Bến Tre: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

04:19 | 06/01/2023

|
Hỗ trợ phụ nữ phát triển, đảm bảo kinh tế gia đình ổn định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam. Trong nhiều năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (HTPNPTKT) tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bến Tre: Chợ Lách bứt phá trong xây dựng nông thôn mới nâng caoBến Tre: Chợ Lách bứt phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Bến Tre: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.510 triệu USDBến Tre: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.510 triệu USD
Bến Tre: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Bà Hồ Thị Rết, xã Phước Long (Giồng Trôm) vay vốn đan giỏ cọng dừa và buôn bán nhỏ. Ảnh: Thạch Thảo

Trợ lực vươn lên

Căn nhà nhỏ của vợ chồng bà Hồ Thị Rết, tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm bày bán nhiều mặt hàng từ thềm ba đến trọn không gian nhà trên. Nhờ có đồng vốn vay từ Quỹ HTPNPTKT tỉnh mà vợ chồng bà Rết buôn bán, có thu nhập trang trải sinh hoạt phí cho cuộc sống hàng ngày.

“Năm 2019, tôi vay từ Quỹ HTPNPTKT tỉnh 15 triệu đồng mua nguyên liệu làm giỏ cọng dừa và buôn bán tạp hóa nhỏ tại nhà. Lãi suất vay 0,89%/tháng. Tôi an tâm đan giỏ cọng dừa vào thời gian rảnh và trữ lại để Tết bán được giá”, bà Hồ Thị Rết chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Rết còn là Cụm trưởng Cụm vay vốn Quỹ HTPNPTKT tỉnh của ấp Long Thạnh, xã Phước Long. Hiện cụm có 17 thành viên tham gia. Trung bình mỗi thành viên vay 15 triệu đồng để có vốn đan giỏ cọng dừa, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Vốn vay tuy ít nhưng với sự khéo léo, linh hoạt của chị em phụ nữ đã tạo ra các mô hình nhỏ, lấy ngắn nuôi dài, giải quyết được các vấn đề trong gia đình.

Bà Hồ Thị Rết chia sẻ: “Nhờ đồng vốn hỗ trợ từ quỹ mà cuộc sống một số chị em trong xóm, ấp thay đổi tích cực. Điển hình như chị Võ Thị Khắn, năm 2016, vay vốn từ Quỹ HTPNPTKT tỉnh để mua nguyên liệu đan giỏ. Tranh thủ thời gian, chị Khắn trồng thêm rau cải đem ra chợ bán và chăn nuôi. Nhờ đó, chị có tiền lo cho hai con ăn học. Hiện một người con đang tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Chị Võ Thị Khắn đã vươn lên thoát nghèo”.

Hiện xã Phước Long có khoảng 50% các chị em phụ nữ biết và làm nghề đan giỏ cọng dừa. Giá mỗi chiếc giỏ khoảng 5 ngàn đồng. Đây là loại giỏ rất được thị trường ưa chuộng nhờ làm từ vật liệu cọng dừa, thân thiện với môi trường. Phó chủ tịch Hội LHPN xã Phước Long Võ Thị Thúy cho biết: “Quỹ HTPNPTKT tỉnh giúp chị em phụ nữ trong xã phát triển kinh tế gia đình. Nhờ kinh tế phát triển, đời sống vật chất của các chị được nâng lên, gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Phước Long”.

Hiệu quả thiết thực

Hiện nay, Quỹ HTPNPTKT đã triển khai đến 157/157 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với 8 phòng giao dịch tại 9 huyện, thành phố. Quỹ đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 20 ngàn phụ nữ, với dư nợ trên 168 tỷ đồng. Vận động tiết kiệm hơn 48 tỷ đồng giúp thành viên ý thức tiết kiệm, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Qua đó, giúp thêm nhiều hộ có nhu cầu vốn được tiếp cận.

Từ năm 2017 đến nay, toàn Quỹ HTPNPTKT đã có 8 chị nhận giải “Doanh nhân vi mô” của Ngân hàng Thế giới tài trợ, với giải thưởng cao nhất lên đến 40 triệu đồng. “Quỹ đã giúp các chị em tiếp cận nhiều kiến thức trong việc xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, biết lập được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả. Từ đó, nhiều chị đã tự tin vươn lên “từ làm thuê trở thành làm chủ”, tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”, Giám đốc Quỹ HTPNPTKT tỉnh Hồ Bích Hạnh cho biết.

5 năm qua, Quỹ HTPNPTKT tỉnh đã trao tặng 3,5 ngàn phần quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; 11 mái ấm tình thương; 800 suất học bổng cho con em thành viên nhân dịp đầu năm học mới; 1.700 dụng cụ chứa nước cho thành viên trong đợt hạn mặn năm 2020; hỗ trợ 100 thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa nhấn mạnh: “Chương trình tài chính vi mô chủ yếu tập trung vào phụ nữ. Do vậy, sẽ góp phần tạo bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ sáng tạo. Hiện nhu cầu tài chính vi mô trong dân rất lớn, nhưng việc tiếp cận của người dân đối với nguồn vốn của quỹ còn hạn chế. Chúng tôi mong Chương trình tài chính vi mô sớm hoàn thiện khung pháp lý để các chương trình, dự án tài chính vi mô có chính sách phát triển, mang tính chiến lược, phù hợp với điều kiện hiện nay”.

Nguồn: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Thạch Thảo

baodongkhoi.vn