Bến Tre: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thạch dừa

09:10 | 01/05/2024

|
Tỉnh nổi tiếng với cây dừa và các sản phẩm chế biến từ trái dừa. Một số sản phẩm từ trái dừa được ưa chuộng như: kẹo dừa, cơm dừa sấy, nước cốt dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa, thạch dừa... Chỉ riêng ngành sản xuất thạch dừa đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.
Bến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thăm công nhân cầu Rạch Miễu 2Bến Tre: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam thăm công nhân cầu Rạch Miễu 2
Bến Tre: Phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhậpBến Tre: Phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập
Bến Tre: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thạch dừa
Sản phẩm Thạch dừa Minh Tâm tại tỉnh đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Sản lượng nước dừa khá lớn

Nước dừa là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thạch dừa. Sản lượng nước dừa hàng năm rất lớn do nước dừa là phụ phẩm của ngành cơm dừa sấy, nước cốt dừa. Ngành sản xuất thạch dừa đã tận dụng nguồn phụ phẩm này để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.

Nhiều doanh nghiệp có tâm huyết đã đầu tư công sức, tiền của, thời gian để nghiên cứu, thực nghiệm và cho ra những sản phẩm thạch tinh chất, với chủng loại đa dạng, phong phú. Tính đến cuối tháng 3-2024, toàn tỉnh có khoảng 259 cơ sở sản xuất thạch dừa tập trung chủ yếu tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Trong đó, đa số các cơ sở sản xuất thạch dừa thô (sản phẩm này chưa ăn được) quy mô hộ gia đình. Khoảng 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thạch dừa thành phẩm (ăn liền). Sản lượng thạch dừa thô hàng năm của tỉnh ước đạt hơn 100 ngàn tấn.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thạch dừa thô dùng làm thực phẩm ở tỉnh do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chịu trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP). Đối với sản phẩm thạch dừa thành phẩm do Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý về ATTP. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thạch dừa từng bước được mở rộng, kể cả thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (trước đây chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc). Để thâm nhập được vào các thị trường này, các cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn chất lượng và ATTP.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa nói chung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thạch dừa thô chưa quan tâm đầy đủ việc bảo đảm ATTP, tạo hình ảnh không tốt cho cả ngành thạch dừa và gây hoài nghi cho người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, việc ban hành một quy định cụ thể về ATTP cho sản phẩm thạch dừa và yêu cầu, hướng dẫn các cơ sở này tuân thủ, nhằm đảm bảo ATTP cho sản phẩm là một yêu cầu cấp thiết.

Xây dựng quy chuẩn

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP”, nhằm đảm bảo ATTP và nâng cao chất lượng, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm thạch dừa tỉnh.

Căn cứ các quy định hiện hành, ngày 29-3-2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng QCKTĐP “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP”. Mục đích là góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống QCKTĐP về ATTP trên địa bàn tỉnh; tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về ATTP. Từ đó, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm thạch dừa tỉnh; góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Quá trình xây dựng và ban hành QCKTĐP “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP” gồm 9 bước, được thực hiện từ quý III-2022 và dự kiến ban hành QCKTĐP vào quý III-2024. Đáng chú ý là bước “Khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh; lấy mẫu phân tích chất lượng và ATTP sản phẩm thạch dừa”. Từ các mẫu lấy làm xét nghiệm, gồm: thạch dừa thô 64 mẫu, thạch dừa thành phẩm 4 mẫu và phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến 24 mẫu, cơ quan chức năng tiến hành đánh giá chỉ tiêu kiểm nghiệm. Thực hiện phân tích mẫu thạch dừa thô theo các chỉ tiêu: kim loại nặng, vi sinh vật, độc tố nấm. Thực hiện phân tích mẫu thạch dừa thành phẩm theo các chỉ tiêu: kim loại nặng; vi sinh vật (8 chỉ tiêu); dư lượng phụ gia. Thực hiện phân tích mẫu phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến theo các chỉ tiêu: Kim loại nặng: Pb, Cd, As (QCVN 8-2:2011/BYT). Đồng thời, xem xét công tác nội kiểm, ngoại kiểm và quy trình sản xuất thạch dừa để xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thạch dừa của cơ sở.

Được biết, bên cạnh việc lấy ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật đối với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Y tế, UBND các huyện và TP. Bến Tre, các cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm thạch dừa trên địa bàn tỉnh; tỉnh dự kiến một số cơ quan quản lý có liên quan bắt buộc phải lấy ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm đầu mối theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị và các địa phương xây dựng QCKTĐP theo đúng nội dung kế hoạch đã đề ra. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch xây dựng QCKTĐP “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về an toàn thực phẩm” là 1,08 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2023 - 2024.

Nguồn: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thạch dừa

Phương Khê

baodongkhoi.vn