Cà Mau: Làm mới đũa đước

09:15 | 05/11/2023

|
Ðước là loại cây vùng ngập mặn, rất quen thuộc và có nhiều công dụng trong đời sống hằng ngày. Ðặc biệt, từ lâu người dân Năm Căn còn sử dụng gỗ đước để vót đũa. Qua bao năm tháng, đũa đước đã trở thành sản phẩm đặc trưng và là mặt hàng du lịch được nhiều du khách đến vùng đất này lựa chọn.
Cà Mau: Gia hoá giống cua để tạo đột pháCà Mau: Gia hoá giống cua để tạo đột phá
Cà Mau: Mở rộng diện tích lúa - tômCà Mau: Mở rộng diện tích lúa - tôm

Huyện Năm Căn có trên 23.000 ha trồng rừng (chủ yếu là cây đước), tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán gần 40%. Ðây là nguồn nguyên liệu dồi dào để người dân phát triển kinh tế gia đình từ các sản phẩm truyền thống địa phương, trong đó có đũa đước.

Ðể đôi đũa đước đẹp về hình dáng và có độ bền, người dân đã tìm kiếm một số máy móc thay thế các công đoạn thủ công để làm đũa như: cưa gỗ, xẻ ván, xẻ thanh vuông, chuốt tròn, đánh bóng...

Người dân huyện Năm Căn có thêm thu nhập từ nhiều nghề khác nhau trong việc khai thác giá trị cây đước.

Là người có hơn 15 năm làm đũa đước, anh Huỳnh Thanh Phong, chủ cơ sở sản xuất đũa đước ở ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, cho biết, trước đây anh làm thủ công, sản phẩm cung ứng ra thị trường ít. Nhờ được chính quyền địa phương hướng dẫn áp dụng công nghệ nên lượng sản phẩm sản xuất ra nhiều và đẹp, lợi nhuận tăng. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 50-60 ngàn đôi đũa. Giá đũa loại tốt khoảng 20 ngàn đồng/chục đôi, còn loại đũa làm từ lõi hoặc in chữ hay hoa văn thì 30 ngàn đồng/chục đôi.

Sản phẩm đũa đước của cơ sở anh Phong đã được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022. “Hiện tại, cơ sở có 6 nhân công, thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở mong muốn được địa phương hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn để mua gỗ nhiều hơn, có thể đầu tư máy móc và tham gia hội chợ triển lãm”, anh Phong cho biết thêm.

Ðũa đước Năm Căn có nhiều loại như: đũa làm từ cây đước 10 năm tuổi, 40 năm tuổi; loại dùng trên bàn ăn và loại phục vụ việc nấu nướng. Hiện nay, mặc dù thị trường có nhiều loại đũa, nhưng những đôi đũa làm bằng gỗ đước vẫn xuất hiện trong nhiều gia đình ở Năm Căn và các vùng lân cận bởi bền, đẹp. Nhờ đó, nghề truyền thống làm đũa được duy trì và phát triển.

Với vẻ đẹp về hình dáng và chất lượng, đũa đước của cơ sở anh Huỳnh Thanh Phong được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2022.

Ngành chức năng đang định hướng hỗ trợ các hộ sản xuất đũa đước giải quyết vấn đề nguyên liệu, đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, với mục tiêu sản xuất ra sản phẩm đũa đẹp hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ðồng thời, giới thiệu sản phẩm đũa đước tại các điểm du lịch, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu, đưa đũa đước Năm Căn đi xa hơn.

Ông Trần Thanh Nghị, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng đất Năm Căn, những sản phẩm từ đước đang là tiềm năng, thế mạnh của huyện. Hiện tại, với nguồn nguyên liệu dồi dào, ngành chuyên môn huyện đang khuyến khích người dân phát triển nghề làm đũa đước cung ứng ra thị trường, nhằm đem đến người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường và quảng bá được hình ảnh quê hương Năm Căn. Ngoài đũa còn có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác từ cây đước tạo thu nhập ổn định cho người dân”./.

Nguồn: Làm mới đũa đước

Văn Tưởng - Phi Hải

baocamau.vn