Cà Mau: Tôm sinh thái Rạch Gốc nâng chất để vươn xa

09:10 | 17/11/2023

|
Người dân huyện Ngọc Hiển nói chung, thị trấn Rạch Gốc nói riêng, từ bao đời nay gắn bó với nghề nuôi tôm - rừng truyền thống. Tôm ăn thức ăn tự nhiên có sẵn trong thiên nhiên (tôm sinh thái) nên thịt tôm ngọt, ngon, chất lượng vượt trội, tạo ra nguồn tôm nguyên liệu lớn cho huyện và tỉnh nhà. Ðể mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả, thời gian qua chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã khuyến khích, tạo điều kiện và đồng hành cùng nông dân triển khai nhiều chương trình, dự án, đến việc thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất tôm - rừng - tôm sinh thái, góp phần khẳng định thương hiệu và đưa con tôm sinh thái Cà Mau ngày càng vươn xa.
Cà Mau: Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long là Di sản văn hoá phi vật thể quốc giaCà Mau: Nghề làm tôm khô và Lễ hội vía Bà Thuỷ Long là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Cà Mau: Khởi công xây dựng căn cứ sân bay Năm CănCà Mau: Khởi công xây dựng căn cứ sân bay Năm Căn

Thị trấn Rạch Gốc là 1 trong 3 nơi trọng điểm nuôi tôm sinh thái của huyện Ngọc Hiển, với tổng diện tích 2.777 ha, trong đó có 1.896 ha được các tổ chức chứng nhận tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế EU Organic, Canada Organic... Việc liên kết và ứng dụng các phương pháp mới trong sản xuất, phát triển và nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái - tôm - rừng tại địa bàn đã mang đến cơ hội mới cho người dân nơi đây.

Đặt lú bắt tôm dưới tán rừng.

Tiền thân là Hội quán Tôm - rừng Rạch Gốc, HTX Tôm - rừng Rạch Gốc, khóm Rạch Gốc B, được thành lập vào cuối năm 2021, thu hút 56 thành viên, vốn điều lệ là 560 triệu đồng.

Theo Ban Quản trị HTX, trước đây, đa phần hộ dân sản xuất, kinh doanh theo kinh nghiệm riêng, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí đầu tư sản xuất cao, giá trị sản phẩm bán ra thấp. Ðơn vị đã tập hợp bà con thành lập HTX tạo môi trường sản xuất tập thể, liên kết mua con giống chất lượng, chuyển giao kỹ thuật nuôi mới, hiệu quả nhưng vẫn giữ được môi trường tự nhiên, liên kết thị trường tiêu thụ với giá cả ổn định, giúp thành viên nâng cao thu nhập, giúp nông dân an tâm sản xuất, giữ rừng và nâng cao thu nhập dưới tán rừng.

Tôm thiên nhiên thịt chắc, vị ngọt.

Ông Nguyễn Thanh Tín, Bí thư Chi bộ khóm Rạch Gốc B, Chủ tịch HÐQT kiêm Giám đốc HTX Tôm - rừng Rạch Gốc, cho biết: “Ngành nghề hoạt động chính của HTX là nuôi tôm, cua dưới tán rừng, kinh doanh cua, tôm giống để cung ứng cho thành viên và người nuôi trên địa bàn. Giai đoạn đầu triển khai mô hình, HTX liên kết doanh nghiệp hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm, cua 2 giai đoạn, đan xen những vật nuôi khác, như cua, sò huyết, vọp... Sau đó, bà con nắm được kiến thức cơ bản và tiếp tục ứng dụng mô hình lâu dài, nâng cao hiệu quả sản xuất dưới tán rừng, từ đó bà con rất phấn khởi”.

Ông Lê Tấn Hiệp, khóm Rạch Gốc B, thành viên HTX, cho biết: "Khi tham gia HTX tôm - rừng, tôi và bà con đã áp dụng phương pháp nuôi mới. Thay vì cứ mua con giống tràn lan, về thả trực tiếp vào vuông tôm, không biết lượng tôm còn sống sót bao nhiêu, thì nay chúng tôi mua con giống có địa chỉ, về dèo lại. Khi chúng khoẻ mạnh, đủ sức chống chọi với các loài thuỷ sản khác mới thả ra vuông tôm, hạn chế xổ vuông khi tôm còn nhỏ, từ đó tôm đạt năng suất cao. Với gần 4 ha đất sản xuất, hằng năm cho thu nhập ổn định từ 120-200 triệu đồng".

"Bình quân, hằng năm HTX xuất bán ra thị trường trên 15 tấn thuỷ, hải sản các loại từ thành quả của thành viên HTX. Ðể quảng bá thương hiệu tôm sinh thái Rạch Gốc cùng với các loại thuỷ sản khác dưới tán rừng, hiện nay HTX Tôm - rừng Rạch Gốc đang triển khai điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của HTX, xây dựng trang web giới thiệu sản phẩm và chuẩn bị nguồn tôm nguyên liệu, các sản phẩm từ con tôm, như tôm khô, mắm tôm, bánh phồng tôm, tôm tươi sống... nhằm cung ứng, quảng bá tại Festival Tôm Cà Mau năm nay", ông Nguyễn Thanh Tín cho biết thêm.

Từ nguồn tôm thiên nhiên dưới tán rừng, hộ chị Nguyễn Thị Phúc, Khóm 3, thị trấn Rạch Gốc, làm tôm khô để dùng trong gia đình hoặc bán, tăng thêm thu nhập.

Ông Lâm Sĩ Em, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, cho biết, nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng kết hợp cua, sò, vọp, cá bống mú... đang là hướng đi phù hợp với điều kiện, đặc trưng vùng ngập mặn Rạch Gốc nói riêng và huyện Ngọc Hiển nói chung. Hướng tới, địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích và nhân rộng mô hình này trong dân nhằm nâng cao chất lượng thương hiệu tôm rừng, liên kết công ty, doanh nghiệp uy tín thu mua và trợ giá tôm sinh thái, giúp bà con an tâm sản xuất. Ðồng thời chọn địa bàn phù hợp để bà con gắn phát triển kinh tế với du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng mở ra các dịch vụ trải nghiệm. Từ đặc trưng của vùng ngập mặn Cà Mau và những hoạt động sinh hoạt đời thường, như đặt lú bắt tôm, cắm câu cua, bắt ba khía, xổ vuông đêm... sẽ là trải nghiệm tuyệt vời cho du khách./.

Nguồn: Tôm sinh thái Rạch Gốc nâng chất để vươn xa

Loan Phương - Minh Thừa

baocamau.vn