Cà Mau: Cải cách toàn diện để đột phá

11:20 | 28/07/2023

|
Xét về thứ hạng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Cà Mau đứng thứ 8/13 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2016-2020, Cà Mau tụt hạng xuống vị trí cuối bảng, kéo theo cả giai đoạn 2011-2020 đứng 13/13 tỉnh, thành trong vùng. Ðiều này cho thấy, tăng trưởng của tỉnh đã thật sự tụt hậu so với cả vùng trong thời gian dài, cần có định hướng chiến lược, mang tính đột phá để bật dậy.
Cà Mau: Những bông hoa trên nghị trườngCà Mau: Những bông hoa trên nghị trường
Cà Mau: Những nông dân đột phá làm giàuCà Mau: Những nông dân đột phá làm giàu

Dưới góc nhìn đặc thù, Cà Mau là một tỉnh có xuất phát điểm thấp. Cơ cấu ngành nông - lâm - thuỷ sản chiếm tỷ trọng cao thì tiến trình chuyển dịch cơ cấu thông thường sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, tuy nhiên, trong thực tế, tốc độ chuyển dịch cơ cấu của tỉnh khá thấp. Nguyên nhân là tỉnh chưa khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản, thực phẩm, năng lượng tái tạo.

Cụ thể, dù trong giai đoạn 2011-2020, cơ cấu kinh tế của tỉnh Cà Mau có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực dịch vụ và giảm dần tỷ trọng của khu vực ngư - nông - lâm nghiệp trong GRDP nhưng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chuyển dịch không đáng kể, chiếm 33,4% năm 2020, giảm 1% so với năm 2010 (vùng ÐBSCL giảm 10,4% và cả nước giảm 3,5%). Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 40,7% năm 2010 còn 30,8% năm 2020, giảm 9,9% (vùng tăng 6%; cả nước tăng 1,6%). Tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 23,2% năm 2010 lên 31,8% năm 2020, tăng 8,6% (vùng tăng 3,5%; cả nước tăng 4,7%).

Nhận diện khó khăn, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc với quyết tâm đột phá để phát triển, Cà Mau tiến hành cải cách toàn diện. Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khoá X quyết nghị thông qua, đã bao trùm, hướng tầm nhìn chiến lược tăng trưởng cao theo xu thế toàn vùng ÐBSCL và cả nước.

Cà Mau: Cải cách toàn diện để đột phá
Hạ tầng giao thông được xem là đòn bẩy để Cà Mau bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Hiện trên địa bàn đang triển khai hàng loạt công trình giao thông trọng điểm mang tính liên kết. (Trong ảnh: Công trình xây dựng cầu trên tuyến nâng cấp, mở rộng và xây mới tuyến đường Ðầm Dơi - TP Cà Mau).

Theo đó, mục tiêu đến năm 2023 tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để Cà Mau phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Xây dựng Cà Mau trở thành địa phương mạnh về biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thuỷ sản, du lịch, năng lượng tái tạo, hàng hải; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để thu hút các nguồn lực hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Một số cột mốc quan trọng quyết tâm đạt được, như tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020; cơ cấu kinh tế với khu vực ngư - nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 23%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%, dịch vụ chiếm khoảng 37%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng/năm.

Với tầm nhìn đến 2050, Cà Mau sẽ là tỉnh phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế Cà Mau phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, có năng suất lao động cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp mang bản sắc của con người Cà Mau nghĩa tình, thân thiện, mến khách. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng thông minh, sinh thái; không gian nông thôn hiện đại, văn minh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nhận diện khó khăn từ đặc thù địa phương, phát triển hạ tầng kinh tế, trước tiên là hạ tầng giao thông được Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, địa phương tập trung cho phát triển bền vững kinh tế biển gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn. Ðầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển, cảng biển, cảng hàng không), hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, hạ tầng hệ thống thuỷ lợi, đê điều, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ðiểm nhấn quan trọng của quy hoạch tổng thể, mang tầm nhìn chiến lược, lần này là xoáy sâu vào các trục kinh tế phát triển. Ðó là hình thành và phát triển 2 hành lang kinh tế, theo hướng Bắc - Nam (TP Cà Mau - Cái Nước - Năm Căn - Ðất Mũi) và hướng Ðông - Tây (Tân Thuận - Sông Ðốc). Theo đó, dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường bộ trục ngang, đường ven biển, kết nối cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và gắn với các đô thị, các trục liên kết phát triển và các cực tăng trưởng, đồng thời kết nối với hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (Hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau) nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau và cả vùng ÐBSCL.

Cà Mau: Cải cách toàn diện để đột phá
Với lợi thế đô thị ven biển, thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) được định hướng là trung tâm cực tăng trưởng ven biển Tây.

Cùng với đó là hình thành 3 vùng kinh tế và 5 cực tăng trưởng, gồm: Vùng phát triển dịch vụ - đô thị - công nghiệp trung tâm (với cực tăng trưởng là TP Cà Mau); Vùng phát triển đô thị - công nghiệp - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Tây (với cực tăng trưởng là đô thị Sông Ðốc) và Vùng phát triển công nghiệp - đô thị - kinh tế ngư, nông, lâm nghiệp ven biển Ðông (với các cực tăng trưởng là đô thị Năm Căn - Khu Kinh tế Năm Căn, đô thị Tân Thuận và đô thị Ðất Mũi - Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai).

Trên cơ sở “Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được kỳ họp thứ 10, HÐND tỉnh khoá X thông qua, với định hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh, nổi trội và riêng biệt, sẽ là điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau nhanh, bền vững và toàn diện./.

Nguồn: Cải cách toàn diện để đột phá

Trần Nguyên

baocamau.com.vn