Cà Mau: Keo lai vào vụ mới

16:18 | 13/07/2023

|
Mùa mưa bắt đầu cũng là lúc vào vụ trồng rừng mới. Thời điểm này, người dân cũng như các khu vực quốc doanh đang chuẩn bị khai thác gỗ và tiến hành trồng lại để phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất khai thác cũng như chất lượng giống phù hợp với thổ nhưỡng thì việc tuyển lựa, chọn giống đầu vào hết sức quan trọng, quyết định giá trị gia tăng trên cùng diện tích canh tác.
Cà Mau: Bảo vệ vụ lúa tôm và đông xuân trước El NinoCà Mau: Bảo vệ vụ lúa tôm và đông xuân trước El Nino
Cà Mau: Sạt lở “ngăn đường” về đích nông thôn mớiCà Mau: Sạt lở “ngăn đường” về đích nông thôn mới

Hiện nay, diện tích trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện U Minh khoảng 27.355,93 ha, trong đó kê liếp trồng rừng thâm canh cây keo lai khoảng 11.554 ha. Nếu được chăm sóc, bón phân, tác động đúng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trữ lượng rừng trên 300 m3/ha, giá bán lâm sản cây keo lai bình quân biến động từ 160-180 triệu đồng/ha.

Chu kỳ trồng và khai thác cây keo lai là 5 năm. Ðể đảm bảo chất lượng giống cung ứng ra thị trường, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ (huyện U Minh) thành lập vườn ươm cây đầu dòng với diện tích 0,5 ha. Tại đây, ứng dụng khoa học công nghệ cải tiến đưa vào giống thuần chủng mới là dòng nuôi cấy mô AH7 từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ chuyển giao.

Sau thời gian 6 tháng trồng sẽ tuyển chọn những cành hom nhánh khoẻ mạnh, có sức sống để phục vụ cho việc nhân giống về sau. Hom sau khi cắt tiếp tục mang đi dưỡng, sau 2 tháng xuất bán đến các nơi trồng khai thác gỗ. Ðược biết, các cây đầu dòng cung cấp hom chỉ có thể trồng trong 3 năm để đảm bảo năng suất giống, chất lượng và giá trị cho người trồng rừng, sau thời hạn 3 năm sẽ tiến hành thay mới đồng loạt.

Cà Mau: Keo lai vào vụ mới
Nhân công cắt cành hom từ cây đầu dòng sinh trưởng 6 tháng tuổi.

Ông Dương Minh Long, Ðội trưởng Ðội Sản xuất giống nông - lâm - thuỷ sản, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết: “Trách nhiệm chính của chúng tôi là sản xuất những cây giống tốt, khoẻ mạnh để xuất đến tay người trồng rừng, rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng đồng đều. Ðối với người dân mua cây giống, ngoài được cung cấp giống đảm bảo nguồn gốc, phù hợp thổ nhưỡng canh tác, còn được hướng dẫn về kỹ thuật trồng sao cho đạt năng suất.

“Từ khâu làm đất trồng rừng, đối với cây keo lai, cần lên liếp cao 3-5 tấc để cây phát triển, sinh trưởng tốt. Ngoài ra, sau khi lên liếp, đất trồng cần khô ráo, bề mặt đất xuất hiện lỗ nẻ, chân chim đảm bảo cho quá trình thoát nước; mặt khác, người trồng trong quá trình chăm sóc, di chuyển cũng thuận tiện hơn. Mật độ trồng lý tưởng nên duy trì 440 cây/ha”, ông Long chia sẻ thêm.

Hiện nay giá cây giống keo lai dao động trên dưới 1.300 đồng/cây, so sánh với những giống cây đang bán tràn lan trên thị trường thì có phần chênh lệch. Tuy nhiên, với những ưu điểm vượt trội được chọn lọc, cây con từ dòng cấy mô AH7 có sức dẻo dai, phù hợp với tính chống chịu thời tiết, thiên tai tại vùng đất Cà Mau, cây dễ chăm sóc, kháng được nhiều mầm bệnh, đặc biệt là bệnh nấm hồng, cho sinh khối cao, chất lượng gỗ tốt. Nếu trồng đúng kỹ thuật, cứ 1 ha sẽ mang đến trữ lượng 200 m3 gỗ. Ðây cũng là giống chủ lực được ngành chức năng khuyến cáo trồng và người dân lựa chọn trồng khai thác gỗ trong nhiều năm gần đây.

Ông Trần Ngọc Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, chia sẻ: “Trước nay công ty từng trồng thử nghiệm rất nhiều giống như VB, AH1, AH..., nhưng sau khi khảo nghiệm lại thì giống thuần chủng AH7 được đánh giá cao, nên công ty quyết định nhân rộng từ năm 2011 đến nay. Với diện tích 0,5 ha, mỗi năm vườn ươm cung ứng khoảng 2 triệu cây keo lai con, đáp ứng đủ nhu cầu của các khu vực quốc doanh và một phần nhu cầu người trồng rừng”.

Cà Mau: Keo lai vào vụ mới
Những cành hom sau khi tuyển chọn sẽ tiếp tục được dưỡng, sau 2 tháng mới xuất bán cho người trồng rừng.

Tương tự, tại Liên tiểu khu U Minh II (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) 2 năm trở lại đây với diện tích khoảng 2.000 ha, cây keo lai được ưu tiên phủ xanh khoảng 80%; 20% còn lại sẽ trồng cây tràm bản địa.

Năm 2017, Liên tiểu khu bắt đầu chuyển giao công nghệ đưa vào trồng giống keo lai mới dòng AH7 trên diện rộng. Ông Trần Văn Ðệ, Tiểu khu trưởng, Liên tiểu khu U Minh II, cho biết: “Trong việc trồng rừng khai thác, chúng tôi chú trọng lựa chọn những giống chất lượng cao, dần thay thế những giống cây trước đó chưa đạt năng suất. Qua nhiều năm trồng, thu hoạch, giá trị cây trồng được nâng cao, hạn chế mầm bệnh, khắc phục những khuyết điểm của các giống trước đó như BV11, BV32, AH1...”.

Chất lượng giống đầu vào là yếu tố quyết định năng suất cây trồng, đối với việc trồng rừng cũng không ngoại lệ. Không chỉ được các công ty, tiểu khu ưu tiên mà giống mới AH7 còn được nhiều hộ khoán rừng chủ động lựa chọn.

Cà Mau: Keo lai vào vụ mới
Cũng từ những việc tuyển chọn, cắt cành, dô đất cho cây giống, chăm sóc cây con… tạo việc làm thu nhập ổn định cho nhiều lao động

Tràm dần mất giá, trong khi cây keo lai trở thành nguồn kinh tế chính, cũng là cây chủ lực nên khoảng 10 năm trở lại đây, gia đình anh Trần Văn Sơn, ngụ Ấp 11, xã Khánh Thuận, chú trọng nhân rộng diện tích cây keo lai thay thế cây tràm để khai thác gỗ. Với tổng diện tích 74 ha, anh Sơn dành riêng 50 ha trồng keo lai và 24 ha trồng tràm.

Anh Sơn chia sẻ: “Trước đó, tôi thường mua giống tại Cần Thơ về trồng, sau khi địa phương có công ty bán giống thì tôi mua giống tại chỗ, giống chủ lực vẫn là AH7. Sau 5 năm trồng, mỗi héc-ta keo lai gia đình thu lại khoảng 200 triệu đồng. Nguồn giống chất lượng cùng kỹ thuật tích luỹ nhiều năm, hầu như cây giống tôi trồng đạt 100%. Thay nguồn cây mới, giống mới, khả năng chống chọi dịch bệnh tôi đánh giá cao, nhất là khi bị chuột, côn trùng gặm nhắm thì cây tự lành lại, sinh trưởng tốt. Thời gian thu hoạch chuẩn là 5 năm, riêng những ai muốn để cây to hơn thì 6-7 năm mới tiến hành khai thác”.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh, thông tin: “Những năm gần đây, các chủ rừng trên địa bàn huyện có xu hướng chuyển từ trồng rừng keo lai gỗ nhỏ sang rừng keo lai gỗ lớn. Với sự phát triển của khoa học hiện nay về lai tạo cây giống mới trong lĩnh vực lâm nghiệp, các nhà khoa học đã khảo nghiệm và khuyến cáo người dân trồng rừng những dòng cây keo lai có năng suất cao, kháng được bệnh như AH1, AH7, BV11 và cây keo lá tràm thế hệ mới. Ðây là tín hiệu khơi dậy tiềm năng phát triển lâm nghiệp cho tỉnh Cà Mau nói chung và vùng rừng U Minh Hạ nói riêng”.

Ðể nâng cao chất lượng gỗ khai thác cũng như đảm bảo về thời gian trồng trong tiến độ, người dân hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn giống, cây con ban đầu. Nên ưu tiên các cơ sở, công ty uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, tránh vì giá rẻ mà mua phải giống cây trôi nổi, kém chất lượng, chủ động tìm hiểu những loại giống mới được ngành chức năng khuyến cáo để tăng hiệu quả trong trồng rừng. Hiện nay, giá trị cây keo lai được đánh giá bình ổn, ít biến động nên phần lớn người dân chuyển sang trồng cây keo lai số lượng lớn. Tuy nhiên, để giữ bản sắc cũng như đặc trưng của rừng U Minh, các hộ dân nên cân bằng, trồng xen kẽ, giữ lại cây tràm để phát triển các sản phẩm khác từ cây tràm bản xứ./.

Nguồn: Keo lai vào vụ mới

Yến Nhi

baocamau.com.vn