Cà Mau: Ân tình với đất
Cà Mau: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải thăm và chúc Tết nguyên Bí thư Tỉnh ủy |
Cà Mau: Nghề mới ở vùng ngọt |
Ông Hai Nhã tham gia cách mạng khi 14 tuổi (năm 1961), theo ý của cha mình. Về căn cứ của tỉnh Rạch Giá vùng U Minh Thượng, ông được giao nhiệm vụ giao liên, rồi về nhà in, sau đó đi học Trường Lý Tự Trọng của Khu, hoàn thành chương trình văn hoá bậc trung học. Trường Lý Tự Trọng khi đó đóng ở vùng Rạch Gốc - Tân Ân. Ông Hai Nhã kể: “Lớp học đó, tôi học chung với anh Út Rô (Lê Hữu Nghiêm, nguyên Phó ban Thông tấn báo chí tỉnh Cà Mau, nguyên Phó tổng biên tập báo Minh Hải). Những ký ức về vùng đất Cà Mau biển rừng mênh mông tôi lưu giữ mãi”.
|
Nhà báo Trương Thanh Nhã, nguyên Tổng biên tập báo Kiên Giang (bìa phải), gửi tặng lại những tờ báo Cà Mau Giải Phóng được xuất bản cách đây gần 50 năm mà ông còn lưu giữ cho lãnh đạo Hội Nhà báo và Ban Biên tập báo Cà Mau, nhân dịp Họp mặt nguyên Tổng Biên tập các báo ÐBSCL năm 2022. Ảnh: MINH TẤN |
Nhiều lắm những ân tình
Rời Cà Mau, ông Hai Nhã được điều về Tiểu ban Thông tấn báo chí Rạch Giá, phụ trách chép tin đọc chậm cho tờ báo Chiến Thắng của tỉnh. Ông Hai Nhã trải lòng: “Chính thời gian này, tôi tích luỹ được nhiều vốn sống, kỹ thuật viết báo, bắt đầu say mê làm báo. Cũng từ đó, tôi nhận ra rằng, trong báo chí, việc làm tư liệu là vô cùng quan trọng”. Ðến năm 1967, ông Hai Nhã tiếp tục đi học lớp báo chí của Khu, cũng mở tại vùng rừng đước Cà Mau. Thời gian này, mối tình đầu của ông với nữ phóng viên báo Cà Mau là Hồng Nhiên nảy nở. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh éo le kháng chiến, lời hẹn ước dang dở. Sau giải phóng, tìm gặp lại Hồng Nhiên, ông Hai Nhã đã có gia đình, còn nữ phóng viên vẫn thui thủi một mình, lặng lẽ giấu nước mắt, cầu chúc cho ông mọi điều hạnh phúc.
Ngay trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, ông Hai Nhã đã rất ý thức việc trao đổi thông tin, tư liệu giữa các tờ báo địa phương. Sau thời gian tích luỹ, ông Hai Nhã đã có được một khạp da bò chất đầy các tờ báo của nhiều tỉnh, do sợ thất lạc, ông đem chôn và đánh dấu cẩn thận. Chỉ tiếc là sau giải phóng, tìm thấy địa điểm đánh dấu, nhưng đào lên thì không còn tư liệu quý nữa. Nói tới đây, ông Hai bần thần: “Phải cái khạp đó còn, thì hiện nay chắc sẽ hữu ích lắm, quý giá lắm”.
May mắn là với tính cách cẩn thận, ông Hai Nhã còn một thùng đạn cất giữ các tờ báo của Khu, của Quân khu, các tỉnh ém dưới sông, tìm lại được. Những tờ báo từ năm 1963-1964, đặc biệt là các ấn phẩm báo Xuân của khắp nơi được ông coi là gia tài lớn nhất trong đời làm báo của mình. Những tư liệu quý ấy, sau này, ông tìm và trao tặng lại nhiều địa phương, trở thành ký ức hào hùng, minh chứng cho vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Với Nhà báo Trương Thanh Nhã, công tác tư liệu là vấn đề quan trọng của nghề làm báo. |
Hầu hết những đồng nghiệp báo chí ở Cà Mau, ông Hai Nhã đều thương quen: Út Rô, Bảy Minh (Nhà báo Phạm Văn Tri), sau này là Nguyễn Bé, Phạm Phi Thường, Huỳnh Biên Cương, Lê Vũ Hoàng... Giai đoạn ông Hai Nhã làm Tổng biên tập báo Kiên Giang (1986-1992) đã để lại nhiều dấu ấn. Ông nói mà chúng tôi phải giật mình: “Khi làm tờ Kiên Giang Chủ nhật, có ngày phát hành 70.000-80.000 bản, người ta tranh nhau mua đọc. Tờ báo này hay là có tuyến bài đinh về các vụ án, trình bày và viết theo cách khoáng đạt, cởi mở”. Cũng trong giai đoạn này, báo Kiên Giang tổ chức được “trang viết học đường”, nhằm đa dạng đối tượng độc giả, thu hút cộng tác viên, phát hiện ra nhiều em có khả năng làm báo.
Bằng thâm tình, ông Hai Nhã cũng đã dang tay cưu mang một số phóng viên là con em quê hương Cà Mau. Ông kể lại nhiều kỷ niệm đẹp về tình cảm đồng nghiệp báo chí nhiệt thành giữa 2 địa phương: “Hồi đó, mỗi lần đi Cà Mau họp mặt hay công tác, lúc nào đoàn báo Kiên Giang cũng ở lại với anh em chủ nhà đến sau cùng. Chính những dịp như thế, 2 bên học hỏi nhau thêm về cách làm nghề, thắt chặt tình cảm anh em báo chí”.
Nặng lòng với nghề
Nhà báo Nguyễn Tấn Vạn, Tổng biên tập báo Kiên Giang, chia sẻ: “Chú Hai Nhã là tấm gương làm nghề cho nhiều thế hệ người làm báo ở Kiên Giang. Cả cuộc đời ông dành đam mê, tâm huyết và cống hiến không ngơi nghỉ cho nghề báo. Khi công tác cũng như lúc về hưu, lúc nào chú Hai Nhã cũng dõi theo, ủng hộ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu, bổ ích cho sự ổn định, phát triển của báo chí tỉnh nhà”.
Gia tài mà ông Hai Nhã trân quý nhất chính là những tờ báo nhuốm màu thời gian được lưu giữ cẩn thận, trang trọng. Ông bộc bạch rằng: “Ðể xuất bản một tờ báo là kết tinh công sức, trí tuệ của biết bao người. Nhất là trong kháng chiến, làm báo trong điều kiện khó khăn, hiểm nguy rình rập. Nhiều nhà báo đã trở thành anh hùng, liệt sĩ. Mỗi tờ báo tôi lưu giữ, nhắc nhớ mình về sự thiêng liêng cao quý của nghề nghiệp, về trách nhiệm lớn lao của người cầm bút hôm nay”.
Ông Hai Nhã dù về hưu vẫn miệt mài sáng tạo những tác phẩm báo chí, đều đặn xuất hiện trên các số báo của báo Kiên Giang. Sức viết của một ngòi bút bản lĩnh, kinh nghiệm ở tuổi 75 vẫn khiến độc giả và đồng nghiệp vô cùng ngưỡng phục. Với ông, viết là niềm vui, là nhu cầu tự thân, là cách để truyền lửa cho những anh em cầm bút tỉnh Kiên Giang.
Ông Hai Nhã còn rất quan tâm đến xu thế phát triển của báo chí hiện đại, nhất là sự trưởng thành, phát triển của báo chí các địa phương lân cận Kiên Giang: “Như Cà Mau, báo chí phát triển rất tốt, ấn tượng nhất là việc tổ chức được tờ báo điện tử, tích hợp các loại hình báo chí đa phương tiện. Báo chí cách mạng hiện đại cũng phải thích ứng, đáp ứng nhu cầu mới của độc giả. Các địa phương gần nhau như Kiên Giang và Cà Mau nên trao đổi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển”.
Trong câu chuyện, ngoài báo chí xưa - nay, ông Hai Nhã còn nhắc đến 2 niềm đam mê riêng của bản thân, đó là chụp ảnh sếu đầu đỏ và giáo dục. Ông là tác giả của sách ảnh chuyên đề “Theo cánh hạc bay”, một công trình độc, lạ, đầy sức nặng giá trị mà mất hơn 14 năm trời mới hoàn thành. Riêng hệ thống Trường Tư thục Hạnh Phước của gia đình ông Hai Nhã là một trong những ngôi trường tư thục đầu tiên ở Kiên Giang, thành lập cách đây 28 năm.
Gởi về Cà Mau thật nhiều mến thương, ông Hai Nhã không quên căn dặn chúng tôi chuyển lời thăm hỏi đến khắp lượt anh em. Không quên dành cho báo chí Cà Mau những lời ngợi khen, ông Hai Nhã cũng tin rằng, báo chí Kiên Giang đang trên đà đổi mới đúng hướng. Với ông, tình yêu dành cho báo chí không lúc nào ngơi nghỉ: “Làm gì làm, phải giữ được cái chất riêng của mình, phải có bản sắc thì mới có được những đỉnh cao trong báo chí”. Ðó cũng là cách mà ông đã sống tận tuỵ, tận hiến với đời sống này./.
Phạm Quốc Rin
www.baocamau.com.vn
- PV Power và Vingroup hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
- Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
- Hà Giang: Ngôi đền thiêng trên núi Suối Thầu
- Petrovietnam và Petronas tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
- Khánh Hòa: Khánh Sơn thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn
- Dấu ấn của những người thầy “quân hàm xanh”
-
Eximbank: Không có việc NHNN đang thanh tra các hoạt động cấp tín dụng tại ngân hàng
-
Techcombank kinh doanh ra sao trong 9 tháng đầu năm 2024?
-
Vietinbank dẫn đầu ngành ngân hàng về tổng thu nhập hoạt động 9 tháng đầu năm 2024
-
Giá hoa tươi dự kiến tăng cao dịp 20/11
-
Khởi nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cùng với TT-GREEN
-
CLB Viettel đại thắng 5 sao, vươn lên top 3 V-League 2024/25
-
Ngân hàng SHB - Top 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024
-
Đội tuyển Nga tiếp tục vắng mặt ở vòng loại World Cup 2026
-
"Thư từ Roma": Bài 2 - Đi học tuổi 50