Cà Mau: Phát triển bền vững kinh tế thuỷ sản

10:28 | 02/03/2023

|
Thuỷ sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy thế mạnh này, tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng Cà Mau trở thành địa phương phát triển mạnh về biển, nhất là kinh tế thuỷ sản.
Cà Mau: Sát cánh giúp dân thoát nghèoCà Mau: Sát cánh giúp dân thoát nghèo
Cà Mau: Thuỷ sản tươi đã đi nhanh, đi xaCà Mau: Thuỷ sản tươi đã đi nhanh, đi xa

Tiềm năng lớn

Cà Mau có lợi thế lớn về khai thác, nuôi, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 4.269 tàu cá đăng ký quản lý, với tổng công suất 640.328 KW. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2022 ước đạt 622.100 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 236.100 tấn. Tỉnh đã tiến hành rà soát, cơ cấu tổ chức lại các hoạt động khai thác thuỷ sản trên các vùng biển theo hướng giảm dần số lượng tàu cá, đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản; phát triển hợp lý nghề khai thác thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thuỷ sản; tuân thủ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm; tăng cường chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Nhìn chung, lĩnh vực khai thác thuỷ sản thời gian qua có bước phát triển. Các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh, trú bão đã phát huy hiệu quả, từng bước đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân vào trú bão, kết hợp với khu dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm thiểu chi phí cho ngư dân, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia trên biển”.

Bên cạnh khai thác, Cà Mau có diện tích nuôi thuỷ sản lớn, với 304.911 ha, trong đó tổng diện tích nuôi tôm đạt 278.788 ha. Sản lượng nuôi thuỷ sản năm 2022 đạt 386 ngàn tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 218.450 tấn. Giá trị sản xuất của ngành tôm chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nuôi thuỷ sản và chiếm 49% so với tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Ngành tôm chi phối đến đời sống trên 50% dân số của tỉnh, liên quan trực tiếp đến việc làm của trên 350 ngàn lao động (trong đó, lao động tham gia trực tiếp hoạt động nuôi tôm khoảng 300 ngàn người).

Song song với đó, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp (41 nhà máy) chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, với tổng công suất thiết kế khoảng 250 ngàn tấn/năm. Các doanh nghiệp luôn chú trọng mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá mặt hàng, từng bước nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hầu hết các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn để xuất hàng vào các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada, EU… Sản phẩm thuỷ sản của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu qua 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nông dân xã Hoà Tân, TP Cà Mau thu hoạch tôm thẻ chân trắng. Ảnh: HUỲNH LÂM

Hạ tầng còn hạn chế

Ðã qua, trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản, nhiều công trình đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên vẫn có những dự án vướng nhiều khó khăn, trong đó có thể kể đến cảng Rạch Gốc.

Cảng cá Rạch Gốc đi vào hoạt động từ năm 2016, tuy nhiên từ đó đến nay hiệu quả sử dụng (hoạt động) mang lại chưa cao, mặc dù là cảng cá chỉ định nhưng số lượng tàu thuyền cập cảng không nhiều và sản lượng hàng thuỷ sản qua cảng chưa đạt yêu cầu so với công suất thiết kế của cảng. Theo ông Phan Hoàng Vũ, nguyên nhân do hệ thống giao thông kết nối thiếu đồng bộ, tuyến đường đấu nối từ cảng cá Rạch Gốc với đường Hồ Chí Minh chưa đủ tải trọng (chỉ một làn xe) đã xuống cấp, đặc biệt phải qua hai cầu là cầu Kênh Ba và cầu kênh Ông Nam, chỉ cho phép tải trọng khai thác nhỏ hơn 8 tấn, nên việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ phát sinh thêm nhiều chi phí, kinh doanh không hiệu quả. Hiện nay, năng lực xếp dỡ hàng hoá của cảng còn hạn chế, bằng thủ công, chưa được cơ giới hoá. Mặt khác, tình trạng tàu cá bốc dỡ thuỷ sản tại các bến cá tư nhân, cơ sở thu mua thuỷ sản chưa khai báo với cảng cá và Văn phòng IUU vẫn còn diễn ra.

Ðể phát huy tối đa công năng và hiệu quả của cảng cá, thực hiện tốt công tác quản lý khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Sở NN&PTNT đã kiến nghị cấp thẩm quyền cho đầu tư nâng cấp cảng cá Rạch Gốc thành cảng cá loại I và nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cảng cá Rạch Gốc đến đường Hồ Chí Minh.

Hiện nay, việc đầu tư nâng cấp mở rộng đường từ cảng cá Rạch Gốc đến đường Hồ Chí Minh, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển đã được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án tại Quyết định số 1027/QÐ-UBND, ngày 31/5/2021, với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2025.

Về đầu tư nâng cấp cảng cá Rạch Gốc, hạng mục này đã được đưa vào quy mô dự án phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Cà Mau, hiện UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý các dự án ODA và NGO lập hồ sơ thủ tục đầu tư dự án, đang trình các bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến thẩm định để phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cơ hội cho phát triển bền vững

Hiện nay, tỉnh đang thực hiện các bước để triển khai dự án phát triển thuỷ sản bền vững. Dự án có thể xem là cơ hội để phát triển ngành thuỷ sản của tỉnh, đem lại lợi ích cho người dân cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự án phát triển thuỷ sản tỉnh Cà Mau đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 879/TTg-QHQT, ngày 29/6/2021, với tổng mức đầu tư 536 tỷ đồng, tương đương 23,1 triệu USD, trong đó vốn vay IBRD là 19,5 triệu USD và vốn đối ứng 84 tỷ đồng, tương đương 3,6 triệu USD. Ðến nay, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị chức năng hoàn chỉnh báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án và báo cáo UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ. Ðồng thời, gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương về các nội dung đề xuất của tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Về các nội dung tỉnh đề xuất đầu tư trong dự án, ông Phan Hoàng Vũ cho biết: “Về phát triển kết cấu hạ tầng khai thác hải sản, tỉnh đề xuất nâng cấp cảng cá Rạch Gốc, mở rộng chiều dài cầu tàu (bao gồm nạo vét trước cảng) tăng thêm khoảng 150 m, nhà phân loại có mái che. Trang bị thêm hai tàu, hai ca nô phục vụ chống khai thác IUU. Về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi thuỷ sản, tỉnh đề xuất đầu tư hạ tầng phát triển nuôi tôm an toàn sinh học tại huyện Ðầm Dơi với diện tích khoảng 2.960 ha, huyện Cái Nước khoảng 1.270 ha, huyện Phú Tân khoảng 1.740 ha. Về nâng cao năng lực quản lý và nâng cao giá trị sản phẩm thuỷ sản, gồm nâng cao năng lực chống khai thác IUU; ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong khai thác hải sản; giám sát hành trình tàu cá; cơ sở dữ liệu về thuỷ sản; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thuỷ sản, phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản; hỗ trợ kỹ thuật phát triển các vùng nuôi tôm an toàn sinh học đạt chứng nhận, liên kết chuỗi, xây dựng và quảng bá thương hiệu”.

Dự án phát triển thuỷ sản bền vững tỉnh Cà Mau được đề xuất giao cho Ban Quản lý các dự án ODA và NGO làm chủ đầu tư, Sở NN&PTNT phối hợp thực hiện các nội dung có liên quan. Việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đến nay cơ bản hoàn thiện và đang xin ý kiến góp ý của các cơ quan Trung ương. Tuy nhiên, quá trình lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho đến nay vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định, như quy trình, trình tự thủ tục để trình và xin phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cần sự tham vấn của các chuyên gia, các cơ quan Trung ương, địa phương và các đơn vị chức năng, do đó mất nhiều thời gian trong việc thay đổi nội dung cũng như điều chỉnh để trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; việc xác định, đánh giá hiệu quả của các hạng mục đề xuất đầu tư mất nhiều thời gian, do phải phối hợp các các đơn vị và địa phương, khảo sát đánh giá cụ thể từng nội dung.

Ông Phan Hoàng Vũ thông tin: “Từ các khó khăn nói trên, thời gian tới, Ban Quản lý các dự án ODA và NGO, các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp xin ý kiến các cơ quan Trung ương và đơn vị chức năng có liên quan, sớm chỉnh sửa để hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, hoàn chỉnh các thủ tục, trình thẩm định và phê duyệt dự án để sớm triển khai thực hiện trong thời gian tới”.

Dự án phát triển thuỷ sản bền vững được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nuôi thuỷ sản, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản nước lợ, vùng sản xuất giống. Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch bằng việc nâng cấp kết cấu hạ tầng khai thác hải sản đồng bộ, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần. Ðảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cập cảng của tàu cá ở các địa phương; giảm dần và từng bước loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực cảng cá, bến cá… Tăng cường năng lực quản lý cho ngành thuỷ sản phục vụ quản lý bền vững nguồn lợi thuỷ sản; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật khai thác hải sản, công nghệ nuôi thuỷ sản; tăng cường liên kết chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất khai thác, nuôi trồng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu chủ lực./.

Nguồn: Phát triển bền vững kinh tế thuỷ sản

Ðặng Duẩn

baocamau.com.vn