Cà Mau: Cần nguồn vốn để phục hồi, phát triển kinh tế

09:54 | 17/11/2022

|
Sau khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) bình thường, nền kinh tế tỉnh nhà được phục hồi và phát triển. Do đó, nhu cầu vay vốn cho hoạt động SXKD của DN, người dân rất lớn, đặc biệt là nhu cầu vốn để thu mua nguyên liệu chế biến của các DN xuất khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, do các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trong tỉnh đã giải ngân tối đa hạn mức cho vay, nên việc tiếp cận nguồn vốn của các DN gặp nhiều khó khăn.
Cà Mau: Nhanh chóng thi công trở lại cầu Cái Đôi VàmCà Mau: Nhanh chóng thi công trở lại cầu Cái Đôi Vàm
Cà Mau: Nguy cơ vỡ kế hoạch vụ đông xuânCà Mau: Nguy cơ vỡ kế hoạch vụ đông xuân

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/10 đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 12,65%. Riêng tổng dư nợ cho vay đối với các DN thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu có mức dư nợ từ 100 tỷ đồng trở lên đến nay là 6.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,55% trong tổng dư nợ.

Ông Võ Kiên Giang, Phó giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau, cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5 chi nhánh NHTM cổ phần Nhà nước. Qua làm việc với các chi nhánh này cho thấy, các chi nhánh đã tích cực tranh thủ nguồn vốn huy động tại địa phương, nhận điều hoà từ hội sở chính để cho vay tại địa phương. Chú trọng cho vay khu vực SXKD, đặc biệt là cho vay đối với các DN thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu thuỷ sản. Tuy nhiên, do trần hạn mức tín dụng bị giới hạn nên ở một số thời điểm các NHTM không cung ứng đủ 100% nhu cầu rút vốn vay của DN mà phải thu xếp vốn và giải ngân đủ ở các ngày kế tiếp nên cũng tạo sự bức xúc từ các DN.

Tại Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Cà Mau, hiện dư nợ cho vay đối với 3 DN thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu thuỷ sản, có mức dư nợ từ 100 tỷ đồng trở lên, là 531 tỷ đồng, chiếm 13,10%/ tổng dư nợ cho vay tại chi nhánh.

Cà Mau: Cần nguồn vốn để phục hồi, phát triển kinh tế
BIDV Cà Mau phải thực hiện cho vay giảm dần dư nợ của khách hàng nhằm giới hạn tín dụng cuối kỳ do hội sở chính giao.

Tuy nhiên, việc cho vay của BIDV Cà Mau cũng đang gặp khó khăn. Ông Trần Thanh Quỳnh, Giám đốc BIDV Chi nhánh Cà Mau, cho biết, hiện nay chi nhánh đã cho vay vượt mức trên 560 tỷ đồng so với kế hoạch hội sở chính giao. Hiện tại, phần lớn khách hàng DN và cá nhân tại BIDV Cà Mau đang có nhu cầu vay thêm vốn để khôi phục hoạt động SXKD sau đại dịch Covid-19 nhưng chi nhánh không thể giải ngân, vì theo chỉ tiêu đơn vị đã giải ngân tối đa hạn mức cho vay. Ngược lại, BIDV Cà Mau phải thực hiện cho vay giảm dần dư nợ của khách hàng (cho vay tối đa bằng 85% doanh số thu nợ) nhằm giới hạn tín dụng cuối kỳ do hội sở chính giao.

Ông Võ Kiên Giang thông tin, từ nay đến cuối năm là thời gian cao điểm các DN cần nguồn vốn để kịp thời gia tăng SXKD phục vụ nhu cầu người dân và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu thuỷ sản. Dự báo hạn mức tín dụng cần tăng thêm để cho DN địa phương vay đến cuối năm khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, các NHTM trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hết hoặc gần hết giới hạn cấp tín dụng nên việc đáp ứng nhu cầu vay vốn hàng ngày cho các DN rất cân nhắc và hạn chế. Một số công ty thuỷ sản tại địa phương có uy tín và quy mô SXKD lớn đang chịu áp lực rất lớn về tài chính khi các NHTM không đủ hạn mức tín dụng để giải ngân 100% nhu cầu rút vốn vay của DN để thu mua nguyên liệu cho người dân, kịp thời SXKD đáp ứng các đơn hàng và duy trì việc làm cho người lao động những tháng cuối năm.

Cà Mau: Cần nguồn vốn để phục hồi, phát triển kinh tế
Các công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do phải vừa tập trung trả tất cả các khoản nợ đã được cơ cấu lại, được giãn trong thời kỳ dịch bệnh đến hạn trả nợ và nợ kỳ hạn hiện tại phải trả.

Việc thu mua chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản gắn chặt với thu nhập, đời sống của người dân, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau đã tham mưu UBND tỉnh xem xét, kiến nghị đến Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế tín dụng riêng đối với các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản, thuỷ sản.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau cũng đề xuất UBND tỉnh xem xét, có ý kiến yêu cầu BIDV cho phép BIDV Cà Mau và BIDV Ðất Mũi được giữ nguyên hạn mức tín dụng hiện tại. Vì nếu dư nợ cho vay của 2 đơn vị này bị cắt giảm sẽ gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh, làm căng thẳng nhu cầu vốn và ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau năm 2022.

Song song với khó khăn do giới hạn về hạn mức tín dụng thì việc triển khai thực hiện quy định Thông tư số 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 01/2020 (quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) các DN trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn khi vừa mới hoạt động ổn định trở lại, không đủ khả năng trả nợ ngân hàng khi đến hạn. Lý do phải vừa tập trung trả tất cả các khoản nợ đã được cơ cấu lại, được giãn trong thời kỳ dịch bệnh đến hạn trả nợ và nợ kỳ hạn hiện tại phải trả. Thực tế này làm nguy cơ chuyển thành nợ xấu rất cao, từ đó DN sẽ rất khó khăn, không đảm bảo điều kiện để tiếp tục hoạt động SXKD, đặc biệt là khó được tiếp cận nguồn vốn để thu mua nguyên liệu chế biến. Hiện có hơn 60 DN địa phương đề nghị tiếp tục cơ cấu lại, giãn, khoanh nợ, với số tiền 1.280 tỷ đồng (trong đó, lĩnh vực thuỷ sản khoảng 450 tỷ đồng; giao thông vận tải khoảng 400 tỷ đồng; lĩnh vực khác 430 tỷ đồng).

Từ tình hình khó khăn trên, để hỗ trợ cho DN trong SXKD, chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, bổ sung hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho các DN trong những tháng cuối năm. Ðồng thời, xem xét, tiếp tục thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, phân kỳ thời gian trả nợ đối với các khoản nợ đã cơ cấu lại trong thời gian dịch bệnh./.

Nguồn: Cần nguồn vốn để phục hồi, phát triển kinh tế

Phúc Duy

baocamau.com.vn