Chống gian lận thi cử: Kinh nghiệm đi liền với trách nhiệm

15:15 | 04/07/2022

|
Hai năm qua, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra an toàn, hạn chế tối đa vi phạm. Năm nay, trong bối cảnh bình thường mới, công nghệ hỗ trợ gian lận thi cử ngày càng tinh vi, đòi hỏi giám thị cần nhanh nhạy trong phát hiện, xử lý tình huống hợp tình hợp lý để không ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh.
Chống gian lận thi cử: Kinh nghiệm đi liền với trách nhiệm
Cán bộ coi thi tại Quảng Ngãi thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Để không còn những tiếc nuối

Trước khi học sinh khối 12 bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trường THPT Lệ Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phối hợp với cơ quan công an huyện tổ chức buổi nói chuyện về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018. Trong đó, chủ yếu nhấn mạnh đến những nội dung liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT.

Qua buổi nói chuyện, học sinh hiểu rõ rằng, đề thi, đáp án và các thông tin khác liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia như thi tốt nghiệp THPT, chọn học sinh giỏi quốc gia… đều là thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, được pháp luật bảo vệ. Về phía thí sinh, nếu làm lộ đề thi tốt nghiệp sẽ bị đình chỉ thi. Thầy Hà Văn Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thủy - cho biết: Không chỉ học sinh, giáo viên nhà trường sẽ tham dự một buổi tập huấn cùng nội dung trước khi tham gia làm công tác thi tốt nghiệp THPT.

Thầy Trung chia sẻ: “Việc tập huấn về nội dung bảo mật không chỉ xuất phát từ sự cố một thí sinh làm lọt đề Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, mà còn nằm trong kế hoạch phối hợp liên ngành”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ở buổi thi môn Toán, khi còn 5 phút nữa là thí sinh hết giờ làm bài thi thì trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp đề thi môn Toán kèm theo lời “cầu cứu” giải giúp một số câu. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT cùng với cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. Sự cố lọt đề được xác định tại điểm thi Trường THPT Lệ Thủy. Thí sinh gửi đề Toán ra ngoài nhờ làm hộ là em H.G, học sinh lớp 12A8 của trường. Thí sinh được xác định là đã mang điện thoại di động vào phòng thi.

Thầy Hà Văn Trung chia sẻ: Trước khi học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường cũng như giáo viên chủ nhiệm các lớp đều phổ biến quy chế thi. Các thầy cô giáo, khi tập huấn cũng đều nắm rõ những vật dụng mà thí sinh không được đem vào phòng thi. Giáo viên được chọn tham gia làm công tác thi đều có kinh nghiệm và trách nhiệm.

Ngoài buổi học quy chế thi, ở các buổi thi, có ít nhất là 3 lần trước khi phát đề thi, thí sinh được giám thị nhắc nhở về những vật dụng không được mang vào phòng thi, trong đó, điện thoại di động và tài liệu luôn luôn được nhấn mạnh. “Thế nhưng, khi đã cố ý mang vào thì các em luôn tìm mọi cách để giấu giếm. Giám thị cũng không thể lục soát được, nhất là ở những vị trí nhạy cảm”, thầy Trung bày tỏ.

Vì vậy, theo vị hiệu trưởng, chọn thời điểm gần với Kỳ thi tốt nghiệp THPT để phối hợp với cơ quan công an tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước 2018 cũng là để nhắc nhở giáo viên và học sinh thêm một lần nữa phải nắm vững quy chế thi, nghiêm túc và trung thực khi tham gia dự thi.

Chống gian lận thi cử: Kinh nghiệm đi liền với trách nhiệm
Cán bộ coi thi tại Đà Nẵng giúp thí sinh đối chiếu thông tin dự thi.

“Tiếp sức” cho cán bộ coi thi

Cùng với sự phát triển của công nghệ thì sự gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Giáo viên lớn tuổi, không rành về công nghệ hơn lớp trẻ nên nếu chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, sẽ khó phát hiện những gian lận ngày càng hiện đại này. Vì vậy, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - cho rằng, trong tập huấn cho cán bộ làm công tác thi, cần có sự tham gia của cơ quan công an để chia sẻ về thông tin gian lận, nhất là công nghệ cao để giáo viên có cơ hội nhận diện và hình dung các thủ đoạn.

Thầy Nguyễn Đình Hòa nhấn mạnh: Ngoài những quy định về không được mang thiết bị công nghệ vào khu vực thi, cần thêm những chính sách pháp luật khác. “Chẳng hạn, học sinh gian lận bị hủy kết quả và cấm thi 1 năm. Người hỗ trợ, tổ chức gian lận cần có hình phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự”.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) - cho biết: Ngoài tiêu chí như không có người thân tham gia thi (con, em) thì yếu tố sức khỏe và trách nhiệm với công việc cũng được xem là căn cứ để lập danh sách cử giáo viên làm cán bộ thi. Với những giáo viên tập sự, nhà trường thường không đưa vào danh sách tham gia công tác chấm thi để gửi về sở GD&ĐT.

“Thiết bị công nghệ, dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, con người vẫn là chính. Nếu cán bộ coi thi chuyên tâm vào nhiệm vụ sẽ dễ dàng phát hiện những thí sinh có biểu hiện gian lận. Các em ở độ tuổi mới lớn, khi gian lận trong thi cử sẽ có nhiều biểu hiện bất thường từ cử chỉ, thái độ... Khi thi tôi chú ý nhất vào ánh mắt và thái độ của học sinh” – thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) chia sẻ.

Nguồn: Chống gian lận thi cử: Kinh nghiệm đi liền với trách nhiệm

Hà Nguyên

giaoducthoidai.vn