An Giang: Hướng đến “đại lộ, đại phú”

16:25 | 30/01/2024

|
Khi hệ thống giao thông được đầu tư kết nối đồng bộ, “điểm nghẽn” lớn nhất của An Giang sẽ được tháo gỡ. Giao thông không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn...
An Giang: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịchAn Giang: Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch
An Giang: Động lực mới từ Quy hoạch tỉnhAn Giang: Động lực mới từ Quy hoạch tỉnh

Đầu tư cho miền núi

Ở huyện miền núiTri Tôn , hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém là một trong những cản trở huyện thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch... Tuy nhiên, những năm gần đây, bộ mặt Tri Tôn dần thay đổi khi hàng loạt dự án giao thông kết nối được triển khai. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, với dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Đường tỉnh 948 (giai đoạn 2), sẽ thuận lợi kết nối huyện Tri Tôn qua TX. Tịnh Biên, TP. Châu Đốc...

Để tăng cường kết nối từ các huyện Thoại Sơn, Châu Thành (An Giang), Hòn Đất, Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) vào huyện Tri Tôn, những tuyến đường huyết mạch đều được đầu tư, nâng cấp, trong đó có những đoạn xây dựng bằng bê-tông dày để phù hợp với đặc thù địa chất vùng núi, hạn chế bị lũ núi phá hoại kết cấu mặt đường.

Hiện nay, công trình nâng cấp Đường tỉnh 941 (đoạn từ cầu 16 đến đường 3/2) đang được tập trung đầu tư, giúp mở rộng cửa ngõ nối vào huyện Tri Tôn theo hướng từ TP. Long Xuyên đi lên (qua huyện Châu Thành). Cùng với những công trình Đường tỉnh 945, 949, 955B, huyện Tri Tôn còn nâng cấp, mở rộng đường ĐH.81 (đoạn Sóc Tức – Lê Trì), đường Kênh Ông Tà.

Trong nội ô thị trấn Tri Tôn, đang nâng cấp, mở rộng mặt đường Điện Biên Phủ, đường Thái Quốc Hùng; duy tu, mở rộng đường Ngô Quyền, đường Nguyễn Trãi, đường Hùng Vương... Như vậy, giao thông của huyện Tri Tôn không chỉ kết nối “cung đường du lịch” của tỉnh (Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc - Long Xuyên), mà còn còn kết nối thuận lợi xuống Hà Tiên, Hòn Đất, Vàm Rầy (tỉnh Kiên Giang), nâng chất bộ mặt đô thị, tạo động lực và kỳ vọng mới cho huyện.

Nâng cấp giao thông

Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) An Giang Ngô Công Thức cho biết, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh có tổng chiều dài 5.628km, gồm: Quốc lộ có 4 tuyến, tổng chiều dài 153km; đường tỉnh có 19 tuyến, tổng chiều dài 530km; đường đô thị có tổng chiều dài 699km và hệ thống đường giao thông nông thôn 4.238km.

Trong khi đó, hệ thống giao thông đường thủy có 319 tuyến, dài 2.703km, gồm: 18 tuyến đường thủy nội địa quốc gia do Trung ương quản lý, dài 365km; 1 tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng dài 3km; 300 tuyến đường thủy nội địa địa phương dài 2.335km.

Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến sông cấp đặc biệt quan trọng là sông Tiền và sông Hậu, tổng chiều dài chảy qua tỉnh 112km. “Với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, hình thành nên mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại liên hoàn và kết nối được với hệ thống giao thông các tỉnh, thành phố lân cận” - ông Ngô Công Thức đánh giá.

Tuy nhiên, để giao thông trở thành động lực phát triển, cần phải đầu tư nhiều hơn. Ông Ngô Công Thức cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có 9 tuyến đường tỉnh được nâng cấp, tổng chiều dài 190km, mở mới 2 tuyến (cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên), chiều dài 75,2km.

Sở GTVT An Giang đã thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 33/33 dự án. Giai đoạn 2021 - 2025, Sở GTVT phối hợp các ban quản lý dự án (BQLDA) khởi công 27 dự án. Riêng năm 2023, khởi công 8 dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng 10 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, khẩn trương hoàn thành các dự án còn lại.

Tập trung vào trọng điểm

Đối với dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, do BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, khởi công tháng 1/2022, dự kiến hoàn thành tháng 7/2024. Toàn dự án có chiều dài 15,3km, 19 cầu trên tuyến, được chia làm 3 gói thầu, tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GTVT An Giang Ngô Công Thức cho biết, đến nay, tiến độ thi công đạt 85%. Trong đó, phần tuyến đã thi công xong hạng mục tôn cao nền đường, đang gia tải chờ lún cố kết; các cầu trên tuyến đã hoàn thành cơ bản, các thiết bị thi công có thể di chuyển suốt tuyến trên nền cát. Sở GTVT đang làm việc với BQLDA Mỹ Thuận và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng của công trình trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “vượt nắng, thắng mưa”, sớm hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Đối với dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, trong tổng chiều dài 188,2km qua 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng), đoạn qua An Giang (dự án thành phần 1) có chiều dài 57km, tổng vốn đầu tư 13.799 tỷ đồng, do BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh quản lý điều hành.

Đến tháng 9/2023, tất cả 4 gói thầu xây lắp đều đã khởi công. Đến nay, các nhà thầu đã thực hiện đào khuôn đường thi công cát nền đường, tôn cao nền hạ, thi công cọc các cầu cầu trên tuyến; tiến độ đạt từ 3 - 9%. Dự án nỗ lực hoàn thành khoảng cuối năm 2026, đầu năm 2027.

Đối với dự án liên kết vùng Tân Châu - Châu Đốc, có tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, tổng chiều dài 20,96km, tiến độ xây dựng hạng mục đường đạt 65% (riêng cầu Châu Đốc đã hợp long, tiến độ thi công đạt 87%), dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2024.

Với dự án nâng cấp tuyến đường liên tỉnh nối từ huyện Châu Phú qua khu vực Tứ giác Long Xuyên nối với huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Đường tỉnh 945), tổng mức đầu tư 1.803 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 40,55km, đã hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn 1; đoạn 2 và đoạn 3 còn vướng mặt bằng cục bộ, tuy nhiên cơ bản đã thông xe toàn tuyến.

Nguồn: Hướng đến “đại lộ, đại phú”

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn