Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9

04:06 | 01/09/2022

|
Do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin và hiện chưa khắc phục, HoSE sẽ chuyển FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch.
Cổ phiếu FLC Faros nguy cơ bị đình chỉ giao dịchCổ phiếu FLC Faros nguy cơ bị đình chỉ giao dịch
Cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên liên tiếp, lãnh đạo nói Cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên liên tiếp, lãnh đạo nói "không biết lý do"

Hôm nay 31/8, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE) đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC từ diện hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch phiên chiều) sang diện đình chỉ giao dịch, kể từ ngày 9/9/2022.

Lý do mà HoSE đưa ra là FLC tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/8, theo thông tin từ HoSE FLC vẫn chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên (quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021); chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay. Vì vậy, ngày 11/7, HoSE đã đưa cổ phiếu FLC vào diện cảnh báo.

Không chỉ vi phạm về công bố thông tin, FLC nhiều lần vi phạm quy định về thuế, dẫn đến một số cơ quan thuế các tỉnh có dự án của FLC đang hoạt động phong tỏa tài khoản, tổng cộng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đơn cử, mới đây, Tổng Giám đốc FLC Bùi Hải Huyền gửi thông tin đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM thông tin về việc tập đoàn này nhận được 8 quyết định từ Chi cục Thuế khu vực Tp.Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa).

Lý do bị cưỡng chế là bởi công ty này đã nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định, tổng số tiền bị cưỡng chế hơn 130,8 tỷ đồng.

Không những vây, ngày 30/3, Chi cục thuế khu vực Tp. Sầm Sơn - Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định đối với FLC về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với FLC, mở tại 11 ngân hàng khác.

Số tiền bị cưỡng chế của FLC tại thời điểm đó là 124,8 tỷ đồng, do doanh nghiệp này nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày theo quy định.

Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9
FLC kết thúc hành trình tại HoSE ở mức 4.000 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: FireAnt)

Trước FLC, cổ phiếu ROS của FLC Faros cũng bị đình chỉ giao dịch từ 12/8 và vừa bị hủy niêm yết từ 5/9 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.

Theo quy định, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc hủy bỏ tự nguyện nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Với trường hợp của ROS, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết việc nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng thuộc hành vi bị cấm theo quy định và đang trong quá trình điều tra. Do đó, HNX chưa có cơ sở để xác định số vốn điều lệ hợp lệ cũng như tính đại chúng của ROS và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch.

Việc xem xét hồ sơ đăng ký giao dịch của ROS trên UPCoM sẽ được thực hiện sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và hướng dẫn của cơ quan quản lý.

FLC kết phiên giao dịch ngày 31/8 dừng tại mức 4.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá kết thúc hành trình của FLC tại sàn HoSE. Như vậy, quy mô vốn hóa của FLC đạt hơn 2.800 tỷ đồng. FLC cũng giảm 8/10 phiên gần nhất, trong đó có 4 phiên giảm kịch sàn.

Nguồn: Cổ phiếu FLC bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9

Trần Thu Thảo

nguoiduatin.vn