Cạnh tranh huy động tiền gửi: Điểm dừng nào cho cuộc đua lãi suất?
Cạnh tranh huy động tiền gửi
Sau khi chạm đáy vào tháng 3/2024, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng trở. Lãi suất huy động đã tăng trung bình 0,71% trong năm 2024 và tiếp tục được điều chỉnh tăng từ đầu năm 2025.
Ngay đầu năm 2025, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tạo nên nhịp sóng mới trên thị trường ngân hàng. Trong nhóm big4, BIDV và Vietcombank vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % lãi suất huy động ở kỳ hạn tiền gửi 36 tháng. Còn khối các ngân hàng thương mại cổ phần đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), trong tháng 1, có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,9%. Từ đầu tháng 2 đến ngày 16/2, có gần 10 nhà băng tăng lãi suất huy động, với xu hướng tăng nhẹ ở các kỳ hạn dài, trong khi các kỳ hạn ngắn vẫn giữ nguyên mức cũ.
Thậm chí, một số ngân hàng còn tung ra các chính sách ưu đãi huy động vốn, như cộng thêm lãi suất cho khách gửi để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Chẳng hạn, BVBank cộng thêm 0,6%/năm lãi suất cho khách hàng mới gửi tiết kiệm online. Sau áp dụng, khách hàng của ngân hàng này được hưởng lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 7%/năm cho kỳ hạn từ 18 - 24 tháng.
Hiện nay, mốc lãi suất tiền gửi trên 6%/năm xuất hiện ở nhiều ngân hàng hơn so với thời điểm cuối năm 2024. Tùy từng số dư tiền gửi mà lãi suất ở nhiều ngân hàng đang áp dụng lên tới gần 7%/năm hoặc hơn thế.
![]() |
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng còn trả lãi tiền gửi đặc biệt từ 7,5%/năm trở lên. Như khách hàng của PVcomBank được hưởng mức lãi suất đặc biệt 9%/năm khi có số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. HDBank cũng đưa mức lãi suất đặc biệt khá cao, lên đến 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7% cho kỳ hạn 12 tháng, điều kiện là duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng…
Lãi suất huy động tiền gửi sôi động ngay từ đầu năm trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đều đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm trước, đảm bảo được con số tăng trưởng tín dụng 16% của năm nay mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề ra. NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 lên đến 16%,
Với sự phục hồi của kinh tế trong nước trong năm 2024 cùng mục tiêu tăng trưởng 8% thì sức ép tăng lãi suất huy động là không tránh khỏi do nhu cầu vốn sẽ gia tăng ngay từ những tháng đầu năm. Các ngân hàng thu hút vốn bằng chính sách lãi suất hợp lý, như phát hành trái phiếu, vay vốn từ các tổ chức quốc tế, huy động tiền gửi từ dân cư.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất thị trường đến cuối năm 2024 thuộc về nhóm ngân hàng thương mại vừa và nhỏ. Trong khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tại nhóm big 4 gần như đi ngang trong nhiều tháng, thậm chí ở một số kỳ hạn còn ghi nhận giảm so với nửa đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, dù có mức lãi suất huy động thấp hơn nhưng trong năm 2024, nhóm Big 4 vẫn tiếp tục dẫn đầu hệ thống về huy động tiền gửi của khách hàng khi tổng số tiền đạt hơn 7 triệu tỷ đồng, chiếm 56% thị phần huy động toàn hệ thống. Ngoài nhóm Big4, không có ngân hàng nào đạt mốc 1 triệu tỷ đồng trong huy động vốn năm 2024.
TS. Châu Đình Linh nhìn nhận, các ngân hàng tầm trung và nhỏ thường phải cạnh tranh bằng cách nâng lãi suất huy động để hút tiền gửi từ dân cư và doanh nghiệp. Còn các ngân hàng lớn ít bị áp lực hơn do có nguồn vốn ổn định. Vì thế, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ luôn nhỉnh hơn so với nhóm Big 4.
Xu hướng lãi suất tiết kiệm 2025
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Việt Nam đứng trước sức ép lớn khi tiền đồng yếu đi dưới nhiều áp lực. Giới phân tích đánh giá, biến động của đồng USD và chính sách điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng tác động đến mặt bằng lãi suất trong nước. Nếu Fed chưa vội giảm lãi suất thì áp lực duy trì lãi suất cao tại Việt Nam sẽ tiếp tục kéo dài.
Theo ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất huy động chịu áp lực tăng còn đến từ triển vọng kinh tế Mỹ phục hồi tốt hơn năm 2025, lạm phát không có dấu hiệu giảm như kỳ vọng, Fed có thể chậm lại tiến độ hạ lãi suất khiến đồng USD vẫn duy trì sức mạnh lâu hơn dự kiến.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đà phục hồi kinh tế cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất huy động. Việc NHNN nới hạn mức tín dụng nhằm thúc đẩy cho vay cũng khiến các ngân hàng phải gia tăng huy động để cân đối thanh khoản.
![]() |
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong Báo cáo Tài chính - kinh tế vĩ mô 2024 và triển vọng 2025 gửi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra: lãi suất huy động năm 2025 chịu áp lực tăng trong bối cảnh dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay bị thu hẹp, do nhu cầu tín dụng tăng mạnh đáp ứng các nhu cầu gia tăng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho năm mới; đồng thời tín dụng được dự báo tăng tốt trong năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng cao.
Một yếu tố khác khiến dự báo lãi suất huy động sẽ tăng còn đến từ tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống vẫn đang ở mức cao nên việc tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn cho vay, tăng trích lập dự phòng rủi ro…
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính dự báo, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra thì khả năng lãi suất huy động sẽ tăng trong năm 2025. Cùng với đó, nợ xấu ngành ngân hàng cũng đang ở mức cao nên các nhà băng phải huy động vốn để trả tiền cho người gửi.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, áp lực về tỷ giá và sức ép của lạm phát vẫn hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh USD được dự báo mạnh lên trong năm 2025. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng nhằm thu hẹp mức độ chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng toàn hệ thống và gia tăng mức độ cạnh tranh của kênh tiền gửi tiết kiệm so với lợi suất đầu tư của các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Còn theo MBS, các ngân hàng cần nguồn vốn dồi dào để đáp ứng nhu cầu tín dụng, đặc biệt ở các lĩnh vực ưu tiên. MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động từ 5-5,2% trong năm 2025.
Lãnh đạo của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) nhận định lãi suất huy động năm 2025 sẽ tiếp tục đi ngang hoặc tăng nhẹ, trong bối cảnh sức mạnh USD chưa giảm, qua đó tạo áp lực lên tỷ giá.
Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, xu hướng lãi suất huy động sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước, lãi suất huy động kỳ vọng duy trì đi ngang ở mức hiện tại theo hướng hỗ trợ nền kinh tế. Còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động để tăng cường huy động vốn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Nguồn:Cạnh tranh huy động tiền gửi: Điểm dừng nào cho cuộc đua lãi suất?
Mai Anh
vietnamfinance.vn
- Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm
- NÓNG: Thủ tướng yêu cầu thiết lập ngay gói tín dụng, hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi sở hữu nhà ở
- Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản
- Giá xăng tiếp tục tăng, giá dầu giảm
- Giá nhà ở Việt Nam liên tục tăng cao, nguyên nhân do đâu?
-
Gỏi xoài lên báo Mỹ
-
Văn hóa ẩm thực Hà Nội - Một thế kỷ thăng trầm
-
Đền Củi thờ Ông Hoàng Mười: Nét đẹp linh thiêng giữa núi Hồng Lĩnh
-
Hội An lọt top điểm đến lãng mạn nhất thế giới
-
Độc đáo hương vị phở chua ngon trứ danh ở xứ Lạng
-
Choáng ngợp với vẻ đẹp hoa đỗ quyên trên đỉnh Putaleng
-
Chính quyền phường Yên Nghĩa lên tiếng vụ cư dân chung cư HH2D “mất nước”
-
Phố Hà Nội đẹp ngỡ ngàng mùa phong linh nở
-
Bánh đá Hà Giang - đặc sản độc lạ ai ăn cũng mê