Cà Mau: Chuyện “kinh tế mới” ngày ấy, bây giờ

04:05 | 26/03/2023

|
Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời từng là vùng đất được cấp thời “kinh tế mới”. Lúc ấy, người nhận ai cũng ngao ngán vì toàn rừng, lau sậy, đến mùa mưa thì nước ngập đến gần nửa thân người nên trồng lúa chẳng mấy khi đủ ăn. Người dân lại đa số là bà con ở miền Bắc vào làm kinh tế mới (từ tỉnh kết nghĩa Hà Nam Ninh khi xưa) nên họ cũng không rành thổ nhưỡng, đặc điểm canh tác của xứ này. Thế là nhiều người lần lượt bỏ đi, nhượng lại thành quả cho người kế tiếp đến nhận đất. Cứ thế lặp lại, chẳng mấy ai nghĩ nơi đây lại trở thành điểm sáng về kinh tế đa canh.
Cà Mau: Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm nơi bảo tồn động vật hoang dãCà Mau: Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm nơi bảo tồn động vật hoang dã
Cà Mau: Chủ tịch tỉnh trực tiếp theo dõi, tháo gỡ khó khăn dự án cao tốcCà Mau: Chủ tịch tỉnh trực tiếp theo dõi, tháo gỡ khó khăn dự án cao tốc

Hiện tại ở Ấp 5 (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) có thể trồng được lúa 2 vụ, đưa màu xuống ruộng. Ðất được người nông dân canh tác quanh năm. Nhà tường mọc lên ngày càng nhiều, lộ nông thôn thông thoáng, rộng rãi, đáp ứng nhu cầu xe tải nhỏ có thể vào thu mua nông sản cho bà con tận nơi. Gần 20 năm trở lại đây, tốc độ phát triển của Ấp 5 đã làm kinh ngạc không chỉ người xứ khác, chính những lão nông bám trụ lại đây khi nhớ lại chuyện xưa cũng không thể tưởng tượng ra được.

Ngồi trong căn nhà khang trang, rót ly trà mời khách, ông Trịnh Minh Lễ hồi nhớ: “Ngay chỗ mấy chú ngồi trước đây toàn là lau sậy, cất được căn nhà kiên cố bằng cây lá còn là một ước ao, chứ chẳng ai dám mơ đến cất nhà tường khang trang như hôm nay. Vùng làm lúa không trúng, lại còn đóng một phần sản phẩm cho nông trường nên dù làm quần quật quanh năm nhưng cuối vụ chẳng còn được bao nhiêu”.

Vì nhiệm vụ đóng một phần sản lượng mà nhiều người không dám nhận nhiều, bởi nhận nhiều thì cải tạo, khai hoang không nổi. Ông Lễ cười: “Khi ấy mình muốn nhận đất bao nhiêu thì Nhà nước cũng cấp, nhưng có ai dám liều, lấy đâu ra nhân lực để cải tạo, mà có cải tạo được đi nữa thì trồng trọt năng suất có được nhiêu đâu”. Ðến nước ngọt, nước sạch sinh hoạt cũng đã hiếm, ngày ấy chỉ có một vài hộ đủ khả năng khoan được cây nước, cả xóm dùng xuồng mang thùng, lu, khạp đến chở rồi đến cuối năm mang vài giạ lúa đến trả thay tiền”.

Sau này, Nhà nước nỗ lực đầu tư, đào kênh, làm đường, ngăn mặn… nơi đây mới bắt đầu chuyển mình. Ông Quách Thanh Hải, Trưởng Ấp 5, chia sẻ: “Nói đúng ra, từ khi bắt đầu làm được 2 vụ lúa thì đời sống bà con khá dần lên. Từ khoảng năm 1998 thì khởi sắc dần, đến năm 2000 thì mô hình đưa màu xuống ruộng bắt đầu hình thành. Cho đến nay, Ấp 5 tự hào được người trong và ngoài tỉnh biết tới là khu vực trồng màu lớn và hiệu quả nhất của huyện Trần Văn Thời”.

Lộ nông thôn được đầu tư, đảm bảo cho bà con thuận lợi vận chuyển nông sản.

Ðể trồng được 2 vụ lúa đã là thành công của một quá trình dài, đầy vất vả của người nông dân, thế nhưng từ khi bắt đầu có mô hình đưa màu xuống ruộng thì Ấp 5 mới thực sự chuyển mình.

Ông Hải nhớ lại: “Mô hình trồng màu thực ra hình thành đầu tiên ở Ấp 1 và Ấp 2. Bà con ở đây thấy hiệu quả nên qua học hỏi kinh nghiệm và về áp dụng. Không ngờ Ấp 5 lại phù hợp hơn những nơi khác khi nông dân đưa màu xuống ruộng, từ đó vụ rẫy bắt đầu phát triển. Trải qua nhiều năm vừa học, vừa rút kinh nghiệm thì có thể nói nông dân Ấp 5 giờ đây thực sự thành công với mô hình này”.

“Ở đây giờ làm lúa, trồng màu đều trúng. Lúa một công tầm lớn đạt năng suất trên 1 tấn là bình thường. Qua vụ lúa thì đến vụ màu, mà thực ra người dân trồng màu quanh năm, họ thả giàn để trồng, chỉ đưa màu xuống ruộng khi xong vụ lúa. Chịu khó làm lụng thì quanh năm đều có thu nhập, không còn cảnh nông nhàn như trước kia”, ông Lễ phấn khởi.

Tự hào về sự khởi sắc của quê hương, ông Hải vui mừng: “Giờ đây các con kênh được đào, khơi thông, lộ nông thôn được đầu tư đảm bảo vận chuyển nông sản cho bà con, giúp nâng cao giá trị nông sản. Bà con không chỉ cất được nhà kiên cố, khang trang, trong ấp nhiều người đã sắm xe ô tô 4 chỗ, 7 chỗ, mà họ sắm để phục vụ việc đi lại của mình chứ không phải làm dịch vụ, chạy thuê đâu”.

Ông Trần Văn Khẩn được xem là người đi đầu trong cơ giới hoá sản xuất, người đầu tiên trong xã có được máy gặt đập liên hợp. Ðến mùa rẫy, việc vận chuyển nông sản sau thu hoạch từ ruộng đều được ông sử dụng cơ giới. Có hơn 9,6 ha đất áp dụng mô hình xen canh càng giúp kinh tế gia đình phát triển hơn. Ông Khẩn cho biết: “Năm nay giá vật tư, phân bón tăng hơn trước, nhưng mỗi vụ rẫy bà con thu về lợi nhuận trên trăm triệu là bình thường. Ðược cái nông dân trồng màu cũng đã liên kết tìm được đầu ra ngay từ thời điểm bắt đầu xuống giống nên tránh được tình trạng ép giá”.

Khâu vận chuyển nông sản sau thu hoạch từ ruộng được người dân sử dụng cơ giới.

Riêng về vụ rẫy năm nay, ông Khẩn cười: “Giá bí rợ đầu vụ có thấp nhưng cũng từ 7 ngàn đồng/kg trở lên, thời điểm này đã được giá 9 ngàn đồng. Năng suất lại cao, tuỳ theo diện tích trồng thì mỗi hộ cũng đạt từ vài chục tấn đến cả trăm tấn”. Ông Hải nói thêm: “Rẫy mùa này có nhiều thứ để nông dân bán được lắm. Từ đọt bí, bông bí, thậm chí trái bí non bị cắt bỏ để dưỡng trái khác cũng bán được. Dưới ruộng thì rau cóc mọc đầy. Giá bán tại chỗ của mấy thứ mà trước đây người ta bỏ đi đó cũng không rẻ, từ mười mấy đến hai chục ngàn đồng một ký chứ ít gì. Nông dân nhờ khoản này có thể bù lại tiền thuê nhân công, phần nào tiền đầu tư phân bón…”.

Cảm nhận sự thay da đổi thịt nhanh chóng của quê hương, ông Khẩn tự hào: “Chỉ có hơn mười mấy năm, từ khi trồng màu xen lúa, mà đời sống người dân nơi đây phát triển rất nhanh. Một nơi mà trước đây, lúc đầu được cấp đất người ta chê không chịu nhận thì giờ đây sắc màu của nông thôn mới đã đến với xóm làng. Cũng nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự cần cù của bà con nông dân mà Ấp 5 đã nổi danh về sức sống mới, được nhiều người biết đến. Ai cũng thấy phấn khởi khi được sinh sống, làm ăn, phát triển kinh tế tại vùng đất này”./.

Nguồn: Chuyện “kinh tế mới” ngày ấy, bây giờ

Ðặng Duẩn - Lê Tuấn

baocamau.com.vn