An Giang sẵn sàng tham gia vào đề án lớn

06:59 | 19/04/2023

|
Đó là Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Đề án đang được đưa ra lấy ý kiến các doanh nghiệp (DN), UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL để trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lựa chọn doanh nghiệp đầu tàu

Để chuẩn bị cho việc tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, UBND tỉnh An Giang đã mời gọi DN vào kết hợp với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh diện tích liên kết thông qua mô hình “Cánh đồng không dấu chân”, “Cánh đồng liên kết”, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đăng ký thực hiện. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời là ứng cử viên được chọn để tham gia thực hiện đề án.

“UBND tỉnh chọn Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, bởi DN này vừa có tiềm lực kinh tế, vừa có thị trường xuất khẩu, có đội ngũ kỹ sư đồng hành cùng nông dân ra đồng, đặc biệt đơn vị hiện đang kinh doanh ngành hàng vật tư nông nghiệp, đây là điều kiện cần và đủ để tỉnh chọn tham gia đề án” - Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

Thảo luận kế hoạch thực hiện đề án

Ngay khi đề án chưa ra đời, UBND tỉnh đã ký biên bản và triển khai hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời, thực hiện nhiều nội dung hợp tác khác nhau, như: Hợp tác xây dựng thương hiệu gạo An Giang, phát triển chuỗi giá trị từ gạo, chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn với vùng nguyên liệu gạo, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp và thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại An Giang… Đây là tiền đề quan trọng cho việc tham gia đề án lớn của Bộ NN&PTNT.

Ông Võ Văn Vang (Giám đốc vùng An Giang của Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời) cho biết, đối với chương trình phát triển HTX kiểu mới gắn với vùng nguyên liệu gạo, Lộc Trời đã xây dựng và thành lập được 14 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, diện tích đất liên kết thực hiện chương trình đạt 33.320ha so chỉ tiêu 110.000ha. Sắp tới, thông qua việc phối hợp giữa Tập đoàn Lộc Trời với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông An Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cùng hệ thống chính trị tại các địa phương, sẽ đẩy mạnh vận động nông dân trong và ngoài HTX tham gia liên kết.

Đẩy mạnh liên kết

Đề cập đến việc sẵn sàng tham gia vào một đề án lớn của Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết, DN đã sẵn sàng cùng các HTX nông nghiệp, hệ thống chính trị của tỉnh tham gia Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt như hiện nay, việc hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là vấn đề được đặt ra cho toàn vùng. Thực hiện đề án này nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Chúng ta có tập trung được diện tích lớn để sản xuất thì mới nói đến việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên đồng ruộng. Việc này sẽ góp phần giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó đời sống nông dân sẽ được nâng lên đáng kể” - ông Thòn phân tích.

Tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL,

An Giang đăng ký với Bộ NN&PTNT đến năm 2025, diện tích đất liên kết sản xuất có gắn kết tiêu thụ sản phẩm là 150.000ha, đến năm 2030 sẽ tăng lên 250.000ha. Để tăng diện tích đất tham gia vào quá trình liên kết, hiện thực hóa nội dung hợp tác giữa Tập đoàn Lộc Trời với UBND tỉnh An Giang, DN này đã có sáng kiến tổ chức “Ngày hội liên kết sản xuất”. Trong tháng 3 và 4/2023, nhân hoạt động này, DN đã phối hợp tổ khuyến nông cộng đồng các địa phương tổ chức được 50 cuộc hội thảo, vận động nông dân tham gia sản xuất theo mô hình “Cánh đồng không dấu chân”.

“Tham gia vào quá trình liên kết, nông dân có được rất nhiều cái lợi, hạ được chi phí, giá thành sản xuất nhưng thu nhập và chất lượng hạt gạo tăng lên, đáp ứng rất tốt cho xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước. Được nhà nước lẫn DN hỗ trợ các điều kiện để sản xuất như nhà nước đầu tư vốn để thực hiện các công trình thủy lợi, tưới tiêu, đảm bảo sản xuất ăn chắc, DN hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật canh tác… nên khi liên kết, chúng tôi rất an tâm” - ông Trần Văn Ni (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Sở NN&PTNT vừa tổ chức cuộc họp, thảo luận kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Các đại biểu đều cho rằng, đây là cơ hội tốt để đưa nền nông nghiệp An Giang bứt phá, đi lên sản xuất lớn. Muốn nông dân cùng với DN thực hiện đề án thì cần phân tích rõ nguyên nhân vì sao trong thời gian qua, diện tích tham gia liên kết còn ít để từ đó có giải pháp thực hiện tốt hơn.

“Để tăng nhanh diện tích liên kết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan tổ chức “Ngày hội liên kết sản xuất” trên toàn tỉnh. Chúng tôi xây dựng các vùng chuyên canh, tập trung 4 giống lúa chủ chốt; xây dựng mã số vùng trồng đạt 5.000ha, tiến đến 50.000ha (năm 2025) và 100.000ha (năm 2028); cung cấp tín dụng cho nông dân liên kết sản xuất… Đây là tiền đề quan trọng để Lộc Trời tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao” - ông Võ Văn Vang nhấn mạnh.

Nguồn: An Giang sẵn sàng tham gia vào đề án lớn

MINH HIỂN

baoangiang.com.vn