An Giang: Phát triển du lịch ở huyện miền núi Tri Tôn

19:10 | 03/11/2022

|
Với sự “khai phá” của huyện miền núi Tri Tôn, nhiều người biết đến An Giang không chỉ có “đặc sản” đua bò Bảy Núi, mà còn có dù lượn, diều lượn, máy bay mô hình, khinh khí cầu… Những môn thể thao mạo hiểm tưởng như xa lạ với người dân miền Tây, nay trở nên quen thuộc. Với dù lượn, diều lượn có động cơ, còn có thể biểu diễn trên sông nước, những cánh đồng rộng lớn mà không nhất thiết phải là địa hình đồi núi.

Từ lạ thành quen

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2020, khi lần đầu tiên UBND huyện Tri Tôn phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, nhiều người tỏ ra bất ngờ vì trước nay, bộ môn dù lượn chủ yếu xuất hiện ở vùng núi Tây Bắc, chưa bao giờ được biểu diễn ở ĐBSCL. Do vậy, sự háo hức, mong chờ càng tăng lên gấp bội.

Không phụ lòng kỳ vọng của du khách gần xa, hơn 90 phi công dù lượn đến từ các hội dù lượn khắp nơi, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa)… đã tham gia trình diễn dù lượn lần đầu tiên ở An Giang cũng như miền Tây. Các phi công cất cánh từ vị trí của “sân bay” vồ Hội (cao khoảng 350m so mực nước biển), nằm ở vị trí lưng chừng trên ngọn Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô).

Sau khi có màn bay lượn ngoạn mục trên các cánh đồng lúa ruộng trên với những ô lúa vàng, xanh xen kẽ, những hàng cây thốt nốt đặc trưng của vùng Bảy Núi, các phi công đáp xuống sân đua bò huyện Tri Tôn (thuộc Khu liên hợp Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek), mang đến cảm giác hào hứng cho người xem.

Lồng ghép với biểu diễn dù lượn là hoạt động tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi. Những màn tranh tài nước rút quyết liệt của các đôi bò càng tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp. Trên sân khấu, những điệu múa, giọng hát, nhạc cụ mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vang lên, tạo thành không gian lễ hội độc đáo.

An Giang: Phát triển du lịch ở huyện miền núi Tri Tôn

Sau thành công của sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn năm 2020”, nhận thấy điều kiện thời tiết, địa hình Phụng Hoàng Sơn rất thích hợp để phát triển loại hình thể thao hàng không mạo hiểm, Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn chú trọng đầu tư vào Khu liên hợp Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek.

“Huyện muốn tạo điểm nhấn theo kiểu “Đi Đắk Lắk ghé Buôn Đôn, đi Tri Tôn vào Soài Chek”. Với cảnh đẹp thiên nhiên cùng nhiều hoạt động độc đáo, đặc trưng, tỉnh và huyện đang đầu tư hạ tầng và thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư, biến Tà Pạ - Soài Chek thành dấu ấn đặc biệt khi du khách đến vùng Bảy Núi”- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm thông tin.

Quảng bá cảnh đẹp

Với sự hỗ trợ của Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh, thêm một “sân bay” mới được đầu tư cặp theo sân đua bò huyện Tri Tôn. Nếu như “sân bay” vồ Hội dành cho phi công dù lượn, diều lượn không động cơ, lợi dụng sức gió để bay từ trên cao xuống thì ngược lại, “sân bay” cặp sân đua bò chuyên dùng để cất cánh dù lượn, diều lượn có động cơ và máy bay mô hình từ dưới đất lên.

“Tri Tôn là nơi duy nhất trong cả nước đầu tư cùng lúc được 2 “sân bay” phục vụ cho cả dù lượn, diều lượn không động cơ, có động cơ và máy bay mô hình. Nơi đây cũng phù hợp đào tạo phi công vùng ĐBSCL. Qua đó, tạo thêm điểm nhấn thu hút du lịch khi kết hợp biểu diễn các loại hình này dịp lễ, Tết, sự kiện lớn” - Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh Lương Hoàng Hà đánh giá.

Tháng 7 vừa qua, UBND huyện Tri Tôn đã kết hợp Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng huấn luyện phi công dù lượn khóa I - miền Tây năm 2022. Đây là bước khởi đầu cần thiết để thành lập Trung tâm Huấn luyện bay miền Tây. “Qua huấn luyện, các học viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều khiển dù lượn có động cơ, thực hiện tốt thao tác điều khiển hướng bay, tốc độ bay. Khi đã bay thành thục, phi công có thể biểu diễn dù lượn có hay không có động cơ đều được” - ông Hà chia sẻ.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, huyện Tri Tôn tiếp tục kích cầu du lịch bằng cách tổ chức nhiều hoạt động đặc trưng. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, tại Khu liên hợp Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek, UBND huyện Tri Tôn phối hợp Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình biểu diễn dù lượn, diều lượn có động cơ và máy bay mô hình với chủ đề “Bay trên Phụng Hoàng Sơn năm 2022”.

Đến dịp Quốc khánh 2/9, lễ hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức ở huyện Tri Tôn cũng như vùng ĐBSCL. Những chiếc khinh khí cầu mới lạ cùng đêm hội hoa đăng đem đến sự hào hứng mới cho người dân, du khách. Đến dịp Lễ Sene Dolta năm 2022 của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Lễ hội đua bò Bảy Núi và chương trình biểu diễn dù lượn “Bay giữa mùa lễ hội” lại được tổ chức…

Không chỉ huyện miền núi Tri Tôn mà ở vùng sông nước như TX. Tân Châu, dù lượn, máy bay mô hình cũng được tổ chức. Bí thư Thị ủy Tân Châu Huỳnh Quốc Thái cho biết, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, thị xã sẽ vận động tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn dù lượn (có động cơ), máy bay mô hình và biểu diễn Best FlyBoarding mặt nước trên sông Tiền (khu vực bờ kè thị xã) để phục vụ nhân dân. Đồng thời, vận động xã hội hóa tổ chức chương trình nghệ thuật miễn phí và bắn pháo hoa vào tối 30 Tết để người dân chào đón năm mới 2023 vui tươi, phấn khởi…

“Cùng với thành lập Trung tâm Huấn luyện bay miền Tây, hoạt động biểu diễn dù lượn sẽ được tổ chức thường xuyên tại Phụng Hoàng Sơn để phục vụ người dân, du khách, góp phần quảng bá cảnh đẹp An Giang” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang nhấn mạnh.

Nguồn: Phát triển du lịch ở huyện miền núi Tri Tôn

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn