Cà Mau: Lạc quan bước qua nghịch cảnh

13:15 | 04/08/2023

|
Trong chuyến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (Trung tâm), tôi bắt gặp 4 thanh niên có vẻ khắn khít với nhau hơn các thành viên khác, đang cùng chung sống tại Trung tâm. Ðiều đó khiến tôi tò mò.
Cà Mau: Máy bay làm nôngCà Mau: Máy bay làm nông
Cà Mau: Thấp thỏm nghề giữ rừngCà Mau: Thấp thỏm nghề giữ rừng

Thấy tôi quan tâm về mối quan hệ giữa 4 thanh niên này, anh Huỳnh Minh Hải, quản lý nơi đây, cười xoà: “Tụi nó gần gũi với nhau hơn mấy bạn khác vì 4 đứa là anh em ruột. Cha mất khi thằng anh lớn mới 7 tuổi, đứa em út vừa lên 3. Gia đình không có đất, thậm chí chỗ ở cũng là đất mượn của người khác, mẹ tụi nhỏ đi bán vé số không đủ nuôi sống đàn con, lại bị bệnh viêm đa khớp mãn tính”.

Cà Mau: Lạc quan bước qua nghịch cảnh
Bốn anh em Thành tập thể dục, rèn luyện thân thể.

Sau đó, anh Hải gọi 4 anh em lại và gợi ý trò chuyện với tôi. Người anh lớn tên Nguyễn Minh Thành, năm nay 21 tuổi. Thành chia sẻ, đứa em kế tiếp tên Nguyễn Thành Ðạt (19 tuổi), đứa áp út tên Nguyễn Như Ý (18 tuổi) và em út là Nguyễn Út Rồi (17 tuổi). Lúc trước gia đình sống ở gần chợ Vàm Ðầm, xã Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi), hàng ngày cha đi làm thuê, còn mẹ thì bán vé số dạo. Năm 2009, cha qua đời, cuộc sống gia đình vốn đã nghèo giờ lại khổ hơn, vì mẹ bán vé số đồng lời không nhiều, mà lao động nặng thì mẹ không làm được do bị đau xương khớp, trong khi căn nhà đang ở chủ đất cho biết sẽ lấy lại, không cho mượn nữa. Cũng may là nhờ có láng giềng giới thiệu, chính quyền địa phương giúp đỡ nên 4 anh em được Trung tâm tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng đến nay.

“Không hiểu sao chỉ có tụi em được Trung tâm tiếp nhận, còn mẹ em thì không. Vì không có tiền để điều trị bệnh nên giờ mẹ đang xin tá túc ở chùa Thiện Phước (toạ lạc xã Tắc Vân, TP Cà Mau). Nghịch cảnh cuộc đời thì mình phải chấp nhận để vượt qua, nhưng đôi lúc cũng có chút chạnh lòng, vì từ nhỏ đến giờ tụi em chưa từng biết người thân bên nội, ngoại là ai, chỉ nghe mẹ kể quê cha ở xã Nguyễn Huân, quê mẹ ở tỉnh Kiên Giang”, Nguyễn Minh Thành nhẹ giọng.

Theo bà Mã Thị Ngọc Nhiều, Phó trưởng phòng Nuôi dưỡng trẻ - Giáo dục định hướng, thuộc Trung tâm, cho biết: "Năm 2011, theo đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðầm Dơi, Trung tâm đã tiếp nhận 4 em vì là đối tượng trẻ mồ côi cha, mẹ bị bệnh, thuộc hộ nghèo, không khả năng nuôi dưỡng. Riêng trường hợp người mẹ (chị Phan Thị Giàu) lúc đó chưa đủ tuổi để hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Hơn nữa, chị Giàu cũng không có bất kỳ loại giấy tờ nào để chứng minh nhân thân theo quy định pháp luật nên không đủ điều kiện để Trung tâm tiếp nhận".

"Hiện tại, chị Giàu đã hơn 60 tuổi, đủ tuổi theo quy định của Luật Người cao tuổi, đang tá túc tại ngôi chùa thuộc địa bàn xã Tắc Vân. Nếu chị có nguyện vọng và được UBND xã Tắc Vân đề nghị thì Trung tâm sẽ xem xét việc tiếp nhận chị", bà Nhiều cho biết thêm.

Cà Mau: Lạc quan bước qua nghịch cảnh
4 anh em trong giờ học tập tại thư viện Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Trở lại chuyện 4 anh em Minh Thành. Các em không tự ti, mặc cảm mà sớm hoà nhập với cuộc sống mới ở Trung tâm ngay từ những ngày đầu. Qua 12 năm sống nơi đây, các em luôn lắng nghe lời dạy của quản lý; ở trường, các em học hành chăm ngoan, học lực từ trung bình, khá trở lên và hạnh kiểm loại khá, tốt. Hiện tại, Nguyễn Minh Thành đang học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau (Thành là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Cà Mau, nhiệm kỳ 2023-2028); Nguyễn Thành Ðạt vừa tốt nghiệp THPT và nguyện vọng học đại học ngoại ngữ (tiếng Anh); Nguyễn Như Ý và Nguyễn Út Rồi chuẩn bị vào lớp 12 Trường THPT Tắc Vân năm học 2023-2024. Nhìn chung, các em rất vô tư, hồn nhiên với cuộc sống hiện tại.

Ðúng là hồn nhiên như bộc bạch của Thành: “Nghịch cảnh thì phải chấp nhận để vượt qua”. Trong suốt buổi trò chuyện với tôi, Thành lúc nào cũng tươi cười, luôn miệng khoe những nỗ lực đóng góp trong hoạt động Ðoàn khi còn học THPT, cũng như hăng hái tham gia chiến dịch hè khi là sinh viên. Trong khi Ðạt thì đang có nhiều suy tính, nếu không đậu đại học sẽ đăng ký du học theo chương trình do một công ty nước ngoài tài trợ. Còn Ý và Rồi thì vô tư: “Tụi em học xong chương trình THPT rồi mới tính”.

Ðạt trải lòng: “Nhờ xã hội nuôi dưỡng, giáo dục nên tụi em được trưởng thành như hôm nay. Vì vậy, tụi em phải phấn đấu hoàn thiện bản thân để phát triển tương lai và đóng góp công sức đền đáp cho xã hội”.

Luôn tươi cười và sống hồn nhiên đã giúp anh em Thành vượt qua những rào cản tâm lý, tự ti để sống tốt với cuộc sống hiện tại. Tin rằng, 4 anh em Thành sẽ thực hiện được những hoài bão trong tương lai như kỳ vọng của cha mẹ là các con mình sẽ thoát cảnh nghèo khó, khi đặt tên cho các em: “Thành, Ðạt, Như Ý, Rồi”./.

Nguồn: Lạc quan bước qua nghịch cảnh

Mỹ Pha

baocamau.com.vn