Cà Mau: Giải pháp phát triển hợp tác xã

15:02 | 06/12/2022

|
Chuyển đổi số (CÐS) đã và đang là hành trình của cả quốc gia, lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã (HTX) nói riêng, không nằm ngoài hành trình này. Theo ngành chức năng nhận định, tiềm năng về CÐS đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX là rất lớn và là giải pháp sống còn cho sự phát triển. Ðẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, CÐS trong sản xuất kinh doanh của loại hình kinh tế tập thể, HTX là cần thiết.
Cà Mau: Nhặt rác cùng nhau -  vươn ra toàn cầu”Cà Mau: Nhặt rác cùng nhau - vươn ra toàn cầu”
Cà Mau: Nền tảng thực hiện nhiệm vụ "trồng người”Cà Mau: Nền tảng thực hiện nhiệm vụ "trồng người”

Hiện nay, toàn tỉnh có 277 HTX (222 HTX đang hoạt động, 55 HTX ngưng hoạt động); tổng số có 4.497 thành viên, số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 4.796 người. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 195 HTX (168 HTX đang hoạt động và ngưng hoạt động 27 HTX); lĩnh vực phi nông nghiệp có 82 HTX (54 HTX đang hoạt động và ngưng hoạt động 28 HTX).

Giải pháp phát triển hợp tác xã
Hiện toàn tỉnh có 277 HTX, trong đó 195 HTX lĩnh vực nông nghiệp.

Tỉnh có 16 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, gồm: 8 HTX ứng dụng công nghệ Sime biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức siêu thâm canh; 1 HTX ứng dụng công nghệ nuôi tôm theo quy trình VietGAP; 1 HTX ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh nhanh, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; 1 HTX ứng dụng công nghệ cơ giới hoá trong thu hoạch; 1 HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất dưa hấu; 2 HTX ứng dụng thực hành theo tiêu chuẩn VietGAP và ICM trong sản lúa; 2 HTX ứng dụng công nghệ vi sinh trong sản xuất lúa - tôm.

Trên địa bàn tỉnh có 16 HTX nông nghiệp (chiếm 89% tổng số HTX tham gia chương trình OCOP) với 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (chiếm 40% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh). Hiện các sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên được trưng bày tại các điểm gắn với du lịch, đưa trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.

Dưới sự chỉ đạo kỳ quyết của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai có hiệu quả một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX; đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, kèm theo đó là hoạt động hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX hiệu quả, điển hình trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới để làm cơ sở trình diễn, nhân rộng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, CÐS ở lĩnh vực HTX chỉ là bước đầu và còn quá chậm. Thế nhưng, dù chậm nhưng phải làm, bởi xác định đây là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để tiến lên mô hình HTX thông minh. Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Ðặc biệt, nó sẽ giúp HTX tìm kiếm được một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực.

Bên cạnh một số HTX đã và đang tham gia vào công cuộc CÐS, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, điều hành và quản lý thì cũng còn nhiều HTX vẫn chưa hiểu, chưa biết, chưa tham gia vào công cuộc CÐS… Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay đa phần HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa có trụ sở làm việc, chưa có máy tính, chưa có Website, chưa được tham gia các sàn giao dịch giới thiệu sản phẩm… Tiến sĩ Dương Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh, băn khoăn: “Trong 222 HTX đang hoạt động, chỉ 25/222 có máy vi tính và sử dụng được Internet trong quá trình hoạt động. Ðây là con số rất đáng suy ngẫm”.

Ông Nguyễn Trọng Nhân, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, nhìn nhận: “CÐS trong phát triển HTX là vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX. Trong khi đó, hầu hết các HTX đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Hoạt động của HTX quy mô còn nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất kinh doanh truyền thống. Năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình CÐS. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học - kỹ thuật còn rất hạn chế; lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình CÐS như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin”.

Từ những lý do trên, HTX cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là CÐS nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp phát triển hợp tác xã
Trao đổi với đại diện HTX Ngọc Giàu (huyện Ðầm Dơi), đoàn đối tác từ tỉnh Jeju (Hàn Quốc) cho biết, nếu HTX hoàn thiện thêm về mẫu mã thì đây sẽ là những sản phẩm tiềm năng cho thị trường Hàn Quốc.

Vừa qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo “Ðịnh hướng phát triển mô hình HTX thông minh qua CÐS trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Hội thảo khẳng định, CÐS mở ra cơ hội cho tất cả các lĩnh vực, là quá trình khách quan, muốn hay không thì CÐS vẫn diễn ra và đang diễn ra. Ðể kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa kinh tế số vào khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh thì phải cần thay đổi nhận thức của toàn bộ tổ chức, thành viên, cán bộ quản lý HTX để có tư duy đúng đắn về quá trình CÐS của HTX (thông qua các hoạt động như đào tạo, tham quan học hỏi, chia sẻ…). Các HTX cần xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động. Căn cứ vào tình hình thực tế của HTX mình để có chiến lược và kế hoạch cụ thể cho CÐS. Các HTX tiến hành lựa chọn công nghệ số, chuẩn bị nguồn nhân lực, thay đổi tư duy; làm thí điểm sau đó đánh giá, nhân rộng.

“Thời gian tới, phát huy lợi thế đã có và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, các HTX trên địa bàn tỉnh Cà Mau nên chú trọng tham gia, tích cực CÐS, xem CÐS là hoạt động “sống còn” của đơn vị”, ông Nguyễn Trọng Nhân nhấn mạnh./.

Nguồn: Giải pháp phát triển hợp tác xã

Phú Hữu

www.baocamau.com.vn