An Giang: Tiềm năng năng lượng

04:15 | 24/02/2023

|
Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam (Quyết định 2068/GĐ-TTg, ngày 25/11/2016) với những mục tiêu lớn: Ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện; nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng từ 45% năm 2015 lên 50% năm 2020, khoảng 60% năm 2030 và 70% năm 2050.
An Giang: Mục tiêu cao, quyết tâm lớnAn Giang: Mục tiêu cao, quyết tâm lớn
An Giang: Doanh nghiệp Chợ Mới năng động phát triển kinh tếAn Giang: Doanh nghiệp Chợ Mới năng động phát triển kinh tế

An Giang có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, sinh khối, gió...)

Nhiều tiềm năng

Để cụ thể hóa mục tiêu trên và gắn với nhiệm vụ giảm phát thải ròng khí CO2 bằng “0” đến năm 2050, Bộ Công Thương trình Chính phủ dự thảo kịch bản phát triển các nguồn năng lượng đến năm 2050. Tổng hợp đề xuất của Bộ Công Thương: Định hướng đến năm 2030, nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) đạt công suất 21.871 MW, tương đương 18-27% công suất các nguồn điện; đến năm 2050, đạt công suất 186.301MW, tương đương 54,9-58,9% công suất các nguồn điện.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề xuất nhiều nội dung đảm bảo thực thi quy hoạch hiệu quả, như: Tổ chức thực hiện quy hoạch đồng bộ; chính sách, thể chế, hành lang pháp lý; nâng cao năng lực các chủ đầu tư và đội ngũ quản lý thực hiện quy hoạch…

Tỉnh An Giang đã xây dựng đề án “Phát triển năng lượng sinh khối tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Phát triển năng lượng mặt trời”. Theo Sở Công Thương, trong các dạng sinh khối, thì phụ phẩm nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tiềm năng kỹ thuật (khoảng 95-96%), tiếp đến là gỗ năng lượng với khoảng 3,1-3,6%, phần còn lại là phế phẩm gỗ với khoảng 0,5-0,7%. Năm 2020, khai thác khoảng 1,88 triệu tấn sinh khối và khoảng 2,05 triệu tấn sinh khối năm 2030. Các nguồn sinh khối có tỷ lệ khai thác cho sản xuất điện cao là trấu (trên 70% tiềm năng kỹ thuật), tiếp đến là nguồn rơm rạ (khoảng 50% lượng tiềm năng kỹ thuật) và gỗ củi (trên 35% tiềm năng kỹ thuật).

Về điện mặt trời: Qua các số liệu báo cáo từ các nhà máy điện mặt trời đang vận hành, tỉnh An Giang có tiềm năng lớn về cường độ bức xạ (4,5 kWh/m2/ngày); số giờ nắng bình quân trên 2.400 giờ/năm.

Hiện trạng lưới điện tỉnh An Giang

Theo Sở Công Thương, nguồn điện của An Giang được cấp điện chủ yếu từ nhà máy điện Ô Môn đặt tại TP. Cần Thơ với 2 tổ máy, tổng công suất là 2x330MW, liên kết lưới truyền tải 220kV với đường dây 220kV Ô Môn - 220kV Thốt Nốt, đường dây 220kV Thốt Nốt - 220kV Châu Đốc. Trong năm 2020, tỉnh An Giang có 3 nhà máy điện mặt trời mặt đất đã vận hành thương mại với tổng công suất 240MW đấu nối cấp điện áp 110kV tập trung chủ yếu tại huyện miền núi Tịnh Biên. Ngoài ra, trên 1.800 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 190 MW, cấp điện áp đấu nối dưới 22kV.

Lưới điện 220kV: Tổng chiều dài đường dây 220kV trên địa bàn tỉnh An Giang 303km, với 2 trạm đặt tại TP. Long xuyên và Châu Đốc, tổng công suất 2 trạm là 1.750MVA. Lưới điện 110kV: Toàn tỉnh có 12 trạm biến áp 110kV phân bố đều từng huyện, thị xã, thành phố với tổng dung lượng đạt 894 MVA. Chiều dài đường dây 110kV khoảng 331km.

Lưới điện 22/0,4kV: Được kéo đến trung tâm các xã và khu vực lân cận, tổng chiều dài đường dây khoảng 3.000km (22-11,7 và 0,4-0,22kV). Tổng sản lượng điện thương phẩm bình quân của tỉnh An Giang trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2.229GWh (tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 6,6% so giai đoạn 2011-2015), tỷ lệ tăng trưởng điện thương phẩm 7%/năm.

Định hướng phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030

Về phát triển nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, sinh khối, gió...), theo Sở Công Thương, phấn đấu mời gọi đầu tư đạt tổng công suất 3.000MW (dự báo mức phụ tải toàn tỉnh 1.070MW). Cụ thể, nguồn điện sinh khối ước đạt 100MW, điện gió khoảng 300MW, còn lại 2.600MW điện mặt trời các loại (mặt đất, mặt nước, mái nhà...).

Về phát triển lưới điện: Tiếp tục xây dựng và phát triển lưới điện truyền tải 500kV, nâng cấp đường dây truyền tải đảm bảo mỗi trạm biến áp 220-110kV có ít nhất 2 nguồn cấp điện đảm bảo kết vòng theo tiêu chí N-1 của ngành điện.

Theo đó, Sở Công Thương An Giang sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tìm kiếm các khu vực đất đai không hiệu quả kinh tế, đất khô cằn, bạc màu, diện tích mặt nước phù hợp để tập trung mời gọi các dự án điện mặt trời. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ ứng dụng các giải pháp sản xuất nông nghiệp gắn với nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng điện tiết kiệm trong các phân ngành sản xuất và tỉnh An Giang, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm điện so với tổng sản lượng điện tiêu thụ đạt 8% đến năm 2025 và 14% đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, viên chức trong thực thi chính sách gắn với thực hiện tốt chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Nguồn: Tiềm năng năng lượng ở An Giang

Hữu Nguyên

baoangiang.com.vn