An Giang: Tín hiệu vui phục hồi sản xuất - kinh doanh

15:20 | 23/12/2022

|
Dù vẫn còn khó khăn hậu COVID-19 nhưng bằng quyết tâm của tỉnh, sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN), sản xuất - kinh doanh (SXKD) được phục hồi, DN đăng ký mới và tái hoạt động tăng, xuất khẩu và du lịch đạt kết quả ấn tượng… Đây là bước tạo đà cần thiết cho năm 2023.
An Giang: Quảng bá sản phẩm tiêu biểu tại “Phiên chợ hàng Việt cuối tuần”An Giang: Quảng bá sản phẩm tiêu biểu tại “Phiên chợ hàng Việt cuối tuần”
An Giang: Tăng tốc cho năm “bản lề” 2023An Giang: Tăng tốc cho năm “bản lề” 2023

Hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động

Đầu năm 2022, nhiều DN vẫn tạm ngừng hoạt động, số dự án đầu tư đăng ký mới còn thấp. Vì thế, UBND tỉnh tập trung 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Khôi phục, thúc đẩy SXKD, đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh phục hồi; hỗ trợ phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, phục hồi và phát triển du lịch); đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Sản xuất của doanh nghiệp được phục hồi. Ảnh: N.C

Như “liều thuốc trợ lực”, những giải pháp linh hoạt của tỉnh giúp DN phục hồi, phát triển SXKD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế tỉnh năm 2022. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 247 DN và 69 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. Đồng thời, 828 DN và 853 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, tổng số vốn đăng ký 7.465 tỷ đồng. So cùng kỳ, số DN đăng ký tăng 54,2%, số vốn đăng ký mới tăng 5,1%.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh An Giang hiện có 7.202 DN và 4.099 đơn vị trực thuộc đang hoạt động, tổng vốn đăng ký 80.429 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 279 HTX, tăng gần 9% so năm 2021; thu hút 139.918 thành viên tham gia. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX đạt khoảng 60 triệu đồng/năm, tăng 33% so cùng kỳ.

Thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp tăng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn có những kết quả tích cực. Toàn tỉnh tiếp nhận 57 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó, đã phê duyệt 10 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng (2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 391 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.269 tỷ đồng); chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án, tổng vốn đăng ký 14.096 tỷ đồng.

Nếu như năm 2021, tỉnh chỉ thu hút được 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì năm 2022, có 2 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký 22,7 triệu USD (tăng 100% về số dự án và tăng 61% về vốn đăng ký so cùng kỳ).

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương. Ảnh: T.T

Giữa năm 2022, giá cả nhiều mặt hàng (như xăng, dầu, sắt thép, vật tư nông nghiệp...) tăng cao, làm gia tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động SXKD. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp của An Giang tăng trưởng khá tốt. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 8,3% so năm 2021. Tình hình sản xuất một số sản phẩm công nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, thị trường trong nước và quốc tế mở rộng.

Trong đó, sản phẩm thủy sản đông lạnh đang thu hút nhiều đơn đặt hàng từ thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ, dần mở rộng sang Brazil, Colombia, Nga. Sản phẩm gạo xay xát tiếp tục đón nhận tín hiệu khả quan từ thị trường Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Ghana, Australia...

Đặc biệt, sau ký kết với Cộng hòa Sierra Leone, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) đã mở rộng nhà máy chế biến gạo từ 4 nhà máy lên 10 nhà máy, chế biến 600.000 tấn gạo trong năm 2022. Các sản phẩm may mặc cũng được sản xuất theo đơn đặt hàng từ công ty quy mô lớn, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Tiếp tục kết nối cung - cầu

Điểm nhấn lớn của tỉnh trong năm 2022 là kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa cho DN, cơ sở SXKD; kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác. Kết quả, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của tỉnh đạt 92.400 tỷ đồng (tăng 12,4% so năm 2021); kim ngạch xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD (tăng 1,1% so cùng kỳ).

Hỗ trợ cắt, giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho DN, HTX, hộ kinh doanh; triển khai Nghị định 31/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, HTX, hộ kinh doanh (133 khách hàng được hỗ trợ lãi suất với dư nợ vay 1.368 tỷ đồng).

Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ năm 2022 tăng. Ảnh: T.T

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2023, An Giang tiếp tục triển khai nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh theo Nghị quyết 105/NQ-CP, ngày 9/9/2021 của Chính phủ; nhanh chóng ban hành giải pháp có trọng tâm, trọng điểm xử lý, tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Xây dựng, triển khai chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2023; chuẩn bị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023. Tiếp tục triển khai Đề án phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2025, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện (về khả năng tiếp cận nguồn lực, năng lực quản trị, hoạch định chiến lược, ý thức tuân thủ pháp luật…) để nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Nguồn: An Giang: Tín hiệu vui phục hồi sản xuất - kinh doanh

Ngô Chuân- Thu Thảo

baoangiang.com.vn