Cà Mau: Trao quyền chủ động cho phụ nữ

16:27 | 09/03/2023

|
Tại tỉnh Cà Mau, sau 5 năm thực hiện Ðề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Ðề án 938) và “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Ðề án 939), đã đạt nhiều kết quả.
Cà Mau: Ðòn bẩy hạ tầng giao thôngCà Mau: Ðòn bẩy hạ tầng giao thông
Cà Mau: Bảo vệ rừng bằng công nghệ thông minhCà Mau: Bảo vệ rừng bằng công nghệ thông minh

“Sự ra đời của hai đề án trên đã tạo thêm bước đột phá về thay đổi nhận thức, trao quyền chủ động, sáng tạo cho phụ nữ. Các cấp hội, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố đã thể hiện tốt vai trò cơ quan chuyên môn, kết nối các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phụ nữ; phát huy tốt vai trò phụ nữ tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và những định hướng phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, chị Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, chia sẻ.

5 năm qua, với vai trò chủ trì triển khai thực hiện hai đề án, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu của đề án, nắm bắt tình hình, chú trọng đổi mới các phương pháp triển khai thực hiện và định kỳ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm tạo điều kiện, phân bổ kinh phí cho Hội LHPN thực hiện, với tổng kinh phí được phân bổ 5 năm qua trên 3,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp hội tích cực vận động xã hội hoá, kết hợp các nguồn lực từ chương trình/dự án, huy động số tiền trên 5,2 tỷ đồng để thực hiện.

UBND tỉnh và các huyện, thành phố quan tâm, tạo điều kiện, phân bổ kinh phí cho Hội LHPN thực hiện Ðề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. (Ảnh chụp Tổ hợp tác đan đát xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình).

“Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của địa phương, Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới ở các ngành, địa phương. Nhiều mô hình truyền thông về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ được duy trì hoạt động và tiếp tục mở rộng; một số mô hình được cải tiến để phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng”, ông Nguyễn Xuân Tình, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết.

Về thực hiện bình đẳng giới ở địa bàn cơ sở, theo chị Phan Thị Nhiên, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời: “Hiện chi hội có 455 hội viên, có 7 loại mô hình, trong đó có mô hình “Ðịa chỉ tin cậy” được UBND thị trấn ra quyết định thành lập với 5 thành viên. Sau 4 năm thành lập và đi vào hoạt động, địa chỉ đã hỗ trợ trên 10 chị em là nạn nhân bị bạo lực gia đình (đa số là bạo lực về tinh thần)”.

Ðặc biệt, công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình luôn được chú trọng như: hướng dẫn phụ nữ thành lập các mô hình phát triển kinh tế, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động các hợp tác xã kiểu mới; tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; giới thiệu học nghề, hỗ trợ tạo việc làm; phát động phong trào “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”… và huy động các hình thức tiết kiệm nhằm hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo.

Tại huyện Ðầm Dơi, hội phụ nữ các cấp trong huyện huy động nguồn vốn nội lực thông qua tổ tiết kiệm phụ nữ, đồng thời tín chấp các ngân hàng, các công ty hỗ trợ vốn vay cho hội viên khởi nghiệp phát triển kinh tế. Tổng các nguồn vốn vay dư nợ do Hội quản lý đến nay trên 200 tỷ đồng, cho hơn 10 ngàn chị vay.

“Toàn huyện có hàng trăm ý tưởng của phụ nữ kết tinh từ sự cần cù lao động, sản xuất, kinh doanh; có 265 phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp thành công. Chị em thành lập được 7 HTX, 12 tổ, nhóm liên kết phát triển kinh tế; 20 tổ hợp tác phát triển kinh tế”, chị Nguyễn Thị Màu, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Ðầm Dơi, cho biết.

Chị Ðào Thị Thanh An, Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, chia sẻ: “Những kết quả trong công tác hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế những năm qua đã giúp nhiều gia đình phụ nữ nghèo có thêm nghị lực vươn lên thoát nghèo, hăng hái tham gia lao động sản xuất, tham gia các hoạt động của Hội. Kết quả, toàn xã có 915 hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ làm chủ hộ được các cấp hội giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Ðã có 397 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Kết quả 5 năm qua cho thấy, Ðề án 938 và Ðề án 939 được triển khai trên địa bàn tỉnh, đi vào cuộc sống, tác động rất lớn trong kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, nâng cao vai trò phụ nữ trong tham gia phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương./.

Nguồn: Trao quyền chủ động cho phụ nữ

Phú Hữu

baocamau.com.vn