Vốn ngân hàng bền bỉ “chảy” trong mùa dịch

13:58 | 13/07/2021

|
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đầu tư. Nhờ vậy, dòng vốn vẫn đều đặn "chảy" tới khắp vùng miền trên cả nước.
NHNN muốn các ngân hàng giảm lãi suất ngay trong tháng 7NHNN muốn các ngân hàng giảm lãi suất ngay trong tháng 7
Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn đói vốnNgân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn đói vốn
Vốn ngân hàng bền bỉ “chảy” trong mùa dịch
Vốn ngân hàng bền bỉ “chảy” trong mùa dịch

Nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp

Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, câu chuyện sụt giảm doanh thu, hàng hóa tồn đọng, lao động thiếu việc… đã là chủ đề luôn được các chủ doanh nghiệp nói nhiều khi nhắc đến ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Ông Trần Đức Danh, Giám đốc Công ty TNHH Thúy Danh chia sẻ, có đến 40% lượng hàng hóa của Công ty bị ách tắc, hoặc khó lưu thông do dịch bệnh khiến doanh thu sụt giảm. Trong khi đó, Công ty không hề cắt giảm lao động, bằng mọi cách duy trì đủ 5 tỷ đồng tiền lương mỗi tháng cho người lao động, chi phí bỏ ra để duy trì 15 lái xe ở Lào cũng tốn kém gấp hai lần so với bình thường.

Hay như đại diện Công ty Cổ phần Tầm nhìn CNN Việt Nam - chuyên về đào tạo, bồi dưỡng tiế̂́ng Anh cho học sinh các lứa tuổi từng chia sẻ, hiện tất cả các lớp học tại các trung tâm của công ty đã chuyển sang học online. Học sinh học online nhiều quá nên cũng phát sinh tâm lý chán nản. Có khoảng 15% số học sinh bảo lưu, tạm dừng không học tiếp nên doanh thu giảm. Trong khi đó, kinh phí để duy trì cơ sở hạ tầng, trường lớp và giáo viên cũng tương đối lớn.

Đây không phải tình trạng riêng lẻ của vài doanh nghiệp. Trong văn bản gửi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, các đợt COVID-19 bùng phát suốt hơn một năm rưỡi qua đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 10.000 doanh nghiệp hội viên thuộc hội và đã đến giới hạn của sức chịu đựng.

“Phần lớn các doanh nghiệp đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp với nền tảng tích lũy chưa nhiều, nên thời gian qua nhiều đơn vị đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động”, ông Đặng Hồng Anh cho biết.

Tiếp tục triển khai ngay nhiều giải pháp

Trước những khó khăn trên của doanh nghiệp, nhiều bộ ngành đã rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành Ngân hàng đã có nhiều hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.

Theo đó, ngành Ngân hàng đã xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi; đồng thời luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng, với số tiền 336.663 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 doanh nghiệp, với số tiền hơn 1,277 triệu tỷ đồng.

“Tổng số lãi đã giảm bằng tiền cho doanh nghiệp là 12.978 tỷ đồng. Từ đợt dịch thứ tư, chúng tôi chỉ đạo các ngân hàng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, đã giảm sơ bộ đến nay hơn 3.524 tỷ đồng nữa. Nếu không giảm, thì doanh nghiệp sẽ phải trả số lãi này cho ngân hàng. Đây là con số rất thiết thực”, Phó Thống đốc khẳng định.

Trong giai đoạn khó khăn, nguồn vốn rẻ luôn là động lực lớn để nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, nhiều ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.

Trước đó, tại buổi họp báo kết quả hoạt động 6 tháng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm.

Nhờ đó, dù một số địa phương vẫn đang đang áp dụng quy định về giãn cách xã hội nhưng nguồn vốn ngân hàng vẫn không ngừng “chảy” tới khắp vùng miền trên cả nước, kể cả vùng dịch. Tính đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực đánh giá, tăng trưởng tín dụng năm 2021 cải thiện hơn so năm trước ở mức từ 12-13%, do các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn, nhất là khả năng chống chịu những cú sốc của các ngân hàng ngày càng tốt hơn. Các cơ quan liên quan, hiệp hội ngành nghề vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Với nhiều giải pháp và kết quả nêu trên, nhiều chuyên gia đánh giá, ngành Ngân hàng đang nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu chung của Ngành là dồn sức hỗ trợ nền kinh tế, không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân, hạn chế thấp nhất sự đổ vỡ hay rút khỏi thị trường của doanh nghiệp.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Nguồn: Vốn ngân hàng bền bỉ “chảy” trong mùa dịch

Hương Giang

thoibaonganhang.vn