Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại

17:01 | 25/11/2024

|
Từ đầu tháng 11/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Động thái này cho thấy cuộc đua thu hút nguồn vốn huy động đang diễn ra sôi động vào giai đoạn cuối năm.

Từ đầu tháng 11/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng mạnh. Động thái này cho thấy cuộc đua thu hút nguồn vốn huy động đang diễn ra sôi động vào giai đoạn cuối năm.

Ngân hàng mạnh tay nâng lãi suất huy động

Theo thống kê từ đầu tháng 11, có 14 ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn, bao gồm Eximbank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, Indovina, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.

Mốc lãi suất 6%/năm đã quay trở lại thị trường, như ABBank, IVB, BacABank, Saigonbank, SHB, OceanBank và DongA Bank. Một số ngân hàng đã tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 5,3%/năm.

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại

So sánh lãi suất niêm yết tại các ngân hàng cho thấy với kỳ hạn 1 tháng, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đang dẫn đầu với mức lãi suất 4,25%/năm. Các ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) áp dụng mức 3,9-4%/năm.

Đối với kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất cao nhất là 4,25%/năm tại NCB, trong khi Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) theo sát với 4,2%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, như 6 tháng, lãi suất cao nhất đạt 5,55%/năm tại CBBank, HDBank và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank).

Đáng chú ý, kỳ hạn 12 tháng đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng. HDBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và OCB áp dụng mức lãi suất 5,8%/năm, dẫn đầu thị trường.

Ngoài tăng lãi suất, các ngân hàng đang tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điển hình như SHB đã tổ chức quay số may mắn tặng sổ tiết kiệm cho khách hàng. Nhiều ngân hàng khác cũng tặng các phần quà như ô, áo mưa, bình giữ nhiệt để thu hút người gửi tiền.

Đáng chú ý, không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần mà còn có sự tham gia của ngân hàng thương mại Nhà nước. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy cho tất cả các kỳ hạn, tăng từ 0,2-0,3%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đạt 2,2%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 2,5%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,7%/năm và kỳ hạn 24 tháng đạt 4,8%/năm.

Trong khi đó, tại kỳ hạn 3-5 tháng VietinBank và BIDV huy động ở mức 2,3%/năm và Vietcombank là 1,9%/năm; Kỳ hạn 12-18 tháng Agribank niêm yết ở mức 4,8%/năm, VietinBank và BIDV niêm yết 4,7%/năm, Vietcombank niêm yết 4,6%/năm.

Vì sao lãi suất sẽ tăng vào cuối năm?

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết, tính đến hết tháng 9, tín dụng toàn hệ thống đạt 14,7 triệu tỷ đồng, trong khi huy động vốn chỉ đạt 14,5 triệu tỷ đồng (tín dụng cao hơn huy động vốn 200.000 tỷ đồng). Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn.

Nhu cầu vốn cuối năm từ doanh nghiệp và các dự án đầu tư lớn dự kiến sẽ tăng, buộc các ngân hàng, nhất là các ngân hàng TMCP nhỏ, phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền.

Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi "nóng" trở lại

Đề cập tới làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng, báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS cho biết: “Không riêng tháng 11, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì cho tới cuối năm nay khi tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn”.

Theo chuyên gia của MBS, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây là những yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính. Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Theo dự đoán của ông Hiếu, lãi suất kỳ hạn 12 tháng có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản, đưa lãi suất tại các ngân hàng lớn lên mức 5,1%-5,5%. Một số ý kiến cho rằng lãi suất huy động có thể đạt mức từ 6-8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn và chính sách của từng ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn từ thị trường bất động sản và doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, ngoài áp lực thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng mùa vụ cuối năm, việc tỷ giá nổi sóng gần đây được cho là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng đồng loạt tăng biểu lãi suất tiền gửi. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo vẫn duy trì ở mức ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm.

Nguồn:Cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi 'nóng' trở lại

Trung Anh

thuongtruong.com.vn