Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Tử hình bà Trương Mỹ Lan

14:31 | 12/04/2024

|
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình, tổng hợp hình phạt chung cho cả ba tội danh “tham ô tài sản”, “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” trong vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan.
Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Tử hình bà Trương Mỹ Lan
Bị cáo Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt mức án tử hình. Ảnh: TTXVN

TTXVN đưa tin, ngày 11-4, sau hơn một tháng xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan tiến hành tuyên án. Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận mức án tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhận mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”; 20 năm tù giam về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại khoản 4 Điều 353, khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; 20 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Theo Hội đồng xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng, chống Covid-19; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba và 31 Bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Chủ tịch UBND TPHCM.

Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng; tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối; chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Đặc biệt, bà Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là: Thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ hai lần trở lên và dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Trong quá trình xét xử, bị cáo có thái độ thiếu thành khẩn, quanh co chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới.

Vì vậy, cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc tương xứng với hành vi và hậu quả bị cáo gây ra, loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế chức vụ nói riêng.

Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (trụ sở tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM) có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản; vốn điều lệ 13.000 tỉ đồng; người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan). Chủ tịch Hội đồng quản trị là bà Trương Mỹ Lan, sở hữu 60% cổ phần công ty.

Trong trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Kết quả điều tra xác định, trong giai đoạn từ ngày 1-1-2012 đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 2.527 hồ sơ cho vay để giải ngân từ Ngân hàng SCB tổng số tiền 1.066.608 tỉ đồng. Đến ngày 17-10-2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỉ đồng (gồm 483.971 tỉ đồng nợ gốc và 193.315 tỉ đồng nợ lãi phí). Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng. Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỉ đồng.

Nguồn: Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: tử hình bà Trương Mỹ Lan

Nguyên Tân

thesaigontimes.vn