An Giang phát triển du lịch nông thôn

21:18 | 27/02/2023

|
Với mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển du lịch (DL) khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn; đặc trưng văn hóa địa phương nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững”, từ nay đến năm 2025, An Giang tập trung phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
An Giang: Tiềm năng năng lượngAn Giang: Tiềm năng năng lượng
An Giang: Mục tiêu cao, quyết tâm lớnAn Giang: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để phát triển DL nông thôn, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành công tác điều tra, khảo sát thực trạng phát triển DL nông thôn, xác định khu vực tiềm năng, sản phẩm DL nông thôn đặc trưng tại một số địa phương, trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm DL tiêu biểu tại khu vực nông thôn.

Đồng thời, tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng DL đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ du khách tại các cơ sở, doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ DL. Xây dựng mô hình DL nông thôn mang tính đặc trưng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng sản phẩm DL đa dạng, phong phú, chất lượng và thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa của địa phương, có thương hiệu và sức cạnh tranh, đồng thời hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá, phân hạng đạt chuẩn sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền Chương trình phát triển DL nông thôn trong xây dựng NTM. Qua đó, góp phần thúc đẩy thay đổi tư duy, hành động cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; tổ chức, cá nhân kinh doanh DL; người dân, cộng đồng và khách DL về phát triển DL nông thôn bền vững trong xây dựng NTM. Đồng thời, tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, sản phẩm DL nông thôn đặc trưng tại một số địa phương và nguồn nhân lực tham gia phục vụ để đánh giá thực trạng phát triển DL nông thôn. Trên cơ sở đó, đề xuất hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bộ một số điểm đến, sản phẩm DL tiêu biểu tại khu vực nông thôn.

Cùng với đó, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật DL. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông tại các tuyến đường kết nối điểm tham quan, DL đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho khách DL và hài hòa với không gian, cảnh quan nông thôn. Tăng cường công tác mời gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các địa điểm tham quan, DL. Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ. Chuẩn hóa khu, điểm DL, cơ sở lưu trú DL, cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách DL theo quy định. Bố trí và xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm quà tặng, lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách DL.

Tỉnh sẽ quan tâm đầu tư, phát triển sản phẩm, phục vụ DL khu vực nông thôn. Theo đó, tập trung phát triển sản phẩm DL có chất lượng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao dựa vào lợi thế hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của một số địa bàn có tiềm năng phát triển DL nông thôn. Hỗ trợ bảo tồn và phát triển các loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, ẩm thực, trang phục truyền thống tiêu biểu phục vụ DL. Hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống và phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm, đặc sản truyền thống để phục vụ du khách thông qua các trải nghiệm thực tế. Tiếp tục phát huy giá trị các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng gắn với hoạt động DL tại các địa phương. Hướng dẫn thiết kế mẫu mã sản phẩm quà tặng, lưu niệm, trang trí về lĩnh vực DL thu hút khách DL và từng bước xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm DL nông thôn.

Nâng cao năng lực nguồn nhân lực tham gia hoạt động DL khu vực nông thôn. Đồng thời, từng bước chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Nhất là, tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kiến thức làm DL cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động DL nông thôn, như: Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển DL nông thôn, cung cấp dịch vụ ăn uống (nấu ăn, pha chế…), lưu trú (làm buồng, phòng…), văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách… cho dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm DL. Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở về quản lý và phát triển hoạt động DL khu vực nông thôn.

Song song đó, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá điểm DL nông thôn và sản phẩm DL nông thôn dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện cho xúc tiến quảng bá các điểm tham quan, DL khu vực nông thôn, sản phẩm DL nông thôn, tiếp cận các thị trường DL. Tổ chức các sự kiện, lễ hội giới thiệu các điểm đến DL nông thôn, sản phẩm DL nông thôn; truyền thông, quảng bá sản phẩm DL nông thôn tại các hội chợ, triển lãm… Đồng thời, tăng cường liên kết hợp tác; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển DL nông thôn. Hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển DL khu vực nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Nguồn: An Giang phát triển du lịch nông thôn

Minh Thư

baoangiang.com.vn