Cần Thơ thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển

04:15 | 17/07/2023

|
Tại kỳ họp giữa năm của HÐND TP Cần Thơ khóa X vừa qua, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc thông qua Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ. Quy chế quản lý kiến trúc được xây dựng để quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo và chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc. Ðồng thời là một trong các cơ sở để cấp phép xây dựng theo quy định.
Cần Thơ: Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giớiCần Thơ: Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới
Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác đất đaiCần Thơ: Nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác đất đai

Cần Thơ đang hướng đến là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL.

Xây dựng nền tảng cơ sở

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị đã xác định TP Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL và sẽ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á đến năm 2045. Vì vậy, quy chế quản lý kiến trúc là một trong các công cụ thể chế hóa các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ÐBSCL.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Luật Kiến trúc năm 2019 quy định UBND cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình HÐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Theo đó, HÐND thành phố ban hành Nghị quyết thông qua Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ, làm cơ sở để UBND thành phố ban hành Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật hiện hành, đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác quản lý lĩnh vực quy hoạch xây dựng, đảm bảo phát triển kiến trúc bền vững, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa trong phạm vi lập quy chế.

Theo ông Mai Như Toàn, Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ được xây dựng để quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang theo định hướng phát triển kiến trúc. Quy chế cũng là một trong các cơ sở để cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng (Luật Xây dựng). Sau khi ban hành, Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ sẽ cơ bản và tháo gỡ điểm nghẽn về công tác cấp phép xây dựng thời gian qua; nhất là với các công trình và nhà ở trong đô thị, đặc biệt khu đô thị cải tạo và chỉnh trang.

Hướng đến đồng bộ trong quản lý kiến trúc đô thị

Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ được xây dựng với các nội dung như phạm vi điều chỉnh là các đô thị của TP Cần Thơ (quận, thị trấn); đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và các đối tượng khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc và xây dựng công trình kiến trúc tại thành phố. Mục tiêu Quy chế là để quản lý kiến trúc đô thị và thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan và bản sắc văn hóa TP Cần Thơ; phù hợp với định hướng phát triển không gian TP Cần Thơ được cấp thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan hiện hành.

Nguyên tắc chung quản lý kiến trúc trong đô thị là: tuân thủ theo quy định của Luật Kiến trúc, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch Ðô thị, Luật Ðất đai, Luật Nhà ở; các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và các quy định của pháp luật có liên quan; phù hợp các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đô thị (bao gồm cốt xây dựng công trình, chiều cao xây dựng công trình, mật độ xây dựng, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, hệ số sử dụng đất...) theo đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ, các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và điều kiện thực tế tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, quản lý và phát triển kiến trúc, không gian cảnh quan theo định hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc; là đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Ðối với khu vực, dự án, công trình đã có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng được phê duyệt hoặc đã được chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình mà đã có quy định cụ thể về kiến trúc so với Quy chế này thì được áp dụng theo các nội dung quy định đã được phê duyệt, chấp thuận...

Các nguyên tắc đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù: đối với các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan như các tuyến công viên, cảnh quan ven sông, kênh rạch; các trục đường chính, các tuyến phố đi bộ; các quảng trường và công viên lớn; các khu trung tâm công cộng; các khu vực xung quanh đầu mối giao thông công cộng, nhà ga đường sắt đô thị; các khu vực cửa ngõ... đảm bảo phù hợp theo định hướng các đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt. Ðối với khu vực lập thiết kế đô thị riêng: các khu vực có ý nghĩa quan trọng, trên cơ sở các yêu cầu về quản lý kiến trúc, phải xác định những khu vực sẽ ưu tiên và kèm theo các sơ đồ thể hiện vị trí cụ thể cho các khu vực này. Ðối với khu vực tuyến phố, khu vực ưu tiên chỉnh trang: đảm bảo phù hợp quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ðối với các công trình phải tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc: đảm bảo tuân thủ các nội dung được nêu tại Khoản 2 Ðiều 17 Luật Kiến trúc năm 2019 và các quy định khác có liên quan.

Về định hướng kiến trúc, không gian cảnh quan: định hướng chung là kiến trúc các công trình cần tuân thủ định hướng phát triển không gian đô thị trong Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung TP Cần Thơ được phê duyệt. Ngoài ra, xây dựng kiến trúc đô thị hiện đại, năng động, có tính kế thừa; tạo ra các không gian công cộng, không gian ngầm đô thị, không gian mở để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố.

Về định hướng cụ thể: không gian cảnh quan đô thị được định hướng các vị trí điểm nhấn về đô thị theo quy hoạch đô thị; hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước; đồng thời các không gian mở có tầm nhìn hướng ra khu vực cảnh quan tự nhiên (mặt nước, hai bên tuyến đường, tuyến sông, kênh rạch...)… Về kiến trúc được định hướng trên các tuyến đường chính, đường liên khu vực, đường chính khu vực; khu vực hiện hữu, khu vực đô thị mới, khu vực giáp ranh nội ngoại thị, khu vực bảo tồn, khu vực dự trữ phát triển, khu vực công nghiệp; tập trung kiến trúc cao tầng tại các khu vực trung tâm, quảng trường.

Yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc được xác định trên cơ sở các đặc điểm, tính chất tiêu biểu, dấu ấn đặc trưng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thuần phong mỹ tục của các dân tộc; về kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng được dùng trong công trình kiến trúc cần tạo nên phong cách đặc trưng của TP Cần Thơ và những nét riêng đối với các khu vực quản lý đặc thù. Ðược thông qua các yếu tố như hình thái không gian đô thị gắn với tập quán sinh sống và cảnh quan tự nhiên sông, kênh, rạch; kiến trúc bản địa gắn với điều kiện khí hậu đặc trưng; phát triển kiến trúc mới, sáng tạo, hiện đại, kiến trúc xanh bền vững gắn với giải pháp và kinh nghiệm bản địa.

Ngoài ra, Quy chế quản lý kiến trúc TP Cần Thơ còn có quy định đối với khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù và các đô thị, quy định kiến trúc các loại hình công trình, các quy định quản lý các công trình đã được xếp hạng theo pháp luật về di sản văn hóa, các quy định quản lý công trình thuộc Danh mục kiến trúc có giá trị đã được phê duyệt.

HÐND TP Cần Thơ giao UBND thành phố ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế theo đúng quy định của pháp luật; Thường trực HÐND, các ban của HÐND, tổ đại biểu HÐND và các đại biểu HÐND thành phố giám sát việc thực hiện nghị quyết. Ngoài ra, còn có quy định chuyển tiếp: đối với các công trình đã được cấp giấy phép xây dựng (kể cả giấy phép xây dựng có thời hạn) trước ngày Quy chế này có hiệu lực, nếu các tổ chức, cá nhân có yêu cầu thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng mới theo quy định tại Quy chế và đảm bảo các yêu cầu về an toàn công trình theo quy định pháp luật hiện hành. Ðối với các công trình đã được xây dựng hợp pháp trước ngày Quy chế có hiệu lực thi hành nhưng không phù hợp với Quy chế thì được xem xét cho phép cải tạo, sửa chữa theo cấu trúc và quy mô hiện trạng; trường hợp có nhu cầu xây dựng mới thì phải tuân thủ theo quy định tại Quy chế.l

Nguồn: Cần Thơ thông qua Quy chế quản lý kiến trúc đáp ứng yêu cầu phát triển

Anh khoa

baocantho.com.vn