An Giang: Nông dân Phú Tân sản xuất nếp theo SRP

17:15 | 09/05/2023

|
Canh tác lúa nếp theo SRP giúp nông dân giảm chi phí, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, lợi nhuận... Hiệu quả của mô hình được chứng minh khi triển khai trình diễn tại xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
An Giang: Hơn 900 học sinh được hướng nghiệp học nghề tại huyện Tri TônAn Giang: Hơn 900 học sinh được hướng nghiệp học nghề tại huyện Tri Tôn
An Giang lắp đặt màn hình giám sát hoạt động khai thác khoáng sảnAn Giang lắp đặt màn hình giám sát hoạt động khai thác khoáng sản

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Vụ đông xuân vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân phối hợp Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo xanh Việt Nam (GIC Việt Nam) triển khai trình diễn mô hình canh tác bền vững (SRP). Mô hình được thực hiện tại xã Phú Thạnh với 5 hộ tham gia, tổng diện tích 20ha, canh tác giống nếp IR4625.

Tham gia xây dựng mô hình, hộ nông dân được tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác bền vững, hướng dẫn quản lý sâu bệnh tổng hợp theo IPM và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đồng thời, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký theo dõi trong suốt quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn canh tác bền vững…

Canh tác theo hướng SRP là hướng đi bền vững đối với nông dân

Canh tác theo SRP, nông dân được hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác theo hướng “1 phải, 5 giảm”, giúp quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Đồng thời, giảm thiểu tác động môi trường, thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu.

Sản xuất theo phương pháp này, nông dân được hướng dẫn quy trình sạ thưa (120kg giống/ha), kết hợp trồng hoa sinh thái trên bờ ruộng. Trong quá trình canh tác, nông dân không được đốt rơm rạ. Khi bón phân phải kết hợp phân vô cơ và hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”... Đây là các tiêu chí bắt buộc phải thực hiện nhằm giảm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Đồng thời, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị liên kết bao tiêu…

Hướng đi bền vững

Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững SRP sau triển khai trình diễn đã giúp nông dân nâng cao ý thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chú trọng chất lượng sản phẩm làm ra.

Hộ nông dân tham gia mô hình đã ghi chép đầy đủ chi phí từ gieo sạ đến thu hoạch, gồm: Chi phí vật tư, phân bón, nhiên liệu và thiết bị, chi phí thuê mướn lao động… Ngoài ra, nông dân còn áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật của mô hình đặt ra. Nhờ vậy, nông dân giảm được nhiều chi phí sản xuất, như: Giống, thuốc BVTV, công lao động…

Kết quả cho thấy, năng suất của ruộng mô hình thấp hơn ruộng đối chứng. Mặt khác, ruộng mô hình có sử dụng phân hữu cơ nên chi phí phân bón cao hơn. Tuy nhiên, nhờ mức đầu tư, chi phí sản xuất ở khâu giống và thuốc BVTV hợp lý nên tổng chi phí thấp hơn nhiều so với ruộng đối chứng. Năng suất thực tế 7,6 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9 triệu đồng/ha.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình canh tác nếp theo SRP còn mang lại hiệu quả tích cực về môi trường. Lượng khí phát thải bình quân đạt 1,97 tấn CO2eq/vụ/ha, tương đương chỉ số công bố của Ngân hàng Thế giới trong điều kiện sản xuất lúa tại Việt Nam. Ngoài ra, nhờ quản lý nước theo quy trình AWD còn góp phần rất lớn trong việc giảm lượng khí phát thải của quá trình canh tác.

Mặt khác, việc giảm sử dụng thuốc BVTV hợp lý; sử dụng đúng lúc, đúng liều lượng còn tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng; đặc biệt, cải thiện mật độ thiên địch trên đồng ruộng. Việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ còn góp phần cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, cải tạo đất, giảm suy thoái tài nguyên đất và phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng lúa, nếp và tăng thu nhập người sản xuất…

Theo Trạm Khuyến nông Phú Tân, từ thực tiễn triển khai thí điểm của mô hình canh tác theo hướng SRP, giúp nông dân giảm 20-30% lượng phân bón hữu cơ, thay thế bằng phân bón vô cơ để nâng cao chất lượng gạo. Bên cạnh đó, nông dân giảm 50% số lần sử dụng thuốc BVTV, đạt mục tiêu về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và giảm chi phí thuốc BVTV. Mô hình còn giúp tăng thu nhập và cải thiện môi trường sống, chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trước các diễn biến phức tạp biến đổi khí hậu.

Ngoài mô hình thí điểm tại 5 hộ nông dân, mô hình canh tác bền vững đã nhân rộng đến các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tiềm năng, như: HTX nông nghiệp Hiệp Xuân Phú, HTX nông nghiệp Chợ Vàm. Qua đó, góp phần nhân rộng mô hình canh tác lúa theo hướng bền vững trên địa bàn toàn huyện.

Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh Việt Nam do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức tài trợ, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hợp tác với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) thực hiện. Dự án được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng, từ năm 2021-2024. Dự án sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập từ 15-20%; 12.000 nông hộ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường…

Nguồn: Nông dân Phú Tân sản xuất nếp theo SRP

Đức Toàn

baoangiang.com.vn