Tranh chấp đất đai trong gia đình: Đạo lý và lao lý!

19:00 | 02/11/2022

|
Mảnh đất từng là nơi chôn rau cắt rốn của anh em trong một nhà bỗng chốc trở thành nguồn cơn của tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí chém giết lẫn nhau. Ngôi nhà từng là nơi cất tiếng khóc chào đời bị đốt bởi ngọn lửa được châm ngòi từ lòng lam và sự ích kỷ.
Gia đình phú quý tuyệt đối không trách 3 người nàyGia đình phú quý tuyệt đối không trách 3 người này
Bạo lực lời nói: Vết thương sâu không bao giờ liền sẹoBạo lực lời nói: Vết thương sâu không bao giờ liền sẹo
Tranh chấp đất đai trong gia đình: Đạo lý và lao lý!
Tài sản thừa kế không có lỗi. Lỗi nằm ở lòng tham của con người (Ảnh biếm họa)

Vào ngày 30/10 vừa qua, 3 người con gái trong một gia đình ở Hưng Yên đã mang xăng đốt nhà mẹ đẻ. Nguồn cơn của vụ việc được cho là xuất phát từ mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản là mảnh đất nơi 4 anh chị em từng cùng chôn rau cắt rốn. Hậu quả là cả 4 người đều bị bỏng, phải nhập viện cấp cứu, trong đó người mẹ 61 tuổi bị bỏng nặng nhất, đang điều trị tại Viện bỏng quốc gia.

Đáng chú ý, đây không phải là vụ việc hiếm gặp liên quan đến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai trong các gia đình.

Mới đây, tại Thanh Hóa, chỉ vì mâu thuẫn liên quan đến tài sản đất đai, trong ngày giỗ cha, người em trai đã dùng chổi đánh chị gái. Dù chỉ bị xây xát nhẹ nhưng người chị quyết định gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra, yêu cầu giám định thương tật với mục đích truy cùng diệt tận, đẩy người em vào tù.

Có mặt tại tòa, người mẹ gần 70 tuổi nói trong nước mắt rằng bà đã nhiều lần đến gặp con gái, thậm chí quỳ xuống xin chị tha cho em trai nhưng bất thành. Sau phiên toàn, luật sư bảo vệ cho bị cáo lắc đầu ngao ngán. Anh cho biết, chưa bao giờ rơi vào tình huống pháp lý trớ trêu như thế.

Còn nhớ năm 2013, tại TP. Hồ Chí Minh, một cụ bà do không biết chữ, bị con gái ruột lừa chiếm nhà, đuổi ra đường. Quá cay đắng, phẫn uất, cụ đã mua xăng đốt nhà để rồi phải nhận cái kết đắng "dưỡng già"... trong tù. Phiên tòa xét xử cụ mới đây đã khiến cả thẩm phán và điều tra viên rơi nước mắt. Ranh giới giữa đạo lý và pháp lý thật mong manh!

Tranh chấp đất đai trong gia đình: Đạo lý và lao lý!
Cụ bà hơn 80 tuổi phải "dưỡng già"... trong tù vì phẫn uất trước hành vi lừa gạt, cướp nhà của con gái ruột.

Có quá nhiều những ví dụ về mẫu thuẫn đất đai khiến tan cửa nát nhà mà hằng ngày chúng ta luôn đọc thấy, quan sát thấy ở đâu đó khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Đặc biệt tại những vùng quê quay cuồng trong cơn sốt đất, nguy cơ xảy ra tranh chấp đất đai giữa những người cùng máu mủ ruột rà càng lớn.

Một luật sư từng có hơn 10 năm hành nghề cho hay, trong số các vụ việc anh nhận tư vấn, bảo vệ, có tới hơn hơn 70% liên quan đến các vụ khiến kiện liên quan đến đất đai của các hộ gia đình. Trong đó có nhiều vụ tranh chấp giữa người trong một nhà. Có những vụ việc bố mẹ, anh chị em lôi nhau ra tòa, đứng ở hai… chiến tuyến, xem nhau như kẻ thù chỉ vì mảnh đất cha ông để lại bỗng dưng tăng giá.

Với những tình huống đó, theo vị luật sư, ngoài căn cứ pháp lý còn phải giải quyết xung đột bằng cả đạo lý. Nếu chỉ có lý mà không có tình, mảnh đất, ngôi nhà đó sẽ luôn âm ỉ mâu thuẫn và có thể bùng cháy dữ dội bất cứ lúc nào dù pháp luật đã phân xử đúng quy định.

Trở lại trường hợp vụ đốt nhà mẹ đẻ tại Hưng Yên, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP. Hà Nội phân tích: Hành vi đốt nhà nhằm mục đích giết người hoặc có thể dẫn đến chết người, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên tới 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Theo Luật sư Cường, việc xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không phụ thuộc vào đặc điểm của vụ việc như số lượng xăng đổ ra, đặc điểm ngọn lửa, khả năng thoát hiểm của nạn nhân và các yếu tố khác về mặt cơ học, kĩ thuật...

Ngoài ra, nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội Giết người, người vi phạm vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội Cố ý gây thương tích (Điều 134) và Hủy hoại tài sản (Điều 178) theo Bộ luật Hình sự 2015.

Tranh chấp đất đai trong gia đình: Đạo lý và lao lý!
Vụ đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên chỉ vì mâu thuẫn đất đai khiến dư luận phẫn nộ (Ảnh cắt từ Clip)

Đó là câu chuyện có thể giải quyết bằng công lý tại tòa hình sự nhưng còn một câu chuyện về đạo lý chỉ có thể phân xử bằng tòa án “lương tâm”. Chỉ vì lòng tham, sự đố kỵ, những đứa con bất hiếu sẵn sàng xuống tay với chính người đã dứt ruột đẻ ra chúng. Phải nhận diện chính xác đó là tội ác tàn nhẫn, vô nhân tính, bất luận xuất phát từ nguyên nhân gì.

Người Việt vốn trọng tình cảm gia đình. Trong nhà cha mẹ, con cái, anh chị em không thương yêu nhau thì không thể nói đến trách nhiệm xã hội hay những điều lớn lao hơn như phụng sự, lý tưởng, khát vọng…

Giải quyết mâu thuẫn trong gia đình khi xung đột lợi ích trước tiên phải bằng gia phong, đạo lý. Còn đến mức phải kéo nhau ra tòa, phải dùng đến pháp lý xem như gia đình… tan nát.

Nhiều người xem tài sản của bố mẹ nghiễm nhiên là của mình. Nhiều ông bố bà mẹ cả đời thắt lưng buộc bụng, chắt bóp lo cho con cái từ ăn, học, việc làm đến nhà cửa, thậm chí vốn liếng làm ăn. Có những gia đình có điều kiện lo xong cho con, còn tích cóp cho cháu… đi du học để rạng danh dòng tộc. Từ đó, con cháu không tự lực cánh sinh mà ỉ lại, dựa dẫm vào cha mẹ, chỉ chực chờ để bấu víu, “cấu véo” tài sản thừa kế. Con người khi sống phận “tầm gửi” thường ích kỷ, thiếu tự trọng, bao dung, chỉ lo thu vén, hưởng thụ cá nhân.

Cha mẹ, nhất là ở nông thôn thường không lường trước được nguy cơ xảy ra xung đột quyền lợi từ đất đai, tài sản của gia đình nên không chủ động thực hiện các thủ tục pháp lý khi còn sống. Tâm lý ngại viết di chúc lúc còn sống cũng là một trong những lý do khiến con cái tranh chấp quyền lợi thừa kế sau khi cha mẹ mất.

Tất nhiên, nếu được giáo dục tốt, có văn hóa, có lòng tự trọng, tinh thần tự lập, con cái sẽ tự khắc biết cách giải quyết hài hòa quyền lợi trong gia đình kể cả khi còn cha mẹ hay khi cha mẹ đã mất. Các vụ xung đột chỉ nảy sinh ở những gia đình không có nền móng đạo đức, gia phong tốt.

Đất đai, nhà cửa, bất động sản, tài sản thừa kế vì vậy không có lỗi. Lỗi nằm ở chính hành vi ứng xử không có chân đế văn hóa vững chắc của con người mà thôi.

Nguồn: Tranh chấp đất đai trong gia đình: Đạo lý và lao lý!

Quang Duy

giadinhonline.vn