Cà Mau: Trợ lực cho sản phẩm OCOP

13:10 | 15/07/2023

|
UBND tỉnh Cà Mau vừa phân công sở, ngành, đoàn thể hỗ trợ 17 chủ thể nâng hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng có khả năng đạt từ 4 sao trở lên. Hoạt động này góp phần nâng cao thu nhập, chuyển đổi sản xuất.
Cà Mau: Trở lại làng cá Hố GùiCà Mau: Trở lại làng cá Hố Gùi
Cà Mau: Keo lai vào vụ mớiCà Mau: Keo lai vào vụ mới

Hành trình nhiều khó khăn

Các sản phẩm đặc trưng như tôm, cua, ruốc, cá, chuối, mật ong, gạo, nước mắm, bồn bồn… đã được nhiều chủ thể xây dựng thành công và có chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên; từ đó giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ðến nay, tỉnh có 128 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; nhưng hạn chế là vẫn chưa có sản phẩm 5 sao, số lượng sản phẩm OCOP đạt 4 sao còn ít. Hiện tại, chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; đây được xem là khó khăn cơ bản của các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này…

Cà Mau: Trợ lực cho sản phẩm OCOP
Về bài toán đầu ra cho sản phẩm, tỉnh giải quyết thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng gắn với du lịch hoặc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Anh Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau), chia sẻ: "Khó khăn hiện nay của HTX là chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất lúa hữu cơ đã hết hạn; kinh phí để cấp lại cũng khá lớn, nên rất cần hỗ trợ từ phía ngành chức năng. Bên cạnh đó, HTX cũng gặp khó trong việc đầu tư cơ sở vật chất, bàn ghế, máy vi tính cho nhân viên kế toán làm việc tại văn phòng".

Sở hữu trí tuệ là vấn đề chưa được chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ, từ đó chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu; những sản phẩm của các chủ thể chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như mong đợi. Trùng lắp sản phẩm, tập trung sản xuất một số sản phẩm từ ngành chế biến thuỷ sản, chưa khai thác tối ưu các yếu tố mang tính đặc thù cũng là những khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp gặp khó.

Tạo sự bền vững từ chuỗi liên kết

Thời gian gần đây, việc phát triển sản phẩm OCOP được tỉnh triển khai trong suốt thời gian qua và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP, Cà Mau đặt ra mục tiêu trong năm nay tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2020-2022. Phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; phấn đấu hỗ trợ và nâng hạng ít nhất 30 sản phẩm đạt 4-5 sao (trong đó, 25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, 5 sản phẩm tiềm năng tham gia phân hạng năm 2023).

Cùng với đó, địa phương sẽ ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên. 100% vị trí phụ trách chương trình OCOP các cấp, 100% chủ thể OCOP được đào tạo, tập huấn với trình độ phù hợp lĩnh vực kinh doanh mà mình đang triển khai thực hiện.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký quyết định phân công sở, ngành, đoàn thể tỉnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023. 11 lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh được phân công chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ 17 chủ thể nâng hạng sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng có khả năng đạt từ 4 sao trở lên. 6 lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh được phân công chịu trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các tiêu chí OCOP bắt buộc còn hạn chế theo Quyết định 148/QÐ-TTg, ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm và các tiêu chí còn hạn chế khác.

Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, Sở được phân công hỗ trợ 5 sản phẩm của 4 chủ thể thuộc huyện Năm Căn và TP Cà Mau. Sở đã làm việc với huyện, các chủ thể, tìm hướng hỗ trợ, đầu tư gần và sát để đạt hiệu quả cao trong quá trình hỗ trợ.

Cà Mau: Trợ lực cho sản phẩm OCOP
Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kiên Cường, Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn sẽ được Sở NN&PTNT, Sở Công thương tỉnh hỗ trợ để nâng sao cho sản phẩm.

Anh Huỳnh Minh Kiên, chủ Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Kiên Cường (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), cho biết: "Ðể nâng sao, với 7 tiêu chí của bộ tiêu chí mới, hiện cơ sở khó khăn nhất vẫn là xây dựng khung sườn bộ hồ sơ pháp lý cho các tiêu chí để có chứng nhận quốc tế, phục vụ xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài. Cơ sở chưa biết quy chuẩn xây dựng nhà xưởng, chưa dám xây dựng để tránh tình trạng phải đập đi xây lại. Nhận được thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau hỗ trợ trong việc nâng sao, cơ sở rất phấn khởi và tự tin hơn vì tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình xây dựng các sản phẩm OCOP".

Từ nguồn kinh phí 2 tỷ đồng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã phối hợp với ngành công thương, nông nghiệp phân khai nguồn vốn khuyến công và khuyến nông giúp các chủ thể nâng cấp nhãn mác, xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP; trang bị trang thiết bị hiện đại trong quá trình sản xuất.

Về bài toán đầu ra cho sản phẩm, thông qua việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng gắn với du lịch hoặc quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện công cộng; tham gia hội chợ, kết nối thị trường trong và ngoài nước, các ngành, các cấp quan tâm chú trọng xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP… Ðây là những chương trình đã triển khai hiệu quả thời gian qua và cần làm tốt hơn trong thời gian tới.

Nguồn: Trợ lực cho sản phẩm OCOP

Phú Hữu

baocamau.com.vn