An Giang: Làm sao bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn?

09:20 | 25/04/2023

|
Làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bởi sản phẩm làm ra thị trường ngày càng thu hẹp, sức cạnh tranh kém, hiệu quả kinh doanh thấp. Bảo tồn và phát triển các làng nghề là câu chuyện cần giải quyết trong bối cảnh hiện nay.
An Giang: Lung linh sắc màu những con đường hoa nông thôn mới ở Chợ MớiAn Giang: Lung linh sắc màu những con đường hoa nông thôn mới ở Chợ Mới
An Giang: An yên trong sắc màu núi CấmAn Giang: An yên trong sắc màu núi Cấm

Bình quân mỗi lao động làm nghề bó chổi, có thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày

Thực trạng

Ông Nguyễn Văn Long (Tám Lăng) là một nghệ nhân của Làng nghề tơ lụa Tân Châu. Cũng như những nghệ nhân khác, ông thấy buồn vì sau 1 thế kỷ hình thành và từng phát triển rực rỡ, làng nghề có nguy cơ bị mai một. Nguyên nhân do sản phẩm truyền thống không cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghiệp. Lụa Tân Châu có giá đắt mà nguyên liệu rất khó tìm.

Ngày trước, nhờ có trái mặc nưa, lãnh Mỹ A dệt ra có màu đen tuyền, bóng bẩy, phụ nữ rất thích mặc, vừa mát vừa sangg trọng. Giờ khách hàng Châu Âu, Trung Đông và Châu Á; kiều bào Việt Nam ở Hoa Kỳ, Canada - những người có lối sống hoài cổ - muốn đặt mua lãnh Mỹ A với số lượng lớn nhưng các cơ sở trong làng không đáp ứng nổi, bởi không có trái mặc nưa để nhuộm.

Ngoài yếu tố mẫu mã, bao bì, chất lượng, sản phẩm của các làng nghề truyền thống còn đứng trước khó khăn về thị trường, doanh số bán hàng, tính hiệu quả trong sản xuất... Tuy nhiên, cái được của làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống là góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại nông thôn, là điểm “check-in” của những tour du lịch trong và ngoài nước.

“Năm 1920, nghề ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu đã hình thành và phát triển. Sản phẩm nổi tiếng là lãnh Mỹ A. Nhiều gia đình trong làng có đến 3 thế hệ sống với nghề truyền thống. Cuối năm 2006, UBND tỉnh có quyết định thành lập Làng nghề tơ lụa Tân Châu nhằm tôn vinh sản phẩm truyền thống của địa phương. Lúc ấy, nơi đây còn 243 hộ dân làm nghề, trong đó 133 hộ se tơ, 105 hộ dệt và 5 hộ chuyên về nhuộm. Đến nay, địa phương chỉ còn 2 cơ sở sản xuất” - nghệ nhân Nguyễn Văn Long bày tỏ.

Nếu ở Tân Châu có nghề tơ lụa thì ở thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) có nghề rèn. “Ngày trước, thép rất khó tìm mua, vậy mà sản phẩm rèn bán rất đắt. Nay, các loại thép được thương lái mang đến tận cơ sở, song sản phẩm làm ra bán rất chậm. Nguyên nhân do đồng ruộng được cơ giới hóa, dụng cụ làm nông bị hạn chế sử dụng. Riêng dụng cụ nhà bếp như dao, kéo, các bà nội trợ thích sử dụng sản phẩm inox hơn bởi tính thẩm mỹ cao, sản phẩm khó tiêu thụ hơn” - ông Nguyễn Thanh Nam (thợ rèn thị trấn Phú Mỹ) bộc bạch.

Giải pháp

Toàn tỉnh An Giang hiện có 29 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt “tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”, trong đó có 14 làng nghề nông thôn, 5 làng nghề truyền thống. Các làng nghề có gần 4.000 hộ sản xuất - kinh doanh, giúp gần 15.000 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên. Thu nhập mỗi lao động từ 1 - 8 triệu đồng/tháng; doanh thu từ các làng nghề đạt gần 300 tỷ đồng/năm. Phần lớn các làng nghề hoạt động sản xuất quanh năm, chỉ một số ít làng nghề sản xuất mang tính thời vụ, như: Nghề lọp lươn ở xã Cần Đăng (huyện Châu Thành), lọp cua Mỹ Đức (huyện Châu Phú). Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu là trong nước. Một số cơ sở của làng nghề có quy mô lớn đã tích cực tìm kiếm thị trường thông qua các kỳ hội chợ để quảng bá sản phẩm (đường thốt nốt, sản phẩm rèn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…).

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ đã có kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn, làng nghề truyền thống. Bên cạnh đầu tư vốn để các cơ sở thay đổi thiết bị, máy móc, tăng năng suất, hiệu quả lao động, nhà nước còn hỗ trợ các cơ sở phát triển thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình phát triển du lịch, Chương trình sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu hàng năm...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, để bảo tồn và phát triển làng nghề, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng nhau phát triển thị trường, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm; huy động nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất. Tỉnh phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của nghề ở địa phương, như: Sản phẩm đặc sản, sản phẩm của làng nghề, các sản phẩm nông sản chủ lực gắn với Chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch homestay để thu hút du khách về làng nghề tham quan, mua sản phẩm

“Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề ngày càng được liên kết, gắn chặt giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Sự phát triển của du lịch làng nghề là điều kiện quan trọng giúp các địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, bảo tồn và phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương hiện nay” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

Nguồn: Làm sao bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn?

Minh Hiển

baoangiang.com.vn