Bến Tre: Thí điểm mô hình trồng cây sâm bố chính

04:10 | 03/05/2023

|
Gần 2 năm, ông Nguyễn Văn Biển (Sáu Biển), sinh năm 1964, ngụ Tổ nhân dân tự quản số 9, ấp Tân Thiện, xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc) chuyên tâm canh tác cây sâm bố chính đã gặt hái được thành công.
Bến Tre: Khánh thành tượng chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị TiếtBến Tre: Khánh thành tượng chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Tiết
Bến Tre: Giồng Trôm kỷ niệm 196 năm Ngày mất và an vị tôn tượng Long Vân Hầu Trương Tấn BửuBến Tre: Giồng Trôm kỷ niệm 196 năm Ngày mất và an vị tôn tượng Long Vân Hầu Trương Tấn Bửu

Ông Sáu Biển đang thu hoạch hoa và lá cây sâm bố chính.

Ông Sáu Biển đang thu hoạch hoa và lá cây sâm bố chính.

Nhận thấy cây sâm bố chính là giống mới, lạ và sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao nên ông Sáu Biển đã quyết định trồng. Tháng 11-2022, Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Cây và Đất (ấp Gò Ớt, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) kết nối xã Tân Thành Bình tổ chức hội nghị triển khai cây giống mới ở địa phương. Tháng 3-2023, ông Sáu Biển đi trải nghiệm thực tế về mô hình của Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Cây và Đất.

Giai đoạn 1, ông Sáu Biển trồng 500 cây sâm bố chính. Do mới mẻ cũng như chưa am hiểu kỹ thuật canh tác và kinh nghiệm nên cây chết hơn 90% (450 cây). Dù vậy ông không nản lòng mà quyết định trồng lại cây sâm bố chính trong giai đoạn 2 (gần 1 năm). Nhờ rút kinh nghiệm nên trong 500 cây ông Sáu Biển trồng ở giai đoạn 2 thì có hơn 400 cây (80%) duy trì sự sống và phát triển. Ông mua cây giống (giá 25 ngàn đồng/cây) cũng như học hỏi kỹ thuật canh tác từ Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Cây và Đất. Công ty cung cấp hạt và cây giống, bao tiêu sản phẩm cho người trồng thu hoạch.

Sau khi nhận cây giống, người trồng thuần dưỡng dưới bóng râm (khoảng 3 - 10 ngày) kết hợp phun thuốc ngừa đốm vằn, thúi thân và cổ rễ. Khi hoàn thành công việc làm giá thể và tạo liếp sẽ tiến hành trồng cây cùng quá trình theo dõi và chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển. Người trồng kết hợp đất, phân hữu cơ ủ vi sinh vật, mụn dừa và tro, trấu để tạo ra giá thể sạch. Theo ông Sáu Biển, sau 3 tháng trồng, cây sâm bố chính sẽ đâm chồi, nảy hoa. Người trồng có thể thu hoạch bằng việc cắt cành, tỉa lá và hoa mang đi phơi khô. Khi cây ra hoa, phải thu hoạch trong ngày vì sang hôm sau thì hoa sẽ tàn.

“Sâm bố chính là cây trồng phù hợp với tất cả mọi người. Tôi sẽ làm đầu mối cung cấp giống (hạt và cây trồng), liên kết công ty bao tiêu sản phẩm, sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm cho những ai có đam mê và tâm huyết trồng cây sâm bố chính”, ông Sáu Biển bộc bạch.

Đều dặn mỗi ngày, khoảng 15 giờ, ông Sáu Biển thu hoạch hoa, lá rồi mang đi phơi khô đủ 2 nắng. Trung bình, ông thu nhận khoảng 100gram hoa, lá cây sâm bố chính đã phơi khô trong một ngày, ước tính thu nhập từ 50 - 70 ngàn đồng/ngày. Số lượng còn ít nên chủ yếu ông bán lẻ cho người dân ở địa phương, giá 500 ngàn đồng/kg thân, hoa và lá đã phơi khô.

Từ 9 tháng trở lên, người trồng có thể thu hoạch củ hay rễ cây sâm bố chính. Giá thành củ, rễ phụ thuộc vào chất lượng và hình thể cùng thời gian sinh trưởng của cây: 200 ngàn đồng/kg (lúc 9 tháng); 500 ngàn đồng/kg khi cây từ 12 - 15 tháng tuổi, rễ hay củ không có hình thể đặc sắc mà suôn như củ cải trắng; từ 15 - 24 tháng, củ hay rễ sẽ có hình dạng đặc biệt, giá từ 5 - 30 triệu đồng/củ, trọng lượng từ 0,5 - 0,8kg/củ.

Cây sâm bố chính phát triển được 2 năm, người trồng có thể thu hoạch hạt và Công ty TNHH MTV Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Cây và Đất sẽ bao tiêu sản phẩm với giá 20 triệu đồng/kg.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Bình Huỳnh Văn Trương cho biết: Sâm bố chính là cây mới được trồng thí điểm ở địa phương. Ở đây, có 8 hộ dân trồng với khoảng 10 - 50 cây/hộ. Anh Nguyễn Văn Biển là nông dân trồng cây sâm bố chính, với số lượng nhiều để tạo thu nhập cho gia đình. Mô hình này bước đầu đạt hiệu quả. Cây trồng sinh trưởng và phát triển rất tốt, tạo giá trị kinh tế khá cao từ việc thu hoạch sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài địa phương. Hướng tới, hội sẽ nhân rộng số lượng trồng, xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Các sản phẩm từ cây sâm bố chính (hoa, lá và thân) phơi khô làm trà uống giúp hạ nhiệt, giảm mỡ máu hay gan nhiễm mỡ, huyết áp. Củ hay rễ cây sâm bố chính dùng để ngâm rượu, sản xuất bánh; chế biến bột dinh dưỡng, bột làm đẹp da từ hoa.

Nguồn: Thí điểm mô hình trồng cây sâm bố chính

Lê Đệ

baodongkhoi.vn