" chi phí vốn đã đắt đỏ của công tác khảo sát. Nguyên tắc thứ ba là "tách biệt giấy phép khảo sát với việc chấp thuận phát triển dự án". Việc tách biệt sẽ cho phép các nhà đầu tư học hỏi và hoàn thiện dần các dự án của mình theo giai đoạn và chuẩn bị tốt hơn cho các vòng tuyển chọn dự án trong tương lai, từ đó xây dựng được một danh mục dự án tốt và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Ông Sebastian Hald Buhl cho rằng, cần đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên gió ngoài khơi của Việt Nam bằng việc áp dụng các tiêu chí sơ tuyển khi phê duyệt và cấp giấy phép khảo sát biển. Giấy phép khảo sát độc quyền cần được cấp sớm và tránh chồng lấn. Các nhà quản lý cần tận dụng các quy định và thực tiễn hiện có mà có thể áp dụng được cho quy trình phát triển điện gió ngoài khơi để tránh trì hoãn và chậm tiến độ. Ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu các nhà đầu tư chưa được cấp giấy phép khảo sát biển trong khi thời gian còn lại để thực hiện các mục tiêu năm 2030 không còn nhiều.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về Chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe trình bày về kỳ vọng của các nhà phát triển dự án trong hoạt động đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên vùng biển Việt Nam; đề xuất các giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam...

Nguồn: Thúc đẩy khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi

Hoàng Nam

Tin tức