An Giang số hóa nền nông nghiệp

16:15 | 27/05/2023

|
Định hướng của An Giang trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp (DN) lên môi trường số, giúp họ thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chuyển đổi số. Tỉnh từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
An Giang lập trật tự vùng nuôi chim yếnAn Giang lập trật tự vùng nuôi chim yến
An Giang: Nông dân làm du lịch sinh tháiAn Giang: Nông dân làm du lịch sinh thái

Anh Đoàn Văn Phụng dùng điện thoại điều khiển vườn dưa lưới

Xu thế tất yếu

Ở xã nông thôn mới nâng cao Tà Đảnh (huyện Tri Tôn), công nghệ số đang được nhiều nông dân áp dụng. Điển hình như nông dân Nguyễn Thanh Dân (ấp Tân Trung), toàn bộ vườn cam (1.000 cây trên diện tích 1ha đất) đều được áp dụng mô hình tưới phun tự động, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dù ngồi trong nhà hay đi đâu, ông Dân đều có thể mở ứng dụng trên điện thoại, điều khiển hệ thống tưới phun, hòa dinh dưỡng cho cây. Vườn dưa lưới cặp bên nhà nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi Phan Văn Thụ (ấp Tân Thuận) cũng được ứng dụng công nghệ tương tự.

Tại khu dân cư làng giáo viên đại học (khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), sau vài vụ thử nghiệm thành công mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, anh Đoàn Văn Phụng quyết định đầu tư thêm hệ thống cảm biến, kiểm soát toàn bộ vườn dưa qua ứng dụng trên điện thoại di động. Như vậy, ngoài điều khiển hệ thống tưới, hòa dinh dưỡng, anh còn có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, sinh trưởng của dưa lưới, dù không có mặt trong vườn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của DN và người dân là yếu tố đảm bảo thành công của chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây là xu hướng tất yếu để hợp tác xã (HTX), nông dân, DN phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, HTX, nông dân, DN sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm; rộng cửa quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.

Ứng dụng trên nhiều lĩnh vực

Theo ông Trương Kiến Thọ, đến nay, một số mô hình ứng dụng chuyển đổi số đang thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực trồng trọt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật), giúp giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động; triển khai phần mềm “bác sĩ cây trồng”.

Phần mềm cài trên thiết bị di động, hỗ trợ hình ảnh triệu chứng dịch hại, giúp nông dân xác định đúng dịch hại, đưa ra giải pháp quản lý phù hợp với từng trường hợp. Phần mềm còn có nội dung hỏi đáp trực tiếp với chuyên gia cây trồng, giúp nông dân quản lý dịch hại hiệu quả.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại lớn trên địa bàn tỉnh, như: Hệ thống chăn nuôi heo của Tập đoàn THACO, trại chăn nuôi heo, gà, vịt gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam… đang ứng dụng chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hệ thống cào và thu gom phân gia súc, gia cầm tự động.

Tất cả hệ thống chuồng nuôi được tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính điều khiển từ xa, giúp giảm nhân công, tăng hiệu quả chăn nuôi. Nhà nuôi chim yến được quản lý, theo dõi, giám sát bằng camera, sử dụng hệ thống phun sương làm mát điều khiển từ xa, giám sát được số lượng yến, động vật gây hại mà không cần trực tiếp vào nhà nuôi, tránh ảnh hưởng, xáo trộn đàn chim yến.

Trong lĩnh vực thủy sản, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) đáp ứng đủ điều kiện, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số trong sản xuất, như: Đo lường tự động bằng hệ thống thiết bị thu mẫu tự động hoàn toàn; hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi tự động; xử lý nước đầu vào tự động; chíp điện tử định danh cá, thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, tỉnh hỗ trợ 5 HTX nông nghiệp: An Bình (huyện Thoại Sơn), Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn), Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), Phú Thạnh (huyện Phú Tân) và Vĩnh Thạnh (huyện Châu Phú) xây dựng 5 mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, xây dựng 4 mô hình ghi chép, ứng dụng nhật ký sản xuất điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại 4 HTX nông nghiệp (Lộc Phát 1, Vĩnh Bình, Phú Thạnh và Vĩnh Thạnh). Tỉnh đang triển khai khai mô hình “HTX nông nghiệp thông minh” tại xã An Bình, mô hình “Xã nông thôn mới thông minh toàn diện” tại xã Long Điền A (huyện Chợ Mới) và xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên); ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới.

Sở NN&PTNT An Giang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) và Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel triển khai thí điểm ứng dụng “Nhận diện sinh vật gây hại lúa và hướng dẫn biện pháp phòng trừ” trên địa bàn tỉnh. Phần mềm đang được hoàn thiện, giúp nông dân quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa chủ động, hiệu quả hơn, giảm thiểu tác hại và nâng cao năng suất.

Nguồn: An Giang số hóa nền nông nghiệp

Ngô Chuẩn

baoangiang.com.vn