Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam

17:33 | 20/11/2021

|
Bầu Đức sẽ không nhận danh xưng cao quý là người thầy, nhưng đằng sau 20 năm cống hiến cho bóng đá thì ông có công rất lớn trong hành trình “trồng người”.

1. Năm ngoái, tôi có cuộc trò chuyện với Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm ông Trần Đình Lý. Với tình cảm rất lớn dành cho bầu Đức, thầy Lý cho biết một số anh em có ý tưởng là nhà trường nên xem xét đặc cách chuyện trao bằng Đại học danh dự cho bầu Đức. Cá nhân thầy Lý ủng hộ điều đó khi cho rằng bầu Đức có sự đóng góp rất nhiều cho bóng đá nước nhà nói riêng và xã hội nói chung nên cần được vinh danh để làm tấm gương lớn cho sinh viên noi theo.

Vị Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm dẫn chứng câu chuyện tỷ phú người Mỹ Bill Gates được Đại học Havard trao bằng Tiến sĩ danh dự ngành luật vào năm 2007. Câu chuyện này khá tương đồng là bầu Đức từng có ba lần thi vào Đại học Nông Lâm nhưng không đỗ. Tuy nhiên, trường học không phải là tất cả với cuộc đời một con người, khi chàng trai Đoàn Nguyên Đức ngày đó thi trượt Đại học thì bóng đá Việt Nam mới có bầu Đức của 20 năm qua.

Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Bill Gates nhận tấm bằng Tiến sĩ danh dự ngành luật. Ảnh: Reuters.

Sau cuộc trò chuyện với thầy Lý, tôi đem chuyện Đại học Nông Lâm muốn trao bằng Đại học danh dự hỏi bầu Đức có suy nghĩ thế nào về điều đó. Ông chủ CLB HAGL đã từ chối, bởi không quen với chuyện vinh danh khi sự cống hiến cho bóng đá xuất phát từ tình yêu, và khát vọng của một người Việt Nam, cũng giống như hàng triệu người hâm mộ khác.

2. Bầu Đức yêu bóng đá từ lúc còn bé khi chơi bóng ở vị trí tiền đạo. Từ tình yêu trái bóng tròn được hun đúc thuở cơ hàn, bầu Đức có điều kiện nhờ làm kinh tế giỏi thì đóng góp cho sự phát triển của bóng đá nước nhà.

Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Bầu Đức “cắp sách“ sang nước Anh học làm bóng đá và ông trực tiếp nghe “giáo sư” Wenger chỉ bảo về con đường làm bóng đá chuyên nghiệp vào năm 2007.

Trong các năm qua, không ít ý kiến hay nói về chủ đề cầu thủ Việt Nam đi du học, tức xuất ngoại ra nước ngoài thi đấu. Tuy nhiên, một câu chuyện rất ý nghĩa khác chỉ có bầu Đức từng làm là “tầm sư học đạo”. Ông chủ CLB HAGL sang tận nước Anh để tham quan CLB Arsenal, học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp và trực tiếp thọ giáo HLV Wenger. Đó là một cuộc du học có tính lịch sử của bóng đá Việt Nam, lần đầu tiên có một ông chủ chịu ra tận nước ngoài học hỏi về cách làm bóng đá và trở lại Việt Nam cho ra đời Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG.

Từ thế một ông chủ ở Việt Nam “cắp sách” sang châu Âu học làm bóng đá, bầu Đức mở ra một trang mới cho bóng đá nước nhà là thay đổi kiểu làm “xây nhà từ nóc”, qua đó tập trung cho công tác đào tạo trẻ. Nhờ vậy, bóng đá Việt Nam đã có được sự thành công lớn lao dưới thời HLV Park Hang Seo. Nên nhớ, ông Park cũng được chính bầu Đức mời về Việt Nam và trả lương trong 2 năm đầu tiên.

Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Bầu Đức trở lại Việt Nam cho ra đời Học viện bóng đá HAGL.

Cố HLV Lê Thụy Hải từng nói về bầu Đức như người mở đường cho bóng đá Việt Nam đi đến thành công. Vì không có tầm nhìn và sự cống hiến của bầu Đức thì bức tranh là bóng đá nước nhà vẫn làm theo kiểu tập trung phần ngọn, không xây chân đế.

3. Và nhìn vào hành trình của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022, câu chuyện giáo dục cầu thủ từ bỏ thói quen đá xấu là một chủ đề được nói đến rất nhiều, hay mới nhất là thủ môn Tấn Trường ứng xử trên mạng xã hội. Người hâm mộ và những người quản lý bóng đá phải cảm ơn bầu Đức - một người làm bóng đá không chỉ sắm vai ông chủ đội bóng mà giống như người cha, người thầy dạy dỗ các cầu thủ rất bài bản và tử tế.

Lịch sử bóng đá Việt Nam đã chỉ ra rằng, nếu thiếu sự giáo dục thì các cầu thủ có thể mang đến nỗi đau cho cả một nền bóng đá. Lứa Văn Quyến, Quốc Vượng rất tài năng nhưng sự cám dỗ khiến họ sa ngã, qua đó tạo ra vết đen ở SEA Games năm 2005. Gần nhất, bóng đá Đồng Tháp có lứa cầu thủ trẻ tài năng vô địch U15 - U17 - U19 quốc gia nhưng tham gia cá độ bóng đá và VFF phải xử phạt vào năm ngoái. Những quả phạt đền của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 cũng là nỗi buồn, bởi các thói quen xấu như vung tay, chơi tiểu xảo khiến cho đội nhà nhận các bàn thua đáng tiếc trên chấm 11m.

Các chuyên gia, cựu cầu thủ hay những người quản lý bóng đá thường nói nhiều về chuyện phát triển bóng đá là cần làm tốt đào tạo trẻ. Nhưng sự thật là chưa đủ, bởi muốn có các cầu thủ giỏi thì cần phải có thầy giỏi. Và cầu thủ đá bóng giỏi mà thiếu sự giáo dục tử tế thì cũng khó thành công.

Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Bầu Đức trực tiếp dạy dỗ các cầu thủ trẻ HAGL về đạo đức sân cỏ.

Một môi trường đào tạo bài bản, có sự giáo dục là vô cùng quan trọng với bóng đá nói riêng và cuộc sống nói chung. Đây chính là sự khác biệt của bầu Đức khi đào tạo cầu thủ song song với sự trang bị về văn hoá. Cầu thủ HAGL được học văn hoá đến Đại học, có thầy dạy ngoại ngữ. Bầu Đức đích thân dạy dỗ về đạo đức sân cỏ là cấm đá xấu, đá láo, cấm có hành vi thiếu chuẩn mực với trọng tài và người hâm mộ.

Bầu Đức có quan điểm xuyên suốt rằng: Cầu thủ đào tạo ra là để đá bóng, cống hiến cho bóng đá nước nhà. Nhưng không phải ai cũng suôn sẻ trong hành trình theo đuổi ước mơ làm cầu thủ, do đó cầu thủ nào thiếu may mắn với bóng đá thì làm một công dân tốt khi Học viện HAGL có sự giáo dục tử tế ngay từ nhỏ.

Bóng đá chuyên nghiệp không chỉ là chuyện cầu thủ đá bóng, đó còn là sự hội tụ của rất nhiều điều quan trọng khác trong cuộc sống. Một ngôi sao đủ tài năng ra nước ngoài chơi bóng nhưng thiếu ngoại ngữ sẽ rất khó thành công. Một cầu thủ giỏi nhưng thiếu sự chuẩn mực trên sân cỏ, hay ứng xử kém trên mạng xã hội cũng khó được yêu mến...

Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình "trồng người" cho bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam thành công ở hiện tại là nhờ có một ông chủ tâm huyết như bầu Đức.

Bóng đá phải đi cùng với sự giáo dục. Bóng đá Việt Nam thực sự may mắn khi có một ông chủ sắm vai người thầy là bầu Đức. Và hôm nay 20/11, ngày nhà giáo Việt Nam để tri ân các thầy cô hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Bầu Đức không làm thầy, cũng từ chối ý tưởng nhận bằng Đại học danh dự nhưng ông xứng đáng được ngợi khen về công lao “trồng người” cho bóng đá nước nhà trong 2 thập kỷ qua.

Nguồn: Chuyện ngày 20/11: Bầu Đức và hành trình 'trồng người' cho bóng đá Việt Nam

Văn Nhân

saostar.vn