Cà Mau: Trận dánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn năm 1968

13:15 | 09/12/2023

|
Thực hiện kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của tỉnh, huyện Duyên Hải (nay là huyện Năm Căn) hạ quyết tâm bao vây bức rút Chi khu Năm Căn - một cứ điểm quan trọng của địch trên địa bàn huyện, nhằm kéo căng lực lượng của địch, không để địch điều quân chi viện, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng ta tiến công vào thị xã Cà Mau.
Cà Mau: Cơ hội việc làm từ du lịch sinh tháiCà Mau: Cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái
Cà Mau: Phụ nữ vượt khó làm giàuCà Mau: Phụ nữ vượt khó làm giàu

Bao vây bức rút Chi khu Năm Căn (1968). Ảnh tư liệu

Chi khu Năm Căn án ngữ ngã ba sông Cửa Lớn (sông Năm Căn) và sông Cái Nai. Ðể thực hiện bao vây bức rút Chi khu Năm Căn, Huyện uỷ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương gồm: Ðồng chí Huỳnh Văn Tửu (Tám Bông), Bí thư Huyện uỷ, Chính trị viên Huyện đội, làm Trưởng ban; đồng chí Lê Tòng Bá (Út Ðiệp), Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Huyện đội trưởng, làm Phó ban. Huyện đội phân công lực lượng thực hiện bao vây bức rút Chi khu Năm Căn gồm: Trung đội Bộ binh do đồng chí Phạm Quốc Quân (Út Quân) làm Trung đội trưởng, đồng chí Võ Văn Oanh (Năm Chóp) làm Chính trị viên, đồng chí Trần Vũ Phúc làm Trung đội phó; Trung đội Pháo binh do đồng chí Lý Văn Tửng (Tư Tửng) làm Trung đội trưởng, trang bị DKZ 75 mm, cối 60 mm; Trung đội Phòng không do đồng chí Nguyễn Văn Dí (Ba Thành) làm Trung đội trưởng, trang bị súng máy 7,62 mm; 1 Phân đội Trinh sát đặc công.

Bộ đội huyện, du kích các xã hợp đồng chiến đấu, luân phiên chốt giữ các mũi chiến hào. Các ngành, đoàn thể cấp huyện, các xã huy động luân phiên hàng ngàn lượt dân công cùng bộ đội đào chiến hào, công sự và xây dựng lán trại, trạm cứu thương, kho dã chiến để bao vây tấn công địch. Các mẹ và chị em phụ nữ được huy động làm công tác bảo đảm hậu cần, tiếp tế, cứu thương. Công tác chuẩn bị về vũ khí, đạn dược và lương thực, thực phẩm được nhanh chóng chuyển ra tiền tuyến với khẩu hiệu “Tất cả để chiến thắng!”, “Tất cả để giải phóng Năm Căn!”.

Theo kế hoạch đã thống nhất, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968, quân dân ta đồng loạt tổng tiến công và nổi dậy trên 3 vùng: đô thị, nông thôn, miền núi và khắp các chiến trường miền Nam. Tại Cà Mau, các lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào thị xã, thị trấn và một số cứ điểm quận lỵ quan trọng trong tỉnh.

Tại huyện Duyên Hải, các mũi chiến hào thực hiện bao vây Chi khu Năm Căn gồm: mũi hướng Ðông do xã Năm Căn đảm trách; mũi hướng Tây do xã Tân Ân và Nguyễn Huân đảm trách; mũi hướng Nam do xã Viên An đảm trách. Ta cắt đứt mọi con đường tiếp tế của địch, đồng thời tăng cường bao vây, pháo kích, bắn tỉa, ghìm địch suốt ngày đêm trong công sự, làm cho địch thương vong ngày càng nhiều, thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống, tinh thần binh lính hoang mang cao độ. Các mũi chiến hào ngày càng phát triển, lấn dần, áp sát Chi khu Năm Căn và các đồn bảo vệ chi khu tại Cầu Sắt, kênh Xáng Cụt và vàm Ông Quyến.

Trước sức ép bao vây ngày càng lớn của ta, cuối tháng 2/1968, trung đội dân vệ của địch đóng đồn Ông Quyến do thượng sĩ Tình chỉ huy, đã lợi dụng đêm tối bỏ đồn vượt sông Cửa Lớn dồn quân tiếp tế cho địch ở Chi khu Năm Căn.

Ðể tiếp tục tạo bước đột phá tấn công, uy hiếp địch bị bao vây tại Chi khu Năm Căn, Huyện đội Duyên Hải giao nhiệm vụ cho cán bộ tham mưu, chỉ huy các đơn vị địa phương quân huyện nghiên cứu thực địa, lập phương án đánh tiêu diệt đồn tam giác kiên cố cấp trung đội của địch. Mục tiêu đầu tiên là đồn kênh Xáng Cụt, đồn tiền tiêu hướng Tây của Chi khu Năm Căn.

Chi khu Năm Căn. Ảnh Tư liệu

Ðêm 3/3/1968, bộ đội địa phương huyện dùng súng DKZ 75 mm bắn diệt lô cốt đầu cầu để các tổ xung kích đánh chiếm cửa mở và phát triển bên trong đồn kênh Xáng Cụt. Ðồng chí Phạm Quốc Quân, Trung đội trưởng, mũi trưởng xung kích bị thương nhưng rất dũng cảm xông vào đồn diệt địch, thu được 3 khẩu súng và rút lui an toàn. Kết thúc trận đánh, ta diệt nhiều tên địch, thu nhiều đạn dược và quân trang quân dụng; ta hy sinh đồng chí Lâm Quốc Lộc, Tiểu đội trưởng Ðặc công. Ðây là lần đầu tiên bộ đội huyện với những cán bộ, chiến sĩ rất trẻ là du kích xã mới rút lên huyện hơn 10 ngày đã đánh tiêu diệt đồn tam giác kiên cố, binh hoả lực rất mạnh và sát Chi khu Năm Căn, lập chiến công to lớn. Sau trận này, đồng chí Phạm Quốc Quân được Tỉnh đội tặng 2 bằng khen về thành tích diệt đồn, giết giặc và thu vũ khí.

Trước sức ép dữ dội của ta, địch ở bên trong Chi khu Năm Căn bị khủng hoảng tinh thần, nhiều lần xin chi viện nhưng địch ở Tiểu khu An Xuyên bất lực, buộc Quân đoàn 4 thuộc Vùng 4 chiến thuật phải dùng máy bay lên thẳng đổ quân ứng cứu. Khi địch vừa xuống mặt đất, lực lượng của ta nổ súng tiến công, diệt tại chỗ nhiều tên, bắn rơi 2 máy bay và bị thương 3 chiếc khác, buộc địch phải bốc quân tháo chạy.

Trước tình hình đó, ngày 18/4/1968, binh lính còn lại ở Chi khu Năm Căn lợi dụng đêm tối tháo chạy về Ðầm Cùng. Lực lượng ta tiến lên san bằng Chi khu Năm Căn và các đồn bót địch trong khu vực, thu 20 súng, trong đó có 1 súng cối 81 mm, quân trang, quân dụng và nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng. Huyện Duyên Hải được hoàn toàn giải phóng, Chi khu Năm Căn bị san bằng, tin vui được truyền đi khắp nơi trong tỉnh, cổ vũ tinh thần quân dân trong tỉnh tập trung bao vây, uy hiếp địch giành thắng lợi to lớn. Các lực lượng của ta tiếp tục được điều lên chi viện để bao vây Ðầm Cùng, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 18/4/1968, sau 3 tháng bao vây đánh lấn Chi khu Năm Căn, quân dân huyện Duyên Hải đã đào hàng ngàn mét khối đất với 3 mũi chiến hào dài hàng ngàn mét, xây đắp 132 công sự, chiến hào và hầm tránh phi pháo; xây dựng nhiều trận địa, bãi lửa, gài hơn 700 lựu đạn, trái nổ; cắm hơn 28 ngàn mũi chông đước, cọc chống trực thăng. Mặc dù địch thường xuyên phản kích đánh trả ác liệt nhưng lực lượng bao vây kiên cường bám trụ, tác chiến hàng chục trận lớn nhỏ, bức rút đồn Ông Quyến, tiêu diệt đồn kênh Xáng Cụt và đồn Cầu Sắt; loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch, thu hơn 100 súng các loại và quân trang, quân dụng. Ta hy sinh 26 đồng chí, bị thương 34 đồng chí.

Thắng lợi của trận bao vây bức rút Chi khu Năm Căn - một căn cứ quân sự vô cùng quan trọng của địch nơi vùng đất cuối trời Tổ quốc, giải phóng hoàn toàn huyện Duyên Hải, góp phần quan trọng vào chiến công của quân dân Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, còn là nơi ghi nhớ công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, sáng tạo của quân dân Cà Mau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ðặc biệt, địa điểm này còn để các thế hệ thể hiện lòng biết ơn đối với cha ông, từ đó kế tục, phát huy truyền thống yêu nước; mưu trí, sáng tạo trong đấu tranh gìn giữ hoà bình, cũng như trong lao động, góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ mai sau, biết gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử và xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

Nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của Ðảng bộ, quân và dân huyện Năm Căn, tuyên truyền ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử, văn hoá của địa phương, thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ đi trước, ngày 22/11/2023, UBND huyện Năm Căn tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Trận đánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn năm 1968” tại UBND huyện Năm Căn./.

Nguồn: Trận dánh bao vây bức rút Chi khu Năm Căn năm 1968

Vũ Khắc - Dương Lễ

baocamau.vn