Cần Thơ: Thành bại tại... hợp tác và liên kết!

13:15 | 20/07/2023

|
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án) đang rất được kỳ vọng sẽ tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành lúa gạo ĐBSCL. Tuy nhiên, để biến sự kỳ vọng trên thành hiện thực, thì vấn đề hợp tác và liên kết chuỗi giá trị cần được thực hiện một cách hiệu quả và thực chất hơn để tránh đi vào vết xe đổ của mô hình cánh đồng lớn trong thời gian qua.
Cần Thơ: Nghiên cứu phương án cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thảiCần Thơ: Nghiên cứu phương án cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải
Cần Thơ: Bình Thủy phát huy “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên taiCần Thơ: Bình Thủy phát huy “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai

Bài học từ cánh đồng lớn

Cần Thơ: Thành bại tại... hợp tác và liên kết!
Cánh đồng lúa ST24 sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí liên kết thực hiện với nông dân vùng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Ngay từ khi mới hình thành, mô hình cánh đồng lớn đã được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành lúa gạo, phù hợp với xu thế sản xuất lớn gắn với thị trường tiêu thụ để đem lại nhuận cao và phát triển bền vững. Thế nhưng, sau gần 20 năm thực hiện cho thấy, đa số cánh đồng lớn chỉ mới đạt được mục tiêu đầu tiên là tập hợp nông dân lại với nhau theo mô hình hợp tác xã để hình thành nên những vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, còn mục tiêu lớn hơn, xa hơn là thu hút được doanh nghiệp tham gia nhằm tạo chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu thì vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đây cũng chính là một phần nguyên nhân làm cho những cánh đồng lớn chẳng những không lớn (cả về quy mô lẫn số lượng - NV) mà còn mất dần theo thời gian. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), nếu như năm 2018, diện tích cánh đồng lớn tại ĐBSCL khoảng 380.000ha, chiếm 9,2% diện tích gieo trồng lúa của cả vùng, thì đến năm 2020, chỉ duy trì trong khoảng 140.000-150.000ha.

Nông dân rất cần có nơi tiêu thụ lúa ổn định, giá cả hợp lý; doanh nghiệp cũng rất cần có vùng nguyên liệu ổn định về số lượng, đảm bảo về chất lượng, nhưng vì sao cả 2 chủ thể chính này lại chưa thể kết hợp được với nhau? Đây là câu hỏi rất cần có lời giải để tìm ra nguyên nhân hiệu quả còn kém của mô hình cánh đồng lớn. Qua hơn 20 năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, được đi nhiều nơi, được tiếp cận nhiều mô hình liên kết cánh đồng lớn với doanh nghiệp, người viết nhận thấy, mối lương duyên giữa họ bị đổ vỡ phần lớn là do nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng lẫn nhau và đặc biệt là chưa giữ được chữ tín trong mối quan hệ hợp tác theo hợp đồng đã được ký kết. Khi hợp đồng bị phá vỡ, các bên đều “mạnh ai gánh lấy hậu quả”, mà hầu như không có ai phải chịu trách nhiệm. Từ đây, việc “bẻ kèo” hợp đồng ngày càng phổ biến hơn, đẩy nông dân và doanh nghiệp ngày một xa nhau hơn.

Hợp tác xã - cầu nối quan trọng

Sản lượng lúa sản xuất tại ĐBSCL những năm gần đây ổn định khoảng 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng, người trồng lúa ở ĐBSCL từ trước đến giờ vẫn luôn được xếp vào nhóm có thu nhập trung bình, thấp. Đó là nghịch lý. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế sản xuất lúa, với đa phần là hộ gia đình có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chi phí sản xuất cao, trong khi sản phẩm có giá bán không cao (do số lượng thấp, chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm chưa cao…) thì chuyện nghịch lý trên là hoàn toàn có thể hiểu được.

Theo kết quả thống kê, diện tích sản xuất lúa bình quân của mỗi hộ ở ĐBSCL chỉ vào khoảng 1,3ha. Như vậy, để có sản lượng lúa ổn định khoảng 10.000 tấn/năm, doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu khoảng 1.000ha sản xuất 2 vụ lúa/năm. Được như vậy doanh nghiệp phải tiếp cận được với gần 1.000 hộ trồng lúa. Đây gần như là điều vượt ngoài khả năng của doanh nghiệp, là nút thắt quan trọng khiến phần lớn doanh nghiệp không thể liên kết, hợp đồng thu mua lúa trực tiếp từ nông dân. Do đó, để kéo doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị thì các hợp tác xã (HTX) kiểu mới cần phát huy tốt hơn nữa vai trò trung gian, làm cầu nối tạo liên kết chuỗi giá trị công bằng và hiệu quả một cách chặt chẽ, thực chất và hiệu quả giữa nông dân và doanh nghiệp, trên tinh thần tự nguyện, tự giác, cùng có lợi để cả hai có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác, liên kết phải thực chất

Trao đổi với người viết trước đây về câu chuyện hợp tác và liên kết, ông Quách Văn Quang, Giám đốc HTX sản xuất lúa giống và Dịch vụ Vĩnh Tiền, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: “HTX tôi cũng đi lên từ cánh đồng mẫu, sau này là cánh đồng lớn; từng được chứng nhận Global GAP, nhưng thật lòng mà nói, nếu chúng tôi không xây dựng được mối liên kết đầu tư, tiêu thụ với Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí của kỹ sư Cua (Hồ Quang Cua - NV), không biết giữ chữ tín trong làm ăn thì cũng khó mà phát triển mạnh như ngày hôm nay được”. Chuyện tôn trọng hợp đồng để giữ chữ tín với nhau là rất quan trọng, bởi đó cũng là chất kết dính cho mối liên kết ngày thêm bền chặt. Ông Quang dẫn chứng thêm: “Ví dụ như, mỗi khi giá lúa trên thị trường cao hơn so với hợp đồng, chúng tôi đều được kỹ sư Cua hỗ trợ thêm một phần, nên lợi nhuận lúc nào cũng cao hơn so với xung quanh. Ngược lại, nếu giá thị trường quá thấp, HTX cũng ngồi lại với doanh nghiệp để tính toán mức giá sao cho hài hòa 2 bên. Nói chung là có qua, có lại, nên nhiều năm nay, HTX vẫn gắn kết với doanh nghiệp này”.

Theo Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, muốn đạt được mục tiêu thì trước hết, sự hợp tác, liên kết trong sản xuất lúa phải thực chất và hiệu quả. Do đó, quá trình triển khai thực hiện tới đây cần chuyển từ sản xuất theo số lượng sang chuỗi giá trị, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Hay nói cách khác là cần phải nâng cấp chuỗi giá trị gạo chất lượng cao nói chung và gạo thơm đặc sản nói riêng. Để làm được việc này, vấn đề đầu tiên là tăng cường năng lực sản xuất giống; xây dựng mô hình sản xuất phù hợp; tổ chức liên kết nông dân theo hình thức hợp tác (tổ hợp tác, HTX) và hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với các tổ chức này, để cung ứng nguyên liệu cho xuất khẩu theo hợp đồng đã ký kết.

Nguồn: Thành bại tại... hợp tác và liên kết!

Hoàng Nhã

baocantho.com.vn