Cà Mau: Tháo gỡ vướng mắc trong cải cách tư pháp

11:38 | 12/03/2023

|
Năm 2022, kết quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp đạt được những kết quả quan trọng trong các mặt: kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan tư pháp; tổ chức và hoạt động bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp; giám sát của cơ quan dân cử và Uỷ ban MTTQ đối với cơ quan tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp; sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác tư pháp.
Cà Mau: Đời thợ lặnCà Mau: Đời thợ lặn
Cà Mau: Trao quyền chủ động cho phụ nữCà Mau: Trao quyền chủ động cho phụ nữ

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh (Ban Chỉ đạo) đánh giá điều trên tại phiên họp thường kỳ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; chương trình công tác của Ban Chỉ đạo (BCĐ) năm 2023, vào chiều 9/3. Chủ trì phiên họp có đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trường BCĐ.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh họp phiên thường kỳ.

Trong năm qua, BCĐ kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định kiện toàn BCĐ và thay đổi thành viên BCĐ. Các thành viên BCĐ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham mưu tốt cho BCĐ trong từng lĩnh vực được phân công phụ trách; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được giao.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án hình sự nổi cộm, phức tạp, dư luận quan tâm.

Toà án Nhân dân tỉnh đã tổ chức được 18 phiên toà trực tuyến; chủ trì, phối hợp tổ chức 138 phiên toà rút kinh nghiệm cấp huyện, phiên toà rút kinh nghiệm nội bộ, đảm bảo mỗi thẩm phán có ít nhất 1 phiên toà rút kinh nghiệm. Toà án Nhân dân hai cấp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến về nhận thức pháp luật của người dân.

Sở Tư pháp tỉnh chủ trì, phối hợp tham mưu Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức 7 hội thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các luật, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành theo kế hoạch.

Ban Pháp chế HĐND tỉnh phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh uỷ xây dựng quy chế phối hợp trong công tác tham mưu Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thực hiện Quy chế số 04-QC/TU, ngày 29/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh uỷ trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh kiến nghị của dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, BCĐ cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, hoạt động tố tụng còn xảy ra trường hợp phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; trụ sở làm việc của một số cơ quan tư pháp diện tích nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới; một số cơ quan thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng; một số thành viên chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch của BCĐ.

Ông Đặng Dư Phương, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo, phát biểu thảo luận.

Tại phiên họp, các ý kiến của thành viên BCĐ nêu một số vướng mắc về công tác phối hợp, giám sát hoạt động cải cách tư pháp ở một số lĩnh vực. Một số ý kiến cho rằng báo cáo của BCĐ cần bổ sung đầy đủ hơn về số liệu; đề xuất có báo cáo chuyên đề riêng của từng lĩnh vực về cải cách tư pháp để làm rõ nét hơn hiệu lực, hiệu quả hoạt động của BCĐ; các đồng chí thành viên BCĐ cần tham dự hội nghị của các cơ quan tư pháp để thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm; cần sớm cải thiện tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là việc chưa đầu tư, trang bị đầy đủ để tổ chức các phiên toà trực tuyến.

Thành viên BCĐ thống nhất các nội dung lớn trong phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2023. Trong đó, một số nội dung trọng tâm được xác định là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp; tổ chức các phiên toà trực tuyến, phiên toà rút kinh nghiệm, thực hiện tốt Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án; củng cố, kiện toàn cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên) đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ; rà soát, đánh giá công tác giám định, định giá tài sản liên quan từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, nhất là công tác giám định về tài chính, kinh tế...

Đồng chí Phạm Thành Ngại (bìa trái), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trường Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao vai trò trách nhiệm đối với từng công việc, nhiệm vụ được phân giao.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trường BCĐ, chỉ đạo: “Cải cách tư pháp là lĩnh vực đặc thù, khó, cần tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm cao độ của từng thành viên BCĐ. Các thành viên rà soát những tồn tại, vướng mắc, hạn chế để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, giải quyết. Chú trọng đến công tác phối hợp hoạt động của BCĐ với các cấp, các ngành, địa phương. Thông tin đầy đủ về các nội dung cải cách tư pháp của Trung ương đến với các cơ quan, nhân lực thuộc lĩnh vực tư pháp”.

Đề nghị hoàn thiện báo cáo của BCĐ, trình Trưởng BCĐ ký và gởi đến các huyện uỷ, thành uỷ; Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trường BCĐ nhấn mạnh: “Về chương trình công tác năm 2023, BCĐ tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ trọng tâm; thành viên BCĐ nêu cao vai trò trách nhiệm đối với từng công việc, nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên được phân giao”./.

Nguồn: Tháo gỡ vướng mắc trong cải cách tư pháp

Quốc Rin

baocamau.com.vn