Cà Mau: Gia đình 3 thế hệ gìn giữ và bảo tồn nghề di sản

16:15 | 23/04/2023

|
Nghề gác kèo ong mật ở rừng U Minh Hạ được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2019. Và sản phẩm mật ong rừng U Minh Hạ cũng được Hội kỷ lục Việt Nam thuộc Liên minh kỷ lục thế giới xếp vào top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2021.
Cà Mau: Bông hoa việc thiệnCà Mau: Bông hoa việc thiện
Cà Mau: Bốn đồ án quy hoạch đô thị thị trấn Năm CănCà Mau: Bốn đồ án quy hoạch đô thị thị trấn Năm Căn

Gia đình 3 thế hệ (từ trái sang phải): Ông Trần Út Nhì, con Trần Văn Chơn và cháu nội Trần Tuấn Anh trong một buổi đi “ăn ong”.

Nghề gác kèo ong mật hình thành, tồn tại và phát triển lâu đời, trở thành nguồn sống chủ yếu của một bộ phận người dân U Minh Hạ. Hiện nay, nơi đây có hàng trăm người đang sống bằng nghề này (gọi là đi “ăn ong”), nhưng có thể nói ông Trần Út Nhì, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh là gia đình hiếm hoi được truyền nghề qua nhiều thế hệ. Hiện tại cả 3 thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà, cùng gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề di sản này.

Rừng tràm U Minh Hạ có diện tích khoảng 30.000 ha và có sản lượng mật ong khá lớn, nuôi nấng nhiều thế hệ con người sống dưới tán rừng.

Ông Trần Út Nhì năm nay 64 tuổi, đã gác kèo ong từ năm 17 tuổi và đến nay đã có thâm niên 47 năm hành nghề. Con trai ông là anh Trần Văn Chơn, 43 tuổi, cũng đã thành thạo nghề từ năm 16 tuổi và cháu nội là Trần Tuấn Anh, 12 tuổi cũng theo ông vào rừng “ăn ong” những lúc ngoài giờ học và mong muốn của cháu là sẽ nối nghiệp ông, cha.

Hoa tràm là nguồn nguyên liệu chính để ong làm mật. Mật ong hoa tràm được xem là thứ mật tốt nhất so với các loại mật ong từ các loại hoa khác.

Ông Út Nhì cùng với 40 hộ gia đình ở địa phương thành lập tập đoàn phong ngạn từ trước năm 1975 (đề ra các luật lệ trong quá trình khai thác mật ong). Đây là 1 trong 47 tập đoàn phong ngạn duy nhất còn tồn tại ở rừng U Minh Hạ đến nay.

Mỗi năm vào mùng 3 Tết hoặc mùng 5/5 (âm lịch), gia đình ông Trần Út Nhì tổ chức lễ cúng để cầu mưa thuận gió hòa, tri ân thần rừng và các bậc tiền nhân đã ban tặng mật ong - món quà quý để người dân sống nghề rừng ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tập đoàn hiện nay được nâng lên Hợp tác xã để có tính pháp lý cao hơn trong các giao dịch. Hợp tác xã tiếp tục thừa hưởng 540 ha đất rừng sản xuất từ Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ để trồng, bảo vệ và khai thác gỗ (theo tỷ lệ ăn chia với công ty). Đồng thời, khai thác nguồn tài nguyên dưới tán rừng - trong đó ong mật là nguồn thu đáng kể nhất.

Chọn điểm gác kèo để ong đến làm tổ là cả một nghệ thuật và bí quyết riêng của mỗi gia đình dòng họ, trong đó ít nhất phải đạt 3 yếu tố: Nơi êm gió, có ánh sáng mặt trời chiếu vào và phải có độ dốc 450. Mỗi lần đi gác kèo, ông thường dẫn cháu nội theo để truyền nghề.

Chọn xơ dừa (vỏ quả dừa khô) để bó đuốc, tạo khói xua đuổi đàn ong (nhưng không để đàn ong bị chết) trước khi lấy mật.

Trong phạm vi 13,5 ha đất rừng do gia đình cai quản, ông Út Nhì gác 250 kèo ong, mỗi năm thu hoạch ăn chắc 600 lít mật (tương đương 300 triệu đồng), kết hợp với các nguồn thu khác, tổng cộng trên 500 triệu đồng/năm, nên có thể nói cuộc sống gia đình ông rất ổn định.

Sau 10 đến 20 ngày thì ong làm tổ trên những thân kèo vừa gác và sau 45 ngày thì có thể thu hoạch mật lần đầu tiên. Một tổ ong có thể được thu hoạch 6 lần/năm, mỗi lần từ 3 - 4 lít mật, cá biệt có tổ 10 lít mật.

Những chiếc xuồng đầy ắp mật ong theo chân ông Út Nhì cùng các thành viên HTX 19/5 về nhà sau 1 ngày len lỏi trong rừng.

Với thâm niên 47 năm hành nghề, ông Trần Út Nhì đã ngang dọc và hiểu rừng U Minh Hạ như trong lòng bàn tay. Nhìn hoa tràm nở ông biết năm đó trúng hay thất mùa. Nhìn đàn ong bay, ông biết chúng chọn nơi làm tổ gần hay xa. Nhìn địa thế của cây kèo ông xác định được tỉ lệ đàn ong sẽ chọn làm tổ... Cuộc đời ông nhiều lần sung sướng tột độ khi “ăn ong” được mùa, gia đình ấm no, hạnh phúc và cũng đau đến thắt lòng khi chứng kiến cảnh rừng bị cháy, môi trường bị tàn phá.

Công đoạn cuối cùng: Vắt và lược mật khỏi tạp chất trước khi đóng chai cho khách hàng. Mật ong rừng U Minh Hạ chính gốc có thể để lâu năm không đổi màu, không biến chất.

Ông cháu cùng tham gia trồng rừng: “Rừng là vàng, nếu ta biết bảo vệ và gìn giữ thì rừng rất quý”, “Vì sự nghiệp 10 năm thì phải trồng cây”…, Ông Út Nhì mong muốn đứa cháu thấm nhuần lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ như chính bản thân ông.

Ông Út Nhì xứng đáng là một nghệ nhân của nghề gác kèo ong mật rừng U Minh Hạ mà Nhà nước cần quan tâm và có đãi ngộ đặc biệt, để họ truyền lửa nghề cho con cháu, đó là cách tốt nhất để giữ gìn và phát huy nghề di sản phi vật thể cấp quốc gia này./.

Nguồn: Gia đình 3 thế hệ gìn giữ và bảo tồn nghề di sản

Nguyễn Thanh Dũng

baocamau.com.vn