Vững tin cùng đổi mới giáo dục

18:29 | 04/01/2022

|
Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018 bước sang năm thứ 2. Những kết quả tích cực đã mang tới cho ngành Giáo dục điểm tựa vững chắc.
Vững tin cùng đổi mới giáo dục
Giáo viên và học sinh hào hứng trong từng tiết học theo CT GDPT mới. Ảnh: Đức Trí

Và hơn thế, sự tin tưởng vào đổi mới giáo dục từ xã hội, giáo viên, phụ huynh càng tiếp thêm sức mạnh để toàn ngành bước tiếp ở chặng đường phía trước.

Đổi thay diện mạo

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Triển khai CT GDPT 2018, ngành được đầu tư đáng kể về nguồn lực do đó hệ thống trường lớp được củng cố, mở rộng, xóa bỏ phòng học tạm; trang thiết bị dạy học được bổ sung…

Cùng đó, ngành Giáo dục Bắc Hà xác định lực lượng giáo viên mang yếu tố quyết định thành công cho chương trình mới nên đã tập huấn 100% cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; Tham mưu cho huyện bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng để triển khai chương trình...

Đội ngũ giáo viên cũng xác định được CT GDPT mới chú trọng năng lực, phát huy quyền làm chủ, sáng tạo học sinh. Vì vậy, tất cả đều nỗ lực học hỏi, nghiên cứu tài liệu, chương trình SGK, tham khảo các tiết dạy minh họa để nắm chắc yêu cầu cần đạt của chương trình. Giáo viên được giao quyền tự chủ trong quá trình dạy học nên vô cùng linh hoạt, sáng tạo… hiệu quả giáo dục nâng lên đáng kể so với triển khai CT GDPT hiện hành.

Nhìn nhận CT GDPT mới sau hơn một năm triển khai đã thể hiện những dấu hiệu tích cực cho toàn ngành Giáo dục, thầy Đào Chí Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho hay: Trước hết, đội ngũ CBQL các nhà trường đã có tầm nhìn chiến lược về mục tiêu giáo dục từ đó chuyển biến tích cực từ việc xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên; giúp giáo viên có nhận thức, năng lực mới. Các nhà trường cũng xây dựng nhiều kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới hiện nay.

Đối với giáo viên, việc thay đổi chương trình, mục tiêu giáo dục đã và đang tác động mạnh tới tư duy, nhận thức. Giáo viên chủ động trang bị cho mình những năng lực mới phù hợp với yêu cầu hiện nay để xây dựng uy tín, thương hiệu theo hướng bền vững.

Sự linh hoạt trong sử dụng tài liệu dạy học, SGK cũng giúp giáo viên dần quen với việc “được cởi trói” để sáng tạo nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này khi thực hiện giáo dục sẽ “nở muôn hoa” đúng như tiềm năng vốn có.

Đối với học sinh, thực hiện CT GDPT mới thời gian qua góp phần gieo vào nhân cách các em những năng lực mới phù hợp với xu thế và nhu cầu của thời đại. Việc hướng theo phát triển năng lực, phẩm chất cũng tạo điều kiện để học sinh tìm thấy hạnh phúc, giảm áp lực học tập và được tôn trọng sự sáng tạo.

Đặc biệt theo thầy Mạnh, CT GDPT 2018 dần tác động và giúp phụ huynh hiểu rằng cần có cái nhìn khác đi về kết quả học tập của con ở trường từ đó giảm áp lực cho chính thầy cô và bản thân bởi điểm số không còn là thước đo duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục…

“So với lứa học sinh triển khai theo CT GDPT hiện hành, học sinh học theo CT GDPT mới có sự nổi trội đáng kể. Học sinh phát triển khá toàn diện. Điều đó trở thành điểm tựa vững chắc để các em học tốt hơn khi bước vào những năm học tiếp theo của đổi mới giáo dục. Bản thân giáo viên khi tiếp nhận học sinh học theo CT GDPT mới không còn vất vả, được tiếp thêm động lực, hứng thú với dạy học...” - cô Vân trao đổi.

Được tiếp nhận lứa học trò đầu tiên triển khai CT GDPT mới vào lớp 2 và đã trải qua nửa học kỳ I, cô Đặng Thị Vân, dạy lớp 2 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận thấy các em tiếp thu nhanh, môn Tiếng Việt và Toán nắm chắc kiến thức. Đặc biệt với đòi hỏi phát triển toàn diện ở chương trình mới đã giúp các em tự tin, chủ động trong cả học tập và giao tiếp.

Bước vào lớp 2, dù triển khai dạy học trực tuyến từ đầu năm học với những khó khăn riêng song từ nền tảng vững chắc và những tích cực của CT, SGK mới mang lại đã giúp học sinh thích ứng nhanh, hứng thú với học tập bằng tinh thần thoải mái, chủ động. Tình trạng học sinh sợ, ngại học được loại bỏ.

Vững tin cùng đổi mới giáo dục
Triển khai trong điều kiện dịch Covid-19 nhưng CT GDPT mới vẫn hiệu quả, học sinh phát triển toàn diện. Ảnh: Đức Trí

“Cú hích” cho đổi mới

Bày tỏ niềm tin vào triển khai CT GDPT mới dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng các trường vùng khó đang “thay da đổi thịt” từ khi triển khai hiệu quả CT, SGK mới, ông Bùi Văn Tiến nhận định: Từ những thành quả có được bên cạnh các hoạt động chuyên môn của ngành Giáo dục, huyện Bắc Hà tiếp tục nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp, bố trí đội ngũ CBQL, giáo viên để thực hiện CT GDPT mới theo kế hoạch tốt nhất...

“CT GDPT 2018 đã mang lại cho ngành Giáo dục vùng cao Bắc Hà diện mạo tích cực. Điều đó không chỉ tạo ra niềm tin, hứng khởi cho đội ngũ giáo viên, phụ huynh mà góp phần quan trọng để triển khai đổi mới giáo dục ở giai đoạn tiếp theo...”, ông Tiến khẳng định.

Chị Hà Thị Gấm có con học lớp 2 Trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) trao đổi: Con học theo CT GDPT mới ban đầu có sự bỡ ngỡ nhất định nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp với học tập. Năm nay lên lớp 2, con học vững vàng, chủ động, thích đọc sách và đọc lưu loát. Việc học của con hiện tại không gặp khó khăn nếu không nói là chủ động, gia đình gần như chỉ động viên, khuyến khích để con học tốt hơn chứ không phải lo lắng, nhắc nhở.

Cô Nguyễn Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) khẳng định: Bước sang năm thứ 2 thực hiện đổi mới CT, SGK, nhà trường nhận được sự đồng thuận, tin tưởng lớn của phụ huynh. Việc đổi mới giáo dục đã giúp CBQL, giáo viên thêm tự tin, hứng thú và nâng cao trách nhiệm trong công việc, là tiền đề cho quá trình triển khai CT GDPT mới thêm thành công ở những năm tiếp theo.

Nguồn: Vững tin cùng đổi mới giáo dục

Đức Trí

giaoducthoidai.vn