Chúng ta trở nên yếu đuối khi cứ mãi tìm kiếm sự công nhận và lời ngợi khen từ người khác

09:44 | 27/12/2022

|
Nếu không được người khác công nhận mình có ngoại hình đẹp, ta tự ti mình không đẹp. Nếu không được người khác ngợi khen mình giỏi giang, ta đã vội hoài nghi mình chưa đủ tốt.
15 điều giác ngộ của người trưởng thành15 điều giác ngộ của người trưởng thành
Chấp nhận bản thân: 4 bước giúp bạn sống trọn vẹn với chính mìnhChấp nhận bản thân: 4 bước giúp bạn sống trọn vẹn với chính mình

Liệu có phải sự thành công của bạn là do người khác quyết định?

“Chứng tỏ” là một hình thức suy luận để khẳng định tính chân lý của một luận điểm. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã được học cách “chứng tỏ” qua những bài Toán “chứng minh tam giác ABC là tam giác vuông cân”, “AB và CD là hai đường thẳng song song”, hay qua vô số đề Văn “chứng tỏ nhân vật Mị là một thành công của Tô Hoài trong việc xây dựng con người thức tỉnh”,… Chúng ta được dạy phải chứng tỏ nhiều thứ, thậm chí là chứng tỏ bản thân mình có giá trị đối với gia đình, bạn bè, xã hội. Từ đó, lối tư duy “chứng tỏ bản thân” đã dần ăn sâu vào nếp nghĩ của đa số mọi người.

Song, mặt tối của nhu cầu “chứng tỏ bản thân” và mong muốn được người khác công nhận là khiến ta sống cho người mà quên mất mình. Nhiều người chạy theo chuẩn mực thành công của số đông bằng cách: kiếm thật nhiều tiền, đạt vị trí cao trong công việc, đi du lịch được nhiều nơi, kết hôn với một người “được xã hội xem là hoàn hảo” dù mình không yêu thật lòng,… Nếu không được người khác công nhận mình có ngoại hình đẹp, ta tự ti mình không đẹp. Nếu không được người khác ngợi khen mình giỏi giang, ta đã vội hoài nghi mình chưa đủ tốt. Cứ như vậy, ta sẽ ngày càng thấy mình yếu đuối khi “chẳng có gì trong tay”, dù sự thật không phải như vậy.

Chúng ta trở nên yếu đuối khi cứ mãi tìm kiếm sự công nhận và lời ngợi khen từ người khác

Hãy bước chậm lại một chút và thử suy xét, liệu có phải thành công của bạn từ trước đến nay là do người khác quyết định? Hay bạn đã lỡ bỏ quên giá trị thật của bản thân mình mà cuốn theo vòng xoáy hối hả đuổi theo sự công nhận?

Tham vọng được công nhận bắt nguồn từ sự tự ti về chính mình

Sâu xa hơn, nhu cầu “được mọi người công nhận và đề cao” cũng bắt nguồn từ chính tâm lý so sánh bản thân với những người xung quanh - khi chúng ta không tự tin vào mình.

Chuyện kể rằng tối nọ, có một vị samurai đã đến thăm thiền sư để xin lời khuyên. Anh ta hỏi:

- Thưa thầy, con luôn cảm thấy mình thấp kém mà không hiểu vì sao. Con đã từng ra tay giúp đỡ nhiều người yếu đuối và thậm chí suýt chết. Nhưng khi thấy những vị nghĩa hiệp khác, con cảm thấy mình chẳng phải ai đó đáng nể và quan trọng trong đời.

Thiền sư dẫn vị samurai ra trước sân, trên trời trăng rằm đang tỏa sáng, một khung cảnh yên bình và dễ chịu. Thiền sư nói:

- Anh có trông thấy mặt trăng không? Ánh trăng thật đẹp làm sao!

Samurai lắc đầu cười:

- Ánh trăng yếu ớt quá, con lại thích ánh sáng rực rỡ của mặt trời hơn, nó thể chiếu sáng mọi vật: từ cây cối, đất đai, nhà cửa, con người,…

Chúng ta trở nên yếu đuối khi cứ mãi tìm kiếm sự công nhận và lời ngợi khen từ người khác

- Nhưng ta chưa từng thấy mặt trăng than thở rằng tại sao nó không tỏa sáng như mặt trời. Có thật là mặt trăng thấp kém hơn mặt trời không?

- Chắc chắn là không ạ. Mặt trăng và mặt trời mỗi người một vẻ, không thể đem ra so sánh hơn thua - Vị samurai phản bác.

Thiền sư cười hiền từ:

- Đây chính là đáp án mà anh đang cần đấy. Mỗi người đều mang những phẩm chất khác nhau, chiến đấu theo cách riêng của mình và nỗ lực giúp cuộc đời thêm tươi đẹp, phần còn lại chỉ là vẻ ngoài.

Thật vậy, mỗi chúng ta đều có những ưu điểm riêng biệt, một giá trị riêng không thể đem về cùng một hệ quy chiếu mà đánh giá hơn thua. Trên đời không có người hoàn hảo tuyệt đối và cũng không có ai hoàn toàn vô dụng.

Sự công nhận của bạn đối với chính mình mới là quan trọng nhất

Mỗi khi quyết định hành động, hãy tự hỏi mục đích cốt lõi mà bạn hướng đến trong việc này là gì: là vì nếu làm, mình sẽ thấy thoải mái vui vẻ hơn; hay vì làm như vậy sẽ khiến người khác ngưỡng mộ mình hơn. Khi biết rõ câu trả lời, bạn sẽ hiểu điều gì là tốt nhất cho bản thân mình.

Giá trị đích thực của một người không được quyết định ở vỏ bọc bề ngoài, không nằm ở việc túi tiền bạn có bao nhiêu, vẻ ngoài của bạn có mấy phần lộng lẫy, danh sách thành tựu của bạn dài đến đâu. Hãy là chính bạn và tỏa sáng theo cách của riêng bạn, thay vì trở thành bản sao của người khác và phí hoài những phẩm chất tốt đẹp sẵn có bên trong mình.

Nguồn:Chúng ta trở nên yếu đuối khi cứ mãi tìm kiếm sự công nhận và lời ngợi khen từ người khác

Minh An

emdep.vn